Châu Âu tăng cường tài trợ vũ khí cho Ukraine: Hiệu quả và hậu quả

09:48 | 13/03/2022

1,596 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong một động thái nhằm chứng tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, Liên minh châu Âu, ngày 11/3, đã quyết định tăng lên thành một tỷ euro ngân sách dành cho việc chuyển giao vũ khí cho chính quyền Kiev. Lợi ích của các hành động này chưa thấy đâu nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo hậu quả của nó.
Châu Âu tăng cường tài trợ vũ khí cho Ukraine: Hiệu quả và hậu quả
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại buổi họp báo sau thượng đỉnh Versailles ngày 11/3

Tính đến nay, tổng cộng có 28 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã đồng ý cung cấp vũ khí, viện trợ quân sự và vật tư y tế để giúp Ukraine đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Trong đó đáng chú ý có quyết định của một số nước xưa nay vốn tỏ ra trung lập như Thụy Điển, hay Phần Lan. Thụy Điển không phải thành viên NATO, tuyên bố gửi Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm, 5.000 áo giáp, 135.000 khẩu phần ăn dã chiến và 52 triệu USD. Phần Lan cũng nói sẽ cung cấp 2.500 khẩu súng trường tấn công, 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến.

Cuối tháng 2, Liên minh châu Âu cũng quyết định khoản viện trợ quân sự khổng lồ trị giá 450 triệu euro, bao gồm các loại trang thiết bị phòng thủ và tấn công sẽ được chuyển giao cho quân đội Ukraine. Đối với giới quan sát, đây là một quyết định lịch sử, vì từ khi thành lập đến nay, EU chưa bao giờ chuyển giao vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Đây cũng là quyết định của Đức. Giống như Thụy Điển, Đức đã phá vỡ cấm kỵ tồn tại từ lâu trên đất nước của họ, vốn tuân thủ chủ trương cấm tất cả các hoạt động xuất khẩu vũ khí sát thương tới các khu vực xung đột. Ngày 11/3, sau hai ngày họp thượng đỉnh tại điện Versailles gần Paris, lãnh đạo 27 thành viên EU đã nhất trí tăng ngân sách dùng vào việc cung cấp vũ khí giúp Ukraine chống lại Nga lên đến mức một tỷ euro, tức là gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Như vậy có thể thấy những tín hiệu từ Mỹ, châu Âu về viện trợ vũ khí cho Ukraine là rõ nét. Nhưng khi nào những khoản viện trợ quân sự trên được chuyển đến tay quân đội Ukraine thì chưa biết. Thông thường, vũ khí viện trợ của phương Tây chủ yếu được vận chuyển bằng đường không và đường bộ, tùy vào chủng loại vũ khí. Nhưng không phận Ukraine giờ nằm trong quyền kiểm soát của không quân Nga, nên việc vận chuyển bằng máy bay có thể sẽ bị đánh chặn bởi đòn tên lửa và không kích từ Nga.

Thực tế này cho thấy chỉ còn lựa chọn đường bộ là phù hợp, với vai trò đặc biệt quan trọng của Ba Lan, nước có đường biên giới dài 535 km với Ukraine. Trong lịch sử, quân đội Mỹ thường sử dụng việc điều quân và thiết bị qua ngả Ba Lan. Tầm quan trọng của Ba Lan càng nổi bật sau khi Hungary tuyên bố không cho vũ khí sát thương quá cảnh qua lãnh thổ nước này. “Tất cả vũ khí thiết ở thời điểm hiện tại về cơ bản đang và sẽ tập trung ở biên giới Ba Lan. Ngay cả khi Slovakia muốn trợ giúp thì đó cũng không phải là tuyến vận chuyển dễ dàng, bởi yếu tố địa lý có nhiều dãy núi cao chạy từ Slovakia xuôi sang Romania. Vì thế, chỉ còn hai tuyến đường là khu vưc sát biên giới Belaurs và tuyến chếch xuống phía nam”, Ed Arnold, chuyên gia nghiên cứu về An ninh châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) có trụ sở ở London nhận định. Theo Arnold, Nga có lợi thế trong kiểm soát hai tuyến đường này. Quân đội Nga có thể di chuyển từ khu vực tây nam Belarus và chặn tất cả những vũ khí, trang bị trên đường vận chuyển vào Ukraine. Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng. Ukraine đang rất cần bổ sung, vũ khí trang bị, tăng cường lực lượng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Kiev và Kharkiv, sau khi phải hứng chịu những đợt tấn công mạnh mẽ từ phía Nga. Quân đội Ukraine đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt về vũ khí đạn dược. Ông Arnold cho rằng máy bay của Ukraine hoặc nước ngoài có thể chuyển vũ khí từ Ba Lan qua khu vực biên giới. Nhưng làm như vậy sẽ không thể bảo đảm vận chuyển được số lượng lớn.

Một vấn đề khác đang gây mâu thuẫn giữa các nước đang muốn chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Đó là câu chuyện của Ba Lan. Do không thể đưa quân vào Ukraine để hỗ trợ Kiev chống trả Nga, phương Tây chỉ có thể cung cấp thiết bị quân sự, trong đó có các chiến đấu cơ, để tăng cường khả năng của quân đội Ukraine. Nhưng do nước nào cũng ngán ngại đụng chạm với Nga, cho nên việc giao các chiến đấu cơ Mig-29 của Ba Lan cho Ukraine nay đang gặp bế tắc.

Máy bay tiêm kích Mig-29, cũng như Sukhoi-27 và Sukhoi-25 là những chiến đấu cơ duy nhất mà các phi công Ukraine có thể sử dụng ngay, không cần được huấn luyện. Như vậy, các nước cung cấp các phi cơ này không cần gửi người đến tận nơi để huấn luyện các phi công Ukraine. Hiện giờ chỉ có một vài nước Đông Âu thuộc khối Hiệp ước Vacxava trước đây còn giữ các chiến đấu cơ Mig-29 có từ thời Liên Xô, phi cơ có khả năng phòng không phù hợp nhất với nhu cầu của không quân Ukraine để chống lại máy bay tiêm kích của Nga. Riêng Ba Lan hiện đang có khoảng 30 chiếc Mig-29, nhưng theo báo chí nước này, chỉ có 23 chiếc là còn tham gia tác chiến được. Hôm 8-3, Ba Lan đã đề nghị sẵn sàng chuyển ngay lập tức toàn bộ các chiến đấu cơ Mig-29 của nước này đến căn cứ Ramstein, Đức, để Mỹ toàn quyền sử dụng và sau đó giao các chiến đấu cơ này cho Ukraine. Đề nghị của Ba Lan đã khiến Mỹ bị bất ngờ và trong một thông cáo, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Hoa Kỳ đã bác bỏ đề nghị mà họ cho là sẽ “gây quan ngại nghiêm trọng cho toàn bộ khối NATO”.

Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước châu Âu cũng như Mỹ tuy kịch liệt lên án cuộc chiến này, nhưng vẫn liên tục nhấn mạnh không đưa quân sang Ukraine và không phải là một bên tham chiến trong cuộc xung đột với Nga. Chính vì sợ bị Nga xem là một bên tham chiến mà Ba Lan, quốc gia có biên giới chung với Ukraine, không dám một mình giao chiến đấu cơ cho Ukraine, mà phải “núp bóng” NATO. Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo tại Oslo, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã tuyên bố: “Mọi quyết định giao vũ khí phải do toàn bộ khối NATO đưa ra. Cho nên chúng tôi sẵn sàng giao cho Ukraine toàn bộ phi đội máy bay tiêm kích, nhưng chúng tôi không sẵn sàng làm điều đó một mình, bởi vì, như tôi đã nói, chúng tôi không tham gia vào cuộc chiến này”. Nhưng đối với chính phủ Mỹ, “quyết định chuyển giao hay không các phi cơ Ba Lan cho Ukraine là thuộc về chính phủ Ba Lan”. Nói chung Mỹ rất lo ngại về khả năng nổ ra xung đột giữa khối NATO với lực lượng Nga, nếu Tổng thống Putin xem việc giao chiến đấu cơ cho Ukraine là một sự can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh Ukraine. Nhưng như vậy thì làm cách nào để giao chiến đấu cơ cho Ukraine? Nếu phi công Ba Lan hay phi công một nước khác lái các chiếc Mig-29 sang Ukraine để giao cho nước láng giềng thì Vacxava hay nước khác có thể bị xem là tham gia “tích cực” vào cuộc xung đột. Như vậy không biết là Ba Lan và Mỹ sẽ tìm ra giải pháp nào cho bế tắc hiện nay. Tổng thống Nga từ thứ Bảy tuần trước đã cảnh cáo là bất cứ quốc gia nào tìm cách áp đặt lệnh cấm bay ở Ukraine đều sẽ bị xem là một bên tham chiến.

Liệu số vũ khí mà phương Tây gửi có đến kịp Ukraine để giúp xoay chuyển tình hình ở thực địa hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Bên cạnh đó, nỗ lực của các nước đồng minh Ukraine cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cuộc chiến lớn hơn và những biện pháp đáp trả từ Nga. Ngay cả khi không có binh sĩ nào của NATO tiến vào Ukraine, nguồn cung vũ khí của châu Âu có thể là một sự can thiệp trá hình trong mắt Nga. Cung cấp vũ khí cho Ukraine là một ý tưởng tốt nhưng nếu nó càng tăng lên, câu hỏi đặt ra là "ông Putin sẽ phản ứng như thế nào", Malcolm Chalmers, phó giám đốc Viện RUSI cho biết. Tổng thống Putin trong những bài phát biểu gần đây xem những hỗ trợ của phương Tây với Ukraine là mối đe dọa nhằm làm tổn hại Nga. Thậm chí, ông báo động lực lượng hạt nhân, động thái mà nhiều chuyên gia xem là gửi lời cảnh báo châu Âu và Mỹ về nguy cơ của việc can thiệp. Giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng máy bay Nga sẽ đi lạc vào không phận NATO khi họ cố ngăn các đoàn xe hoặc đuổi theo máy bay Ukraine. Tình huống tương tự từng xảy ra khi một quốc gia NATO bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria năm 2015. "Các cuộc chiến tranh thế giới đã bắt đầu từ những xung đột nhỏ hơn", Steven Erlanger, biên tập viên NY Times viết, thêm rằng việc các nước NATO ở gần cuộc chiến có thể dẫn tới rủi ro kéo các bên vào xung đột. Để phòng ngừa các rủi ro, NATO cũng có động thái tăng cường khả năng răn đe tại các quốc gia thành viên ở sườn đông, đảm bảo rằng Nga không thử thách cam kết phòng thủ tập thể của NATO.

Ukraine không chấp nhận tối hậu thư, tuyên bố tiếp tục chiến đấuUkraine không chấp nhận tối hậu thư, tuyên bố tiếp tục chiến đấu
Điều gì xảy ra với nền kinh tế châu Âu khi Nga Điều gì xảy ra với nền kinh tế châu Âu khi Nga "khóa van" khí đốt?
Chiến tranh Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế châu Á như thế nào?Chiến tranh Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế châu Á như thế nào?
EU thừa nhận sai lầm khi từng hứa kết nạp Ukraine vào NATOEU thừa nhận sai lầm khi từng hứa kết nạp Ukraine vào NATO

H.Phan

AFP