Cha mẹ sinh con trời sinh tính (?!)

15:05 | 10/09/2015

1,519 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cha mẹ sinh con trời sinh tính” là câu nói được truyền miệng trong nhân gian từ xưa cho đến thời nay. Nhưng liệu có phải lúc nào cũng đúng?
Trẻ hư tại người lớn
Đã qua rồi thời “yêu cho roi cho vọt...”!

Thói thường, trong cùng một gia đình con cái cùng cha mẹ sinh ra nhưng mỗi đứa một tính một nết khác nhau, đứa tính tốt, đứa tính xấu, đứa tính hiền lành đứa ngang ngược, đứa hiếu thảo lễ phép, đứa bất trung, đứa làm rạng danh gia đình dòng tộc, đứa thất đức độc ác làm những điều trái lương tâm trái đạo đức làm người phạm phải pháp luật làm lụy phiền đến cha mẹ và gia đình. Rồi có những đứa con cùng một cặp cha mẹ sinh ra, sinh đôi hẳn hỏi, cùng được nuôi dạy như nhau, thế mà mỗi đứa mỗi khuôn mặt, giọng nói và cá tính khác nhau, không ai giống ai, có giống chỉ là hãn hữu, cho nên trong nhân gian mới có câu "Cha mẹ sinh con trời sinh tính".

Có bà mẹ khoảng 40 tuổi trong một buổi tham gia nghe chuyên gia tư vấn tâm lý nói về cách dạy con trong bối cảnh hiện nay. Sau khi nghe chuyên gia tư vấn trình bày, bà đứng dậy và nói rất chậm rãi. Tôi có hai đứa con sinh đôi, một trai một gái. Đứa con trai sinh ra trước nên là anh lớn nhất trong nhà. Từ khi sinh ra cho đến lúc hai đứa đến tuổi dậy thì tôi đều chăm khá giống nhau. Từ ăn uống đến cách dạy dỗ, dĩ nhiên cách dạy con trai cũng có phần khác đứa con gái. Nhưng không hiểu sao càng lớn thì tính cách hai đứa trái ngược nhau hoàn toàn.

hinh
Phải chăng cha mẹ sinh con trời sinh tính? (ảnh mang tính minh họa)

Con trai tôi tính cách rất rộng rãi hay thương người, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có không chỉ cho người thân mà còn cho người dưng. Nó thích tham gia các hoạt động thiện nguyện, làm công tác xã hội và nói về những người nghèo, người kém may mắn trong xã hội với lòng thương cảm rất lớn. Tuy nhiên, con gái tôi thì ngược lại, sống khá ích kỷ. Con bé chỉ biết bản thân mình là chính. Làm gì cũng nghĩ đến cái lợi cho mình trước nhất. Con bé ích kỷ ngay cả với chính ba mẹ, anh chị em trong gia đình. Đối với người ngoài thì con bé không có ý nghĩ là sẽ giúp đỡ họ cái gì. Thấy người khó khăn cần giúp đỡ thì nó nói đó là việc của họ, không liên quan gì đến con.

Đến từng tuổi này, tôi cứ thấy hoang mang lo lắng. Vì đứa con trai thì hiếm khi nghĩ cho bản thân. Làm cái gì cũng nghĩ cho người khác, giúp đỡ người khác là hạnh phúc của nó nhưng con tôi sẽ thiệt thòi trong cuộc sống. Trong khi đứa con gái thì sống chỉ vì bản thân tôi sợ nó sẽ bị mọi người không thương yêu. Và nếu sau này chúng tôi không còn trên cõi đời này thì con bé cứ sống như vậy thì ai sẽ giúp con bé khi nó gặp khó khăn trong cuộc sống.

Chia sẻ của người mẹ hôm đó nhận được sự quan tâm rất không chỉ của diễn giả mà còn rất nhiều bà mẹ khác.

Chuyên gia tư vấn tâm lý đưa ra lý giải khá hợp lý. Con trai bà sống tình cảm, yêu thương và hay chia sẻ khó khăn vì người khác. Làm cái gì cũng nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình. Thứ nhất, con trai chị là anh cả trong gia đình thì trong văn hóa người Việt. Anh cả trong gia đình mặc nhiên là người có trách nhiệm lo lắng cho gia đình, yêu thương, bảo bọc các em. Lo lắng cho cha mẹ khi ốm đau bệnh tật. Từ tình yêu và trách nhiệm của một người anh cả trong gia đình cộng với tính nhân ái mà ra ngoài xã hội con trai chị đã trở thành một người rộng lượng, sống rất có trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời, có thể con trai chị thấy em gái mình sống khá ích kỷ, chỉ biết bản thân nên anh trai phải sống tốt, rộng rãi, thương người để làm gương, khiến em gái thay đổi bớt tính cách sống biết chia sẻ và thương người hơn.

Còn cô con gái, từ nhỏ được mặc nhiên là em gái được ba mẹ và anh trai cưng chiều từ nhỏ. Từ nhỏ, cái gì anh trai cũng nhường cho em gái. Cô bé chỉ biết nhận mà dường như chưa bao giờ biết cho đi. Việc chỉ có nhận đó từ từ đi vào vô thức là con bé chỉ biết lợi ích của chính mình. Cô bé mặc nhiên được nhận tình yêu thương từ cha mẹ, anh trai, kể cả tình cảm và vật chất. Từ cách sống chỉ biết nhận chứ không có khái niệm cho đi, dần dà cô bé sống ích kỷ, kể cả với người thân và với cộng đồng.

Do đó, chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, có nhiều bậc cha mẹ sau này mới trách con sao mình yêu thương con đến vậy, tất cả dành cho con mà con lại quá ích kỷ với mình, tính từng đồng từng cắt với cha mẹ. Thôi thì “nước mắt chảy xuôi”. Nhưng nếu tỉnh táo nhìn lại thì chính cha mẹ vì tình yêu thương và cách chiều chuộng bảo bọc quá mức đã làm cho đứa trẻ sống ích kỷ ngay từ nhỏ. Thì lớn lên, đứa trẻ cũng khó mà sống rộng rãi được.

Vì thế, ngay từ nhỏ, cha mẹ yêu thương con nhưng đừng quá nuông chiều, bảo bọc. Phải tạo điều kiện để cho đứa trẻ vừa biết nhận và vừa biết cho đi. Biết lo lắng cho ba mẹ, anh chị em trong gia đình khi đau ốm. Một bát cháo thơm, một bữa cơm đậm đà sẽ giúp đứa trẻ hiểu thế nào là giá trị của tình yêu thương và sự chia sẻ. “Các bà mẹ đừng giành hết công việc về mình. Đừng cho con một thiên đường quá đẹp. Đứa trẻ sẻ sẽ sống ích kỷ và mất khả năng đề kháng với cuộc sống khi các em bước ra ngoài xã hội”, là lời khuyên chân thành của chuyên gia tư vấn tâm lý.

Nên cha mẹ sinh con không hẳn trời sinh tính. Mà tính cách của một đứa trẻ được hình thành là một quá trình xã hội hóa từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Nguyệt Anh

Năng lượng Mới