Canh bạc đầu tư của Trung Quốc ở Venezuela

07:05 | 02/03/2019

7,408 lượt xem
|
(PetroTimes) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã buộc Trung Quốc phải nhìn nhận rằng: khoảng 50 tỉ USD vốn đầu tư và cho vay của quốc gia này tại Caracas đang có nguy cơ bị mất trắng.

Cho vay ồ ạt

Trung Quốc khởi động chương trình cho Venezuela vay ưu đãi và trả bằng “vàng đen” từ năm 2007. Khi giá dầu cao vào thời điểm ấy (khoảng 100 USD/thùng), Trung Quốc lo sợ cho an toàn nguồn cung dầu mỏ của mình và Venezuela, quốc gia có cùng hệ tư tưởng và có trữ lượng vàng đen lớn nhất thế giới, đặc biệt thu hút Bắc Kinh.

Năm 2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp gói vay 20 tỉ USD với lãi suất thấp cho Venezuela. Cùng năm đó, cố Tổng thống Hugo Chavez thông báo về khoản đầu tư trị giá 16 tỉ USD của đối tác Trung Quốc vào các lĩnh vực năng lượng. Trong vòng 1 thập niên, gã khổng lồ châu Á đã không ngần ngại móc hầu bao cho Venezuela thông qua việc cho vay, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mua trái phiếu nhà nước. Những hành động này được Bắc Kinh ca tụng là vì mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”.

canh bac dau tu cua trung quoc o venezuela
Ảnh minh họa

Việc trả nợ bằng dầu thô cho Trung Quốc cũng giúp Nhà nước XHCN Venezuela giảm phụ thuộc vào hoạt động bán dầu cho Mỹ.

Trung Quốc và Venezuela trở thành đối tác phát triển chiến lược vào năm 2001, rồi đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2014. Mặc dù Bắc Kinh bơm nhiều tiền như vậy nhưng Venezuela vẫn không tài nào vực dậy được nền kinh tế đất nước.

Không lâu sau khi ông Chavez qua đời vào năm 2013, Venezuela bắt đầu rơi vào khủng hoảng do quá phụ thuộc vào dầu mỏ. Giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, Venezuela gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận từ ngành dầu khí - “xương sống” của nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này. Do đó, chính quyền Tổng thống Maduro hiện nay đang phải gánh khoản nợ nước ngoài lên đến 150 tỉ USD, trong đó có 20 tỉ USD của nước đồng minh Trung Quốc.

Bắc Kinh đã kỳ vọng nhiều vào Venezuela khi nghĩ rằng đất nước Nam Mỹ có một vị trí địa lý thuận lợi mà Bắc Kinh có thể dùng để đối trọng với Mỹ cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong vùng sân sau của Mỹ.

Rất nhiều dự án trong tổng số 790 chương trình đầu tư của Trung Quốc tại Venezuela đã gặp thất bại.

Nguồn cơn khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng chính trị đã tạo nên những vấn đề nhức nhối cho chính quyền Tổng thống Maduro: siêu lạm phát, khan hiếm thực phẩm, sản lượng khai thác dầu thô tuột dốc, xuống mức thấp nhất trong 3 thập niên qua do cơ sở hạ tầng không được bảo dưỡng.

Theo ông Benjamin Gedan, chuyên gia cố vấn tại Viện Nghiên cứu Wilson Center, cuộc khủng hoảng chính trị “sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thỏa thuận giao dầu cho Bắc Kinh, làm gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại Venezuela. Cuối cùng, khi đảng phái mới lên nắm quyền, các khoản nợ của Trung Quốc có thể bị thoái thác”.

Trường hợp của Venezuela phản ánh nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc thông qua Dự án “Vành đai và Con đường” - dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc khắp thế giới bằng các khoản vay khổng lồ cho một loạt quốc gia vốn đang gánh những khoản nợ lớn từ trước.

“Vai trò chủ đạo của Bắc Kinh tại Venezuela đã củng cố lập luận của một số chuyên gia rằng, các khoản vay của Trung Quốc khiến cho nạn tham nhũng trở nên tồi tệ và nhốt các nước đang phát triển vào bẫy nợ” - ông Gedan nhấn mạnh. “Ngoại giao nhân dân tệ” nguy hiểm như thế nào? Theo ông Matt Ferchen, một học giả của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, nhà nước Trung Quốc đã tạo điều kiện để “Caracas đưa ra những quyết định kinh tế - chính trị yếu kém, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Theo ông, Venezuela đã từ chối vay từ các tổ chức tài chính quốc tế và quay sang mượn nợ Nga và Trung Quốc.

Ngân sách bốc hơi

Bà Margaret Myers, một chuyên gia cố vấn của Inter-American Dialogue có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Các khoản vay từ Trung Quốc thường đặt ra ít điều kiện và ràng buộc pháp lý. Tại Venezuela, hàng tỉ USD đã được sử dụng cho các dự án có động cơ chính trị hoặc chảy vào túi riêng”.

Tuy công khai ủng hộ chính quyền Maduro, Bắc Kinh mặt khác lại thể hiện mối lo ngại về khả năng trả nợ của Caracas. Theo báo cáo của Inter-American Dialogue, các ngân hàng phát triển của Trung Quốc đã không cấp thêm khoản vay nào cho Venezuela vào năm 2017 dù Caracas luôn nằm trong số những quốc gia được ưu tiên nhận tiền vay từ Bắc Kinh.

Nhận ra bài học từ Venezuela, nhiều quốc gia đã hoãn hoặc hủy bỏ các khoản cho vay đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Tháng 10-2018, quốc gia Tây Phi Sierra Leone đã hủy bỏ dự án xây dựng sân bay trị giá 400 triệu USD. Chính phủ Malaysia cũng thông báo về việc hoãn dự án đường sắt tốn kém do Trung Quốc hậu thuẫn vào tháng 1-2019.

Theo ông Ferchen, Trung Quốc dường như rất tin vào “khả năng thấu hiểu của mình về thiếu sót của các quốc gia đang phát triển”. Nhưng trong trường hợp của Venezuela, “Trung Quốc chỉ đứng bên ngoài quan sát đối tác của mình chìm trong cơn khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo. Chỉ đứng nhìn và không gì khác cả”.

“Các quốc gia khác trong khu vực coi trường hợp Venezuela như một bài học cảnh giác về việc bắt tay với Trung Quốc” - bà Margaret Myers cho biết.

Trung Quốc sẽ mất trắng các khoản đầu tư tại Venezuela?

Trong một bài viết số ra gần đây, tờ South China Morning Post cho biết, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước (trên 50 quốc gia) công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, nếu cứ tiếp tục ủng hộ chính quyền Tổng thống Maduro, Bắc Kinh có nguy cơ mất nhiều hơn là được. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao Trung Quốc đang có vẻ giữ khoảng cách và cố gắng tỏ ra trung lập.

“Tổng thống tự phong” Juan Guaido đánh giá cao thiện chí gần đây của Trung Quốc và đã bảo đảm sẽ tôn trọng các cam kết với Bắc Kinh khi ông lên nắm quyền. Cuộc khủng hoảng Venezuela làm lộ rõ những hạn chế về ưu thế và khả năng quản lý các rủi ro chính trị trong các chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh và nhiều nước đang phát triển khác.

Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro hiện nay đang phải gánh khoản nợ nước ngoài lên đến 150 tỉ USD, trong đó có 20 tỉ USD của nước đồng minh Trung Quốc.

South China Morning Post cho rằng, đây là một bài học cho Trung Quốc trước những tham vọng mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Cuối bài viết, South China Morning Post đặt câu hỏi: Làm thế nào để Trung Quốc lấy lại 50 tỉ USD? Câu trả lời có lẽ đã được chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị.

Ngày 12/2, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn riêng cho biết, các thành viên Ủy ban chỉ định đặc biệt của Tổng thống tự phong Juan Guaido đã tiến hành những cuộc gặp sơ bộ với đại diện của ban lãnh đạo Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, các cuộc gặp được cho là diễn ra tại Washington với môi giới là đại diện của ông Guaido ở Mỹ, Carlos Vecchio. Trong tương lai, phe đối lập Venezuela trông đợi có những cuộc đàm phán mới để thảo luận về phần hợp tác và đầu tư của Trung Quốc trong ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước này, tờ báo Mỹ thông tin thêm.

Wall Street Journal cho rằng, Bắc Kinh thương lượng với phe đối lập Venezuela là nhằm để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Venezuela. Cụ thể là các dự án dầu mỏ và món nợ của Caracas trước Bắc Kinh, ước tính khoảng 20 tỉ USD. Do đó, Trung Quốc tìm cách bảo toàn đầu tư nhưng đồng thời xúc tiến bắt tay với lực lượng đối lập trong khi vị thế của Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro đang xấu đi.

Tuy nhiên, ngày 13/2, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông tin của tờ Wall Street Journal.

S.Phương

canh bac dau tu cua trung quoc o venezuelaVì sao Tổng thống Maduro kiên quyết chặn hàng cứu trợ cho dân?
canh bac dau tu cua trung quoc o venezuelaThị trường dầu mỏ toàn cầu chao đảo sau lệnh trừng phạt Venezuela
canh bac dau tu cua trung quoc o venezuelaTrung Quốc có nguy cơ mất trắng 62 tỷ USD ở Venezuela

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc