Căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt, giá dầu giảm sâu

12:02 | 27/10/2023

21,424 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá dầu giảm sâu vào thứ Năm khi những lo ngại về việc mở rộng cuộc chiến giữa Israel và Hamas sang các nước láng giềng bắt đầu hạ nhiệt, để lại mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và khả năng phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt, giá dầu giảm sâu
Căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt, giá dầu giảm sâu

Khoảng 3:40 chiều GMT ngày 26/10, một thùng dầu Brent từ Biển Bắc giao trong tháng 12 giảm 1,59%, xuống 88,70 USD.

Tại Mỹ, một thùng dầu West Texas Middle (WTI) giao cùng tháng, giảm 1,76% xuống 83,89 USD.

Craig Erlam, nhà phân tích tại Oanda, nhận xét: “Nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn hơn” phát sinh từ cuộc chiến giữa Israel và Hamas “được coi là đang giảm dần”.

Israel hôm thứ Năm thông báo rằng họ đã tiến vào Dải Gaza bằng xe tăng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ được nhắc đến nhiều lần vào ngày thứ 20 của cuộc chiến chống lại Hamas. Theo Bộ Y tế Hamas, tính từ ngày 7/10, hơn 7.000 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza, tại Israel là hơn 1.400 người.

Kể từ sau cuộc tấn công đẫm máu của phong trào Hồi giáo Palestine, giá dầu Brent đã tăng 5% và dầu WTI tăng khoảng 1,5%.

Caroline Bain, nhà phân tích tại Capital Economics lưu ý: “Do thị trường dầu mỏ hiện đang thâm hụt, nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ có tác động đáng kể đến giá cả”. Trước đó, căng thẳng gia tăng trong khu vực đã từng dẫn đến hai cú sốc dầu mỏ năm 1973 và 1979.

Theo Capital Economics, thị phần sản xuất dầu của Trung Đông đã giảm, đạt khoảng 30% vào năm 2022. Các nguồn cung thay thế cũng đã xuất hiện, đặc biệt là dầu đá phiến của Mỹ.

Ngoài ra, “hầu hết các quốc gia hiện nay đều đã có dự trữ chiến lược để có thể sử dụng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn”, bà Caroline Bain nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng “các quốc gia sản xuất dầu ở vùng Vịnh hiện đã hội nhập nhiều hơn vào thị trường tài chính toàn cầu và sẽ không muốn mạo hiểm để bị trừng phạt".

Tuy nhiên, nhà phân tích cảnh báo vẫn có "một nguy cơ rất thực tế là cuộc xung đột sẽ trở nên tồi tệ hơn và các nước sản xuất dầu lớn trong khu vực sẽ nhảy vào".

Đồng thời, triển vọng về nhu cầu dầu thô không được hỗ trợ bởi quyết định của ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu). Nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ cũng cho thấy nền kinh tế hiện đang trong tình trạng không ổn định, mức độ nhu cầu sẽ liên quan đến nền kinh tế của các nước tiêu dùng.

Trên thực tế, ECB đã giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm, sau 10 lần tăng liên tiếp, cảnh báo rằng rủi ro lạm phát do cuộc chiến ở Trung Đông vẫn còn quá cao để xem xét giảm nhẹ.

Xung đột ở Trung Đông đe dọa an ninh huyết mạch dầu quan trọng nhất thế giớiXung đột ở Trung Đông đe dọa an ninh huyết mạch dầu quan trọng nhất thế giới
EU lo ngại một cuộc khủng hoảng giá khí đốt mới vào mùa đông nàyEU lo ngại một cuộc khủng hoảng giá khí đốt mới vào mùa đông này
Chiến sự Trung Đông có thể gây ra cú sốc dầu mỏ thế giới lần nữa?Chiến sự Trung Đông có thể gây ra cú sốc dầu mỏ thế giới lần nữa?
Nhiều thỏa thuận năng lượng ở Trung Đông “lung lay” sau xung đột Hamas - IsraelNhiều thỏa thuận năng lượng ở Trung Đông “lung lay” sau xung đột Hamas - Israel

Anh Thư

AFP