Cẩn trọng với "bẫy thu nhập trung bình"

09:45 | 08/03/2012

586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây nhiều học giả đã nói đến cái bẫy của thu nhập trung bình, hay cái bẫy của việc theo đuổi tăng trưởng nhanh… chính là cảnh báo cho tính kém bền vững, kém đồng bộ và mất cân đối của nền kinh tế, mà muốn điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, phải khắc phục được những khiếm khuyết cố hữu của nó, nhưng khó có thể nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

"Cái cần nắm thì buông, cái cần buông thì nắm”

Hiện nay, chúng ta chưa phân vai giữa thị trường và Nhà nước một cách hợp lý, hợp quy luật phát triển, lúc nghiêng quá sang thị trường, khi lại chú trọng quản lý theo kiểu kế hoạch tập trung. Trong nhiều khâu quản lý, vừa quá đề cao vai trò của thị trường trong nhiều trường hợp, nhưng lại cũng quá trì trệ trong nhiều vấn đề đáng ra phải nhường vai cho thị trường. Đó cũng chính là câu chuyện “cái cần nắm thì buông, cái cần buông thì lại nắm”.

Dẫn chứng cho nhận định trên có nhiều, nhưng nổi bật nhất hiện nay, có lẽ là tình trạng phân cấp quá mạnh trong quy hoạch và đầu tư cho các ngành và địa phương. Hệ lụy là tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả tới mức nguy kịch cho nền kinh tế. Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 ra đời đã tạo bước ngoặt trong quản lý đầu tư công hay nói cách khác là tái cấu trúc đầu tư công.

Nhiều cân đối lớn và nhỏ, ít được quan tâm điều chỉnh ngay từ đầu, nên hậu quả ngày càng nặng nề. Từ tình trạng quá tải trong các bệnh viện, trường học, nhà trẻ mẫu giáo… đến đường sá, giao thông, điện, nước sinh hoạt và sản xuất… đều do một thời gian dài cách quản lý vẫn nặng nề cung cách “cho phép hay cấm đoán”, không đi vào các căn cơ của những cân đối cơ bản trong đời sống kinh tế – xã hội.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ chúng ta đã quá đề cao sự điều tiết của các quy luật thị trường, có lúc có nơi đã muốn trao hết mọi nguồn lực cho thị trường điều tiết. Thị trường đã len lỏi vào nhiều “ngõ ngách” của đời sống xã hội. Nhiều lĩnh vực phải quản lý chặt thì chúng ta lại đang “buông”. Chẳng hạn, lương thực, thực phẩm bị người sản xuất chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguy hại đến sức khỏe người dân đã sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại. Nhiều mặt hàng chất lượng kém gây nguy hại đến tính mạng người dân vẫn “nhởn nhơ” trên thị trường. Tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại dai dẳng đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng tới hàng nội.

Trong khi đó, nhiều lĩnh vực độc quyền doanh nghiệp hoành hành không kiểm soát được, nhất là một số mặt hàng thiết yếu như: sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện, nước… Tiếp đến là những cuộc tranh cãi gần đây về thực trạng lời – lỗ trong kinh doanh xăng dầu, lương bình quân và vấn đề nợ, lỗ của ngành điện (EVN). Luật Cạnh tranh và Chống độc quyền đã được ban hành mấy năm nay, nhưng những chế tài thực thi lại chưa đủ mạnh khiến tình trạng độc quyền giá tồn tại khắp nơi. Có người nói, “nếu đầu vào tăng, thì xin tăng giá – việc kinh doanh quá dễ”, nhưng cái mất nhiều hơn cho nền kinh tế đó là mất động lực nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành.

Ngoài ra, do không xác định đúng và đầy đủ nguyên nhân nên Việt Nam đã lạm dụng nhiều giải pháp tình thế, mang nặng tính hành chính để xử lý các vấn đề của kinh tế thị trường, có lúc chúng ta coi việc chống lạm phát như mục đích tự thân, chạy theo chủ nghĩa thành tích đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Có lúc, hệ lụy của thắt chặt tiền tệ còn một ẩn số khó lường đối với nền kinh tế đang cần sự phát triển nhanh, bền vững để tránh tụt hậu xa hơn về kinh tế.

Chủ động hơn nữa trong điều hành vĩ mô

Từ thực tế trên, có thể rút ra một điều rằng, bắt nguồn từ nhận thức về vai trò của thị trường và Nhà nước dẫn tới việc điều hành vĩ mô thường bị động, lúng túng, kể cả giật cục, cũng như thái quá.

Muốn phát triển thị trường trong nước, phải chăm lo đến đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, bởi gần 2/3 dân số nước ta sống ở khu vực này. Thế nhưng, khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng tài chính 1997, chúng ta lại lao vào sản xuất, gia công để xuất khẩu. Đến năm 2011, kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam đã lên đến con số trên 170% GDP. Nhưng khi thị trường thế giới bị suy thoái, hàng loạt hoạt động bị cắt giảm, khó khăn trong việc ký các hợp đồng xuất khẩu mới thì câu chuyện tìm lại thị trường trong nước bắt đầu sôi động trở lại.

Trước khủng hoảng tài chính – kinh tế và suy thoái toàn cầu năm 2008-2009, nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng lạm phát cao. Nhiều biện pháp hãm phanh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt tiền tệ đã được đưa ra. Vào năm 2009, đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu bị tê liệt, hàng hóa ứ đọng, chúng ta lại áp dụng các biện pháp kích cầu. Nhưng khác với tình hình sau năm 1997, lần này chưa kích cầu được bao lâu thì từ năm 2010 đến nay, CPI tiếp tục tăng, nhiều cân đối lớn nền kinh tế bị phá vỡ, kinh tế vĩ mô mất ổn định. Chính phủ lại tiếp tục thắt chặt tiền tệ, kìm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Rõ ràng, tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam có thể tìm thấy nguyên nhân rất lớn từ công tác điều hành vĩ mô, do không xác định đúng và đầy đủ nguyên nhân nên Việt Nam đã lạm dụng nhiều giải pháp tình thế, không cơ bản để chống lạm phát.

Ở quốc gia nào cũng vậy, mục tiêu kinh tế hàng đầu là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và liên tục để bắt kịp kinh tế thế giới và đáp ứng yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường tăng trưởng lại cực kỳ khó khăn. Thực tế khó có thể phát triển nhanh mà giữ vững được trong dài hạn, vì bản thân tăng trưởng nhanh thường chứa đựng nhiều nhân tố gây mất cân đối dẫn tới khủng hoảng.

Chính sách thắt chặt tiền tệ là để chống lạm phát, nhưng cũng phải có bước đi căn cơ hơn. Nhất là việc xác định rõ những khu vực kém hiệu quả, tác nhân chính gây lạm phát, để có chính sách kích thích phát triển những khu vực đầu tư đang có hiệu quả cao, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế hiện nay phải nhắm đến thời kỳ kinh tế thế giới phục hồi hoàn toàn với hy vọng có sự thay đổi nào đó trong trật tự kinh tế thế giới; đồng thời tìm cách để kinh tế Việt Nam tham gia tốt nhất vào chuỗi giá trị toàn cầu, phân công lao động quốc tế. Muốn làm được điều đó, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế phải gắn chặt với điều chỉnh cơ cấu lại thị truờng, bao gồm thị trường trong nước, thị trường nước ngoài và mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Kết nối giữa hai thị trường này làm sao để thị trường trong nước có thể làm tốt vai trò “van an toàn” cho thị trường xuất khẩu.

Quân Lê