Cần một bộ quy tắc ứng xử giữa Thầy và Trò

18:41 | 19/04/2012

2,079 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên đây là tổng kết được rút ra từ hội thảo “Tầm quan trọng của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò trong giảng đường đại học” diễn ra vào sáng ngày 18/4 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tại hội thảo, các vị đại biểu là những giảng viên, nhà báo có uy tín đã đưa ra những tham luận về tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò, về thực trạng quan ­­hệ thầy trò xưa và nay…; đồng thời, cùng trao đổi về những tiêu chí xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa sinh viên và giảng viên nhằm hướng đến một mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh ở giảng đường.

Quan hệ thầy trò xưa và nay­­

Bao đời nay, trong tâm thức người Việt Nam, người thầy giữ địa vị số một trong nhà trường. Người thầy được coi là người quyết định tới sự thành bại của trò: “Không thầy đố mày làm nên”; “Thầy nào-trò ấy”…Hoặc “Xem lũ trò hay, biết thầy dạy giỏi”. Chính vì vậy nên người thầy giáo có một quyền uy rất lớn trong nhà trường và luôn là tấm gương, là thần tượng của học sinh (HS). HS đều làm theo ý thầy và chỉ có thầy mới được phép đặt câu hỏi, trò có bổn phận trả lời và không bao giờ được cãi lại. Mối quan hệ uy quyền rất rõ ràng và không thể có hiện tượng “cá mè một lứa”, đối thoại trực diện với thầy.

Trong cách ứng xử, học trò xưa không chỉ rất khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận rất lớn lao. Khi ra đường, gặp thầy phải ngả mũ nón ra chào một cách lễ phép, khi thầy già yếu các học trò phải chăm sóc, lo toan mọi việc… Những việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ lẽ tự nhiên mà không vụ lợi, ép buộc. Có thể thấy quan hệ thầy – trò trong các nhà trường xưa tuy rất khuôn phép theo lễ giáo phong kiến, song thể hiện được những nét đẹp văn hoá truyền thống của một nền nho học. Mối quan hệ thầy – trò là một trong những quan hệ nhân văn cao quý và thiêng liêng nhất xưa nay là vì thế.

Mối quan hệ Thầy - Trò là một trong những quan hệ nhân văn cao quý và thiêng liêng nhất.

Tuy nhiên, mối quan hệ thầy – trò ngày nay đã có nhiều thay đổi và phức tạp hơn rất nhiều. Thầy không chỉ là người dạy dỗ như cha mẹ, mà cũng là người bạn, người đồng nghiệp. Điều này không chỉ do tác động của những quan niệm, xu hướng giáo dục mới du nhập vào Việt Nam mà cũng do tác động của nền kinh tế thị trường, những tiêu cực của xã hội tràn vào.

Những xu hướng đổi mới trong giáo dục như: “Dạy học hợp tác” (giữa thầy và trò); “Dạy học lấy HS làm trung tâm” …đó đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy, giờ đây chỉ là người dẫn dắt, hướng dẫn, gợi mở cho trò trên con đường tìm kiếm tri thức. Trò không những được tự do tranh luận, trao đổi với nhau mà còn có thể trao đổi, chất vấn với thầy. Vì vậy, mối quan hệ thầy – trò cũng trở nên dân chủ, công khai chứ không còn áp đặt, một chiều như trước. Nhìn theo chiều hướng tích cực, điều này thể hiện tính nhân văn, dân chủ trong quan hệ thầy – trò, thúc đẩy được tính năng động, tích cực của trò, hạn chế sự cửa quyền, áp đặt của thầy.

Cần một bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận rõ rằng, tác động tiêu cực từ mối quan hệ dân chủ này không phải là ít. Hiện tượng học sinh cãi lại thầy cô chan chát không phải là hiếm, thậm chí thể hiện thái độ tự do một cách thái quá. Trong khi đó, quyền lực của thầy lại bị trói buộc bởi những điều cấm kỵ: Không được quát mắng, trừng phạt học trò (dù dưới bất cứ hình thức nào). Từ đây, căn bệnh “nhờn” của học sinh trong các nhà trường đang có sức lan toả rất mạnh mà chưa biết dùng thuốc nào chữa được? Thử đánh từ khóa “học trò hỗn láo với thầy” trong 0,08 giây Google cho 119.000 kết quả; còn với từ khóa “học trò đánh thầy”, trong 0,17 giây Google cho 9.050.000 kết quả!!!

Cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử giữa thày và trò hướng đến một mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh

Theo TS. Nguyễn Thị Trường Giang- Phó Trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mối quan hệ ứng xử giữa thầy và trò trong cuộc sống cũng khác trước rất nhiều. Truyền thống tri ân tốt đẹp của người Việt đã có nhiều dấu hiệu bị biến tướng, mối quan hệ thầy trò ngày càng “lệch chuẩn”, thầy không ra thầy, trò không ra trò, những giá trị đạo đức bị suy đồi nghiêm trọng. Những hiện tượng như “đổi trác”, “phong bì”, “gạ tình”, “chạy điểm, chạy trường”, “hành xử kiểu xã hội đen”… đang phản ánh một tình trạng đáng báo động về sự thoái hóa, biến chất của mối quan hệ thầy trò ngày nay, về sự lệch chuẩn của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, về sự ô nhiễm của môi trường giáo dục.

Vậy làm thế nào để mối quan hệ thầy – trò trong các nhà trường trở nên minh bạch, tích cực, mang tính nhân văn cao đẹp? Có rất nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp đó là phải xây dựng những tiêu chí của người thầy, người trò và ban hành được bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò trong các giảng đường đại học.

Trao đổi về các tiêu chí xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa sinh viên và giảng viên trong nhà trường, các đại biểu đã đưa ra những quan điểm về phẩm chất của người thầy và trò. Theo đó, cần qui định rõ những điều được làm và không được làm, đồng thời xử phạt nghiêm khắc đối với mọi hành vi làm tổn hại đến nhân phẩm của thầy và trò. Đề cao sự mẫu mực, nghiêm khắc của người thầy đồng thời cũng chống lại mọi sự suồng sã, quá thân mật, õng ẹo và vô lễ của trò. Yêu cầu người thầy phải luôn gần gũi, cởi mở, thân thiện với học trò, nhưng nhất định phải cho người thầy có uy quyền trong việc trừng phạt học trò khi chưa giữ đúng phép tắc của đạo làm trò.

Giáo sư, Tiến sỹ Dương Xuân Ngọc – nguyên là Phó Giám đốc HV Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Đã đến lúc tất cả những mong muốn tốt đẹp cần thiết phải được thể hiện trong Luật Giáo dục, nghĩa là phải luật pháp hoá, chí ít phải được qui chế hoá để nó có cơ sở hiện thực hoá và bảo đảm không bị biến dạng. Những qui định về mối quan hệ thầy- trò trong sáng, lành mạnh, cao đẹp và công bằng cần được phổ biến cho toàn thể xã hội cũng nhận thức và thực hành ứng xử, trước hết để thầy và trò cùng nhau thể hiện tạo nên nét đẹp văn hoá thầy trò, văn hoá học đường và dần trở thành truyền thống, đạo lý của người Việt Nam hiện đại, hành trang của con người Việt Nam trong hội nhập quốc tế.”

Thanh Loan