Cần đình bản ấn phẩm báo chí vi phạm luật

07:00 | 22/06/2013

1,868 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến quý I năm nay, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm. Như vậy, ngoài 812 ấn phẩm mang tên báo… có tới 262 ấn phẩm phụ (có báo gọi là chuyên đề, có báo gọi là ấn phẩm phụ, có báo gọi là chuyên san…). Những ấn phẩm mà người viết kể tên ở trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Công bằng mà nói, sự “bùng nổ” của báo chí trong những năm gần đây là phù hợp quy luật phát triển kinh tế xã hội của đất nước, khi mà trình độ dân trí được nâng cao, nhu cầu tiếp nhận thông tin không ngừng tăng lên. Nhiều ấn phẩm báo chí mới đã góp phần cùng với báo tuyên truyền, cổ động đường lối của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ tới đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu, cái ác, lên án các thế lực thù địch chống phá nước ta, phản ánh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, khoa học công nghệ… góp phần nâng cao dân trí, giải trí lành mạnh.

 

Tuy vậy, có lẽ do quan niệm là ấn phẩm của báo nên một số tổng biên tập đã để các ấn phẩm này chạy theo mục đích thương mại, đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận thị dân có tiền, muốn giải trí bằng những chuyện tò mò, chuyện mặt trái xã hội, chuyện “lùm xùm” trong giới văn nghệ sĩ, thể thao. Nội dung chính của một số ấn phẩm báo chí này là: Thứ nhất, thông tin những vụ án cướp của, giết người, hiếp dâm với độ dài từ một đến hai trang báo. Có chuyện còn được in tới 4-5 kỳ báo, với các tít dài, giật gân và nhiều tình tiết phản cảm được kể lại tỉ mỉ kèm ảnh minh họa mờ ảo với súng quân dụng, còng số 8, gây cảm giác kinh hoàng đối với người đọc.

Không chỉ viết về các vụ án mới xảy ra, một số ấn phẩm báo chí còn “dựng dậy” những vụ án cách đây vài năm, vài chục năm, các vụ án xảy ra ở miền Nam dưới thời chính phủ Việt Nam cộng hòa, thậm chí cả những vụ án từ thời phong kiến xa xưa, các vụ án nước ngoài. Cùng với các vụ án là “xác” các tướng cướp giết người không ghê tay, ăn chơi trác táng đã bị xử bắn và chôn từ lâu cũng được một vài ấn phẩm báo chí “đào lên” chuyển tới bạn đọc. Thứ hai, thông tin về đền chùa, miếu mạo, lăng mộ, cây cối, giếng nước, sông suối, hòn đá, sinh vật với những chi tiết lạ, ma quái, bí ẩn… ít nhiều mang yếu tố mê tín, dị đoan để người đọc muốn hiểu thế nào thì hiểu, hoặc đưa ra kết luận đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Thứ ba là, viết về những chuyện thị phi của giới showbiz.

Bên cạnh những bài báo viết về cướp, giết, hiếp… các ấn phẩm báo chí của một số báo cũng có những bài viết về người tốt, chuyện tình yêu cảm động của người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng số lượng rất ít, có lẽ chỉ nhằm mục đích đối phó với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Đáng chú ý là cùng với ấn phẩm phụ một số tờ báo của các cơ quan pháp luật cũng thường xuyên đăng nhiều chuyện vụ án mà “quên” trách nhiệm của báo là phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cổ vũ người dân sống, làm việc, học tập theo pháp luật, nhân lên cái thiện, đẩy lùi cái ác.

Bức tranh toàn cảnh xã hội nước ta hiện nay chắc chắn là có rất nhiều điểm sáng trên mọi lĩnh vực, có rất nhiều cán bộ, nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang hăng say lao động, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù là ấn phẩm của báo chí cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999, về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, nêu rõ trong điểm 1 “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân”, Điều 10 của Luật quy định những điều không được thông tin trên báo chí, mục 2 nêu rõ: “Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác”. Với những nội dung thông tin câu khách trên đã ít nhiều vi phạm Luật Báo chí hiện hành.

Các ấn phẩm này thông tin không khách quan tình hình trong nước, vô hình trung “cổ xúy” cho cái xấu, cái ác, gieo rắc tâm lý mê tín dị đoan, không góp phần ổn định chính trị tư tưởng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trước thực trạng này, một số cán bộ, nhân dân, trong đó có nhiều cán bộ báo chí từ Trung ương đến địa phương đặt câu hỏi: Phải chăng tổng biên tập các báo có ấn phẩm trên đã quên Luật Báo chí và đạo đức người làm báo... xuất bản ấn phẩm báo chí, thậm chí cả tờ báo chính chỉ nhằm mục đích bán được nhiều báo, tăng thu nhập cho tòa soạn mà trước hết cho chính ông (bà) ta. Mặt khác, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí có biết chuyện này hay không, hay biết mà không xử lý vì nể nang, hay vì trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, hoặc phẩm chất đạo đức “có vấn đề”?!

Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2013 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong quý I đã thẳng thắn thừa nhận khuynh hướng “thương mại hóa báo chí” - thực chất là xa rời tôn chỉ mục đích, hạ thấp vai trò chính trị xã hội của báo chí, nội dung nhiều ấn phẩm phụ chưa thiết thực…, đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ thứ 5 là có kế hoạch và tập trung khắc phục các khuyết điểm, hạn chế trong hoạt động báo chí, trong chỉ đạo quản lý báo chí.

Thiết nghĩ, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí Trung ương, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung những cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực nghiệp vụ khá thực hiện nhiệm vụ này. Nếu sau khi kiểm tra, phê bình, nhắc nhở mà cơ quan báo chí vẫn tiếp tục sai phạm thì Bộ Thông tin và Truyền thông nên đình bản một số ấn phẩm để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước như nhiệm vụ thứ 9 mà hội nghị đã đề ra. Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát kỹ trước khi cấp phép cho ra báo chí, cấp phép cho báo ra ấn phẩm phụ, tránh tình trạng cho một tờ báo ra tới 4-5 ấn phẩm, dẫn đến nội dung mờ nhạt, trùng lặp, ít tác dụng góp phần xây dựng đất nước, xây dựng con người mới trong hiện tại và tương lai.

Đào Tuấn Duy
 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc