Cần có cơ sở pháp lý mở đường cho ngành xử lý pin mặt trời hết hạn

06:30 | 13/09/2020

420 lượt xem
|
(PetroTimes) - Chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính cho biết, các tấm pin năng lượng mặt trời hoàn toàn có thể tái chế sau khi hết hạn nhưng cơ quan chức năng cần có cơ sở pháp lý rõ ràng mở đường cho nền công nghiệp tái chế loại pin này.
Giải thể một công ty về điện mặt trờiGiải thể một công ty về điện mặt trời
Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhàKhơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà
Lắp điện mặt trời mái nhà nhưng không được hòa lướiLắp điện mặt trời mái nhà nhưng không được hòa lưới

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, điện năng sản xuất từ điện mặt trời đến các năm 2030 và 2050 sẽ lần lượt là 35,4 tỷ kWh và 210 tỷ kWh. Với cường độ năng lượng mặt trời ở Việt Nam, để có được các sản lượng điện mặt trời nói trên thì công suất lắp đặt điện mặt trời đến các năm 2030 và 2050 lần lượt vào khoảng 29.000 MWp và 170.000 MWp.

Bên cạnh đó, kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020 khuyến khích phát triển điện mặt trời, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình năng lượng này.

Số liệu vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 25.706 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 758,2 MWp. Lũy kế đến nay, đã có gần 50.000 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất gần 1.200 MWp.

Trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày bắt đầu phát điện. Như vậy theo dự báo, lượng pin mặt trời phế thải đến năm 2030 và đến năm 2050 lần lượt là khoảng 2 triệu tấn và 12 triệu tấn. Nếu không được quản lý, thu gom, tái chế, chắc chắn với số lượng lớn như vậy của phế thải pin mặt trời sẽ gây ô nhiễm môi trường hết sức trầm trọng và lãng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên.

dai-su-anh-tham-quan-du-an-nang-luong-mat-troi-lon-tai-long-an
Hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Trao đổi với PV, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính cho biết, trên thế giới đã có công nghệ xử lý pin mặt trời, nhà máy xử lý tấm pin mặt trời đầu tiên ở châu Âu là nhà máy của Tập đoàn xử lý chất thải Veolia đặt ở miền Nam nước Pháp năm 2018. Năm 2018 nhà máy này xử lý khoảng 1.300 tấn và dự kiến xử lý 4.000 tấn cho đến năm 2022.

"Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá xử lý 1 tấn tấm pin khoảng 200 euro. Tại Việt Nam cho đến nay chưa có nhà máy nào xử lý tấm pin mặt trời. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có chính sách về xử lý pin mặt trời và số lượng tấm pin hết hạn sử dụng chưa nhiều”, ông Sính cho biết.

Theo vị chuyên gia này, điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và khoảng 20 - 25 năm nữa số lượng pin hết hạn sử dụng khá lớn. Tuy nhiên, chưa có chủ đầu tư điện mặt trời nào phải đóng phí để xử lý tấm pin khi hết hạn sử dụng.

“Để khỏi bị động trong việc xử lý pin mặt trời, các cơ quan chức năng cần đưa ra một chính sách rõ ràng nhằm có cơ sở pháp lý và chi phí cho vấn đề xử lý tấm pin khi hết hạn sử dụng”, ông Sính nói.

Nói về việc xử lý các tấm pin hết hạn, chuyên gia Trần Đình Sính khẳng định, các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng hoàn toàn có thể tái chế được và thực tế ở một số nước đang được tái chế.

can-co-co-so-phap-ly-mo-duong-cho-nganh-xu-ly-pin-mat-troi-het-han
Chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính.

Cũng theo ông Sính, pin mặt trời có 3 loại: mono, poly và loại màng mỏng. Hai loại mono và poly không chứa chất độc. Chỉ trong phần tế bào quang điện của loại màng mỏng chứa một số chất như indium, gallium, selen nium với tỷ lệ 0,2%. Hiện nay các tấm pin mặt trời lắp đặt ở Việt Nam là hai loại mono và poly, không có loại màng mỏng. Trên thế giới cũng chủ yếu sản xuất hai loại mono và poly vì loại màng mỏng gây ô nhiễm trong khi sản xuất và khó xử lý sau khi hết hạn sử dụng nên người dùng ít sử dụng. Tỷ lệ tấm pin màng mỏng trên thế giới khoảng 4%.

Đối với hai loại pin mono và poly, tỷ lệ vật liệu như sau: đồng 1% (dây nối), silicon 5% (tế bào quang điện), nhôm 8% (khung), nhựa 10% (bao bọc), thủy tinh 76% (kính cường lực bảo vệ bề mặt)

Đối với pin màng mỏng tỷ lệ vật liệu gồm: thủy tinh khoảng 89%, nhôm 7%, nhựa khoảng 4%, indium, gallium, selenium, kẽm và các kim loại khác khoảng 0,2%.

“Tấm pin mặt trời sau khi sử dụng có gây ô nhiễm môi trường hay không tùy vào loại tế bào quang điện và hoàn toàn có thể tái chế được chứ không đến nỗi trở thành nguồn rác thải nguy hại vô cùng lớn như đồn thổi”, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính nói.

Xuân Hinh

  • vietinbank