Lắp điện mặt trời mái nhà nhưng không được hòa lưới

14:00 | 01/09/2020

10,890 lượt xem
|
(PetroTimes) - Trong khi Chính phủ khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) thì nhiều hộ dân, công ty đang gặp khó khăn, thậm chí lắp đặt xong hệ thống ĐMTMN cũng không hòa lưới được do mua điện của HTX dịch vụ điện năng hoặc đơn vị Điện lực (không thuộc hệ thống của EVN).
Chuyên gia Ngân hàng Nhà nước đánh giá về tiềm năng đầu tư ĐMTMNChuyên gia Ngân hàng Nhà nước đánh giá về tiềm năng đầu tư ĐMTMN
Giải pháp để người thu nhập thấp sử dụng điện mặt trời mái nhàGiải pháp để người thu nhập thấp sử dụng điện mặt trời mái nhà

Với tiềm năng cực lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản với nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân, các đơn vị, tổ chức lắp đặt và sử dụng ĐMTMN. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển ĐMTMN vẫn còn nhiều rào cản, làm chậm sự phát triển của loại hình năng lượng này.

Điển hình là các hộ dân, công ty đang mua điện của một số đơn vị điện lực (không thuộc EVN) không thể bán lại điện với mức giá ưu đã dù đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN.

Trao đổi với PetroTimes, ông Khúc Xuân Trường - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Điện mặt trời Miền Bắc cho biết, Chính phủ có chủ trương phát triển ĐMTMN nhưng các đơn vị, hộ gia đình mua điện của HTX hoặc các đơn vị điện lực (không thuộc EVN) thì có lắp đặt cũng khó hòa lưới.

lap-dien-mat-troi-mai-nha-nhung-khong-duoc-hoa-luoi
Một dự án điện mặt trời mái nhà do Công ty Cổ phần Thiết bị Điện mặt trời Miền Bắc thực hiện tại Kon Tum.

“Các đơn vị đó mua điện của EVN sau đó bán lại cho người dân hoặc các công ty trong các khu công nghiệp để hưởng chênh lệch. Nếu như để người dân và các công ty lắp điện mặt trời và bán ngược lại thì các đơn vị điện lực (không thuộc EVN) phải mua lại điện với giá 1.940 đồng sau đó bán lại cho chính người dân và người người có nhu cầu với giá 1.600 đồng đến 1.800 đồng” - ông Trường nói.

Đại diện Công ty Cổ phần Thiết bị Điện mặt trời Miền Bắc cũng cho biết, trong quá trình thực hiện lắp đặt các dự án ĐMTMN, ông đã gặp rất nhiều gia đình ở nhiều tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nội… đã lắp điện mặt trời nhưng đến khi làm thủ tục hòa lưới thì mới vỡ lẽ là đơn vị Điện lực không mua và phải tháo dỡ hệ thống ĐMTMN.

“Vụ việc lớn nhất mà tôi ghi nhận là một nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh phải tháo dỡ hệ thống ĐMTMN công suất 450kW do không hòa lưới được. Ngoài ra có một vụ ở huyện Đan Phượng (Hà Nội), sau khi lắp đặt xong, chủ đầu tư và đơn vị lắp đặt không có cách nào để hòa lưới nên đã kiến nghị lên Sở Công thương Hà Nội. Sở Công thương Hà Nội sau đó có văn bản yêu cầu HTX Nông nghiệp Tân Lập phải mua lại điện của hộ gia đình này trên cơ sở thương lượng lại mức giá” – ông Trường thông tin.

Ngoài ra, công ty của ông Trường cũng được mời thi công dự án ĐMTMN với công suất 5MW tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Trong quá trình đàm phán, công ty cũng phải thương lượng với đơn vị bán điện cho khu công nghiệp thì được cho phép lắp ĐTMN trên mái của 3 nhà máy với công suất 100kW/mái và bán lại với mức giá không được như mong muốn. Trong khi tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Thủ tướng ưu đãi mức giá mua lại ĐMTMN là 1,940 đồng tương đương với 8,38cent.

Lý giải về việc đơn vị Điện lực không mặn mà với ĐMTMN, ông Trường nói: “Đáng lẽ mỗi tháng đơn vị Điện lực bán được 1 tỉ đồng tiền điện cho nhà máy thì số tiền lãi họ nhận về khoảng vài chục triệu đồng. Khi các nhà máy lắp đặt ĐMTMN thì đương nhiên tiền điện sẽ giảm, lãi cũng giảm. Hơn nữa, đơn vị Điện lực đã lắp đặt hệ thống điện đến tận nhà máy nhưng lại không bán được điện thì đương nhiên họ sẽ lỗ”.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV PetroTimes, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, Cục đã ghi nhận vấn đề này và đã báo cáo Bộ Công thương để có tìm phương án tháo gỡ.

Xuân Hinh

  • vietinbank