Cần có chính sách để thu hút người lao động đến vùng kinh tế trọng điểm

11:07 | 05/03/2022

399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn và doanh nghiệp đề xuất cần có chính sách để thu hút người lao động đến vùng kinh tế trọng điểm như nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng đồng cho công nhân...
Cần có chính sách để thu hút người lao động đến vùng kinh tế trọng điểm
Khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (ảnh minh họa: CĐVN)

Mất cân bằng lao động

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với một số Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành nhằm nắm bắt tình hình lao động và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành.

Ông Vũ Hồng Quang - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, theo báo cáo nhanh của 29/38 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao, như: Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Tây Ninh (98,7%), Phú Thọ (98,5%), Thừa Thiên - Huế (98,4%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%), Hưng Yên (97,3%), Hải Phòng (96%); Long An (95%), Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (95%)… Một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).

Tuy nhiên báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cũng cho thấy, hiện tại, ở nhiều địa phương số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Lý do chính là sau Tết Nguyên đán, một bộ phận người lao động trở về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Nam để làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở địa phương.

Bên cạnh đó, một phần không nhỏ trong số chưa quay trở lại thị trường lao động do e ngại lây nhiễm dịch bệnh, nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi; một bộ phận người lao động do chưa tiêm đủ vắc xin nên còn ngại quay trở lại làm việc. Đặc biệt, do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động.

Trong khi đó, dự kiến năm 2022 với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể: Bình Dương (khoảng 90.000 lao động), Long An (khoảng 51.000), Hải Phòng (trên 50.000), Tây Ninh (khoảng 46.000), Kiên Giang (khoảng 44.000), Cà Mau (khoảng 35.000 lao động)…

Giải pháp thu hút người lao động

Theo đại diện công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp một số địa phương, hạn chế, bất cập trong chính sách hiện nay đó là một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không cao hơn các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp nên không giữ chân được người lao động, không thu hút được người lao động vào làm việc.

Để phục hồi và phát triển kinh tế và khôi phục thị trường lao động, Liên đoàn Lao động TP HCM đề nghị ngoài những chính sách đã ban hành đang được thúc đẩy triển khai thực hiện, nhà nước cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút nguồn lực tập trung bao phủ tiêm vắc xin cho toàn dân và các giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khôi phục phát triển.

Đại diện một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành góp ý các cơ sở đào tạo nghề cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có đề xuất với Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng, để doanh nghiệp căn cứ vào đó tăng lương cho người lao động, giúp người lao động an tâm ở lại làm việc.

Ngoài xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng và khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, phúc lợi, để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần có biện pháp kiểm soát sự tăng giá xăng dầu, gas, điện, bất động sản... để không kéo theo sự tăng giá các dịch vụ khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân.

Bên cạnh đó, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có các chính sách lâu dài, căn cơ, xem xét ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng đồng cho công nhân; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19.

Lý do Công đoàn Việt Nam dừng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19Lý do Công đoàn Việt Nam dừng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
TP HCM tổ chức sàn giao dịch việc làm tiếp sức người lao độngTP HCM tổ chức sàn giao dịch việc làm tiếp sức người lao động
Hơn 19.000 cơ hội việc làm cho người lao độngHơn 19.000 cơ hội việc làm cho người lao động
Thích ứng với nhu cầu sử dụng lao độngThích ứng với nhu cầu sử dụng lao động

T.V