Thích ứng với nhu cầu sử dụng lao động

11:00 | 23/02/2022

251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện tại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cần sử dụng lao động vững tay nghề phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Đáp ứng đòi hỏi này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp phối hợp đào tạo nghề theo hướng linh hoạt, thích ứng với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Thích ứng với nhu cầu sử dụng lao động
Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội.

Thiếu lao động có kỹ năng nghề

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta mới đạt 26,1%. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng, nhưng vẫn ở mức 97/140 quốc gia tham gia đánh giá, còn khoảng cách xa so với các nước phát triển. Đáng quan tâm hơn, dự báo năm 2022, các doanh nghiệp cần tuyển dụng khoảng 700.000 lao động, chủ yếu là lao động có kỹ năng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục, phát triển, nhưng nguồn cung hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tương tự, theo báo cáo xu hướng tuyển dụng năm 2022 do Navigos Group (Tập đoàn Cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search) công bố, các doanh nghiệp cần tuyển nhiều nhân sự có kỹ năng cho nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, muốn tuyển dụng được nhân sự giỏi, các doanh nghiệp phải cạnh tranh, vì nguồn cung đang khan hiếm. Dưới góc độ sử dụng lao động, ông Yoshida Tsuneo, Tổng giám đốc Công ty Fujikin Việt Nam thông tin: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục nên chúng tôi có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác. Hiện các đơn hàng đã được chốt đến cuối năm 2022. Để hàng hóa sản xuất đạt chất lượng, chúng tôi cần tuyển dụng hàng trăm lao động có kỹ năng nghề, nhưng số lượng tuyển được không đáng kể. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung lao động từ các trường nghề”.

Về phía người lao động, anh Nguyễn Tiến Thành, tổ dân phố số 23, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tôi nộp hồ sơ ứng tuyển tại một số đơn vị. Song, những công việc hấp dẫn đều đòi hỏi ứng viên có kỹ năng nghề. Để có công việc tốt, tôi quyết định nộp hồ sơ học nghề điện tử trước khi đi làm, thay vì làm những công việc phổ thông, thiếu tính ổn định”.

Thích ứng với nhu cầu sử dụng lao động
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội trang bị kỹ năng cho sinh viên trước khi đến thực tập, làm việc tại doanh nghiệp.

Nỗ lực cung ứng lao động qua đào tạo

Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu thiếu lao động có kỹ năng trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng phối hợp triển khai nhiều giải pháp. Trước mắt, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khuyến khích các nhà trường đưa sinh viên năm cuối đến thực tập tại doanh nghiệp. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường, thời gian qua, nhà trường đã đưa gần 1.000 sinh viên đi thực tập tại nhiều doanh nghiệp, chiếm gần 30% học sinh, sinh viên, học viên đang theo học tại trường. Phấn khởi được đi làm sớm, sinh viên Nguyễn Hải Tiến (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Việc đi làm sớm giúp chúng em thêm vững vàng tay nghề, tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc trước khi tốt nghiệp...”.

Chuẩn bị tốt cho việc đưa người học đi thực hành tại doanh nghiệp, các nhà trường chủ động đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch thương mại Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà thông tin, nhà trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo, bảo đảm phương án linh hoạt, sẵn sàng đưa học sinh, sinh viên đi trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp. Tương tự, Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Trần Xuân Ngọc cho hay, trong 2 năm đầu, nhà trường chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học. Năm cuối, nhà trường đưa sinh viên đi thực tập nâng cao và rèn luyện kỹ năng tại doanh nghiệp. Bằng cách này, sau khoảng một tháng thử nghiệm, nhiều sinh viên được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động trực tiếp 3 bên (nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên) với trách nhiệm, quyền lợi đạt khoảng 70-80% so với lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Đối với nhóm lao động nông thôn, lao động chưa qua đào tạo nghề rất cần được các cấp định hướng, tuyên truyền đào tạo về những nghề xã hội đang cần. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2022 của thành phố Hà Nội, các đơn vị liên quan ưu tiên tập trung đào tạo cho nhóm lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhóm lao động chưa qua đào tạo. Đối tượng được ưu tiên tuyển sinh là công nghệ thông tin, điện, điện tử, thiết kế đồ họa, tự động hóa... Phấn đấu đến cuối năm 2022, Hà Nội tuyển sinh, đào tạo nghề cho ít nhất 224.500 người.

Với tinh thần chủ động khắc phục tình trạng thiếu lao động qua đào tạo của các bên liên quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tin tưởng, giải pháp cung ứng lao động kỹ năng là sinh viên năm cuối của các trường nghề sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh mới khoảng 2,2 triệu người, góp phần nâng tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ lên 27-27,5% vào cuối năm.

Theo Báo Hànộimới

Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm bị phạt đến 25 triệu đồngSử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm bị phạt đến 25 triệu đồng
Đẩy nhanh chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất hết ngày 31/12Đẩy nhanh chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất hết ngày 31/12
Hơn 2,36 triệu lao động hưởng các chính sách hỗ trợHơn 2,36 triệu lao động hưởng các chính sách hỗ trợ