Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014)

Cải tiến tác phong công tác của chúng ta

07:00 | 25/12/2013

1,587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014). Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm, kiên quyết của lực lượng vũ trang. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là một tấm gương sáng về tác phong kết hợp lý luận với thực tiễn, tác phong quần chúng tốt đẹp và là một người có tính nguyên tắc cao, chân thành, cởi mở, luôn coi trọng đoàn kết nội bộ và đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Năng lượng Mới số 285

Nhiều bài viết, bài nói chuyện, chỉ đạo công tác của Đại tướng cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng, Báo Năng lượng Mới xin trích đăng bài “Cải tiến tác phong công tác của chúng ta” của Đại tướng đăng trên Báo Quân đội Nhân dân, số 739, ngày 25/5/1960.

I. Chống tác phong ba hoa sáo rỗng, xây dựng tác phong làm việc thực tế

Nói về tác phong thì đây là phê bình và tự phê bình cả trên và cả dưới nữa.Tác phong đó như thế nào? Bây giờ cán bộ trưởng thành hơn trước, học lý luận cũng khá, xem sách vở cũng nhiều, nhưng hiện nay thấy xuất hiện một tác phong ba hoa, nói suông, trống rỗng nhiều hơn trước. Chúng ta nêu lên, phê phán nó, để xây dựng tác phong làm việc thực tế, thiết thực, tác phong liên hệ lý luận với thực tế.

Hiện nay có một số người nghĩ là "nghệ thuật vị nghệ thuật" tức là "nói để mà nói", "viết để mà viết", "họp để mà họp", chứ trong cái nói, cái viết, cái họp không nghĩ rằng cũng có phương pháp tư tưởng, nghĩa là nói, viết, họp để giải quyết vấn đề thực tế gì trong cuộc sống, cho nên có nhiều cái rỗng quá.

Trong cán bộ chúng ta, quả thực có anh đáng gọi là "kiện tướng" nói dài, ba hoa thiên địa. Vì khi nói, khi viết, họ không nghĩ rằng viết và nói cho ai, viết và nói để làm gì. Họ không có một sự điều tra nghiên cứu tối thiểu, họ không sát tâm lý quần chúng. Lúa má ngô khoai, lăn lê bò toài… như thế nào thì không biết, nhưng lại đưa ra những chuyện bên Babylon, Ai Cập… rồi thì ở Aten…, toàn chuyện hão huyền đâu đâu để tán gẫu. Rất chướng tai, rất lạ kỳ. Tất nhiên là không phải tuyệt đối cấm những chuyện đó đâu; nhưng nói bất kỳ vấn đề gì chúng ta cũng phải nhằm mục đích thiết thực. Chủ nghĩa Mác - Lênin là chân lý tung ra bốn biển đều đúng cả, nhưng nó phải liên hệ với thực tế thì mới có sức mạnh. Nói gì thì nói, chủ nghĩa Mác - Lênin cốt để làm ra ngô, ra khoai, ra thịt, ra trứng gà… cho quần chúng; nó phải giúp đỡ được quần chúng giải quyết những vấn đề hiện thực trong cuộc đấu tranh để xây dựng một đời sống mới, như thế mới là chủ nghĩa Mác - Lênin sống. Những người ba hoa và giáo điều hình như quên mất những điều a, b, b đó của chủ nghĩa Mác, nên họ thích nói viển vông chứ không ưa nói thiết thực.

Từ trái qua phải, cuộc trò chuyện giữa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Leophyger
- Ủy viên T.Ư Đảng Cộng sản Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Văn Tiến Dũng (ảnh tư liệu)

Chúng ta không có một thứ thuế đánh vào cái bệnh nói dài và nói rỗng, nên có nhiều người nói dài vô tội vạ. Hình như họ nghiện nói dài, không nói dài thì không chịu được. Đáng nói 5, 10 phút, họ cũng chơi cho hàng tiếng đồng hồ. Bao giờ họ cũng muốn viết hoặc nói đủ lệ bộ, đề cập tới bất cứ vấn đề gì họ cũng phải kể lể ra: nào hồi tiền khởi nghĩa thế nào, trong kháng chiến thế nào, từ ngày hòa bình lập lại thế nào, rồi họ mới lân la nói tới vấn đề nóng hổi đang đặt ra trước mắt bằng mấy câu chung chung khô như rơm, chẳng có mùi vị gì của cuộc sống cả. Nếu chỉ nhìn về hình thức thì thấy họ ăn nói cũng chững chạc lắm, có hệ thống hẳn hoi, ai dám bảo họ là không am hiểu vấn đề nào? Không am hiểu vấn đề mà lại kể lại lai lịch tam tứ đại vấn đề ra vanh vách như thế à? Nhưng, khốn nỗi, đem đối chiếu với nhu cầu của cuộc sống thì những điều đó lại chẳng ăn nhập vào đâu! Bây giờ chúng ta có nhiều bài nói và bài viết như thế đấy, sai thì không sai, nhưng cắt đi hàng đoạn cũng chẳng chết ai, còn đỡ khổ cho người ta phải nghe, phải đọc nữa. Có thể nói đó là một thứ "bệnh ruột thừa" ở trong chúng ta. Ví dụ như năm ngoái, Đảng ủy trung đoàn X viết báo cáo của mình để đọc ở Đại hội Đảng trung đoàn dày đến 70 trang; năm nay tiến bộ, rút xuống còn 15 trang. Bây giờ tôi hỏi đồng chí chính ủy Ngữ: "Làm sao lại bớt, uổng thế?". Đồng chí bảo: "Bây giờ xét thấy 15 trang cũng đủ thôi". Như thế chúng ta còn tiếc gì không cắt đi những khúc "ruột thừa" làm khổ con người ta?

Lại nói về họp. Có nhiều cuộc họp thật chẳng cần thiết cũng bắt người ta họp. Bởi vì có nhiều người thích nói dài nên cuộc họp cũng thường là kéo dài. Như chuyện kỷ niệm cái gì đó thì đã có tài liệu báo chí xuất bản rồi, anh cũng bắt người ta lên nghe diễn thuyết lại những bài đã đọc, anh chẳng có ý kiến gì mới, cũng nói như trong tài liệu, như thế để người ta ở nhà xem cũng được, chứ bắt lên đây làm gì? Như phong quân hàm, người ta đã được học tập chế độ, chính sách rồi, lãnh đạo tư tưởng thường xuyên thì đã có sinh hoạt chi bộ rồi, anh cũng bắt người ta ngồi một buổi để xác định thái độ, bắt con người ta ngồi như là "tù", như thế có ích gì? Ngay cả đến việc ăn tiệc mà cũng bắt người ta đi trước nửa giờ để "hội ý". Khổ thế, ăn tiệc gì mà bắt người ta phải hội ý! Các đồng chí! Cố nhiên, các đồng chí cũng hiểu rằng không phải tôi phủ nhận cần phải có những cuộc họp ra họp, cũng không phải là chủ trương bất cứ nói và viết vấn đề gì cũng phải ngắn mới tốt. Nhưng hiện nay chúng ta còn có nhiều cuộc họp không có vấn đề đáng phải họp, hội nghị lại thường không có chuẩn bị chu đáo, nhiều ông lại thích phát biểu "đại cà sa", như thế thì hỏi còn thì giờ đâu mà công tác và học tập?

Cách báo cáo và thảo chỉ thị của chúng ta cũng còn có nhiều vấn đề. Có thể đếm ở trong đó khối ý, khối lời đáng bỏ đi, sáo rỗng. Cái gì mà hơi một tí cũng phải rặt là "trên cơ sở" với lại "tăng cường…", "quán triệt thêm một bước…" rất chung chung, hình như thiếu những cái đó thì không thể thành chỉ thị và báo cáo được, y như là tụng kinh vậy. Báo cáo thì dày cộp, nhưng nội dung rỗng tuếch. Chỉ thị thì dây cà dây muống, đọc xong người ta không còn nắm được ý anh định nói gì. Hoặc toàn là những ý muôn thuở, người ta đã biết từ lâu, chẳng có gì là thiết thực, mới mẻ cả. Lại còn cái lối nói quanh. Anh xin ý kiến thì xin ý kiến như thế nào, anh đồng ý hay không đồng ý, phản đối hay tán thành thì không nói toạc ra, lại cứ nói lằng nhằng. Mình không đồng ý mà lại nói quanh, nói rằng "ý kiến này có nhiều điểm tốt, ý hay… động cơ nói chung là đúng… nhưng mà…" thế là thế nào? Có phải là chúng ta rỗi rãi để phí thì giờ ngồi tán róc và ngồi bày tỏ tình cảm với nhau chăng? Hay là, như có đồng chí đến xin ý kiến Tổng cục về vấn đề gì đó, thì cũng giáo đầu giáo đuôi những "ý nghĩa" gì gì đó…, năm nay "vĩ đại" thế này thế khác… những điều đó thì người ta biết quá đi rồi! Anh xin ý kiến gì, nội dung ra sao thì lại không chịu suy nghĩ để nêu ra giải quyết. Chúng ta thật còn mất khá nhiều thì giờ vô ích về các lối làm ăn như thế!

Tại sao trong chúng ta lại còn cái bệnh sáo rỗng đó? Đó là vì trong chúng ta còn cái lối suy nghĩ tiểu tư sản, cái bệnh hình thức, cái bệnh chủ quan tách rời cuộc sống. Con người mác-xít - lê-nin-nít là con người rất lý luận, rất nguyên tắc, nhưng lý luận và nguyên tắc của họ phải nhập vào cuộc sống, phải là máu và thịt của cuộc sống; nó phải phản ánh đúng đắn những vấn đề đặt ra trong cuộc sống và có tác dụng cải tạo, tác động tích cực đến cuộc sống. Còn chủ nghĩa giáo điều cũng nói lý luận, nói nguyên tắc, nhưng nó lại hoàn toàn tách rời cuộc sống, nó biến lý luận và nguyên tắc của chủ nghĩa Mác thành một mớ giáo điều chết cứng. Ai cũng biết người mác-xít chúng ta đánh giá rất cao tác dụng của lý luận cách mạng đối với thực tiễn cách mạng. - "Thực tiễn tách rời lý luận là thực tiễn mù", - nhưng người mác-xít bao giờ cũng xem xét lý luận theo quan điểm thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, chỉ có lý luận thống nhất với thực tiễn mới là lý luận chính xác, khoa học. Người mác-xít có đầu óc thực tế nhất, vì vậy chúng ta phải đánh giá công tác chính trị cũng như mọi việc làm khác của chúng ta, - lời nói, chỉ thị, hội nghị… - xem nó có phản ánh được thực tế hay không và nó có tác dụng gì đối với thực tiễn, tức là xem nó có được thiết thực hay không? Cái lối ba hoa sáo rỗng, làm ăn hình thức chủ nghĩa và giáo điều chủ nghĩa đều là những chứng bệnh rởm, bệnh lười của những anh chàng cách mạng tiểu tư sản, không chịu được sự thử thách của thực tế, chúng ta cần phải kiên quyết phản đối. Ví dụ, khi giảng về lịch sử thế giới, người ta muốn nói về Babylon cũng được, nhưng khi anh chữa bệnh không ỉa được cho người ta thì anh phải làm sao cho người ta ỉa được, chứ đi nói Babylon vào đấy làm gì!

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ là bà Nguyễn Thị Cúc

Mắc bệnh nói dài nói sáo rỗng lại còn vì nhiều đồng chí chúng ta thiếu hẳn một quan điểm quần chúng tối thiểu. Nếu anh tôn trọng quần chúng thì anh quý từng phút đồng hồ làm ăn hoặc nghỉ ngơi của họ, không bao giờ anh nói những cái thừa vô ích, anh không bắt người ta phải thức đêm để anh lải nhải mãi như kéo cưa. Vì anh thiếu quan điểm quần chúng, nên khi anh nói thì bên trên đã thừa khối rồi, bên dưới lại cứ "một lần nữa", "một lần nữa" mãi, quần chúng người ta đợi mãi cũng chẳng được vỗ tay kết thúc cho xong đi. Tưởng "một lần nữa" thì thôi, đêm khuya người ta đã chuẩn bị vỗ tay, thì anh lại "một lần nữa". Nghe "một lần nữa", người ta đã mừng quá rồi, nào ngờ anh cứ "một lần nữa" mãi, lần sau "tóm lại" lại dài hơn lần trước mà không có gì mới, hỏi vào địa vị người ta, anh có phát sốt lên không? Như thế anh còn coi quần chúng ra cái gì? Cái lối nói chẳng đếm xỉa gì đến tâm trạng và nhu cầu của quần chúng, cứ nói bạt tê theo ý thích của mình, tuôn ra toàn những điều công thức chung chung có khi chẳng có gì sai đâu nhưng mà cũng chẳng có gì đúng; cái lối này, tiếc thay, hiện nay vẫn còn khá phổ biến...

II. Chống quan liêu bàn giấy, xây dựng tác phong thâm nhập thực tế

Có nhiều anh em cho rằng, trong công việc mình có những cái làm có kết quả, nhưng có những việc thì thấy mình thiếu sáng tạo, đầu óc hình như han gỉ, chẳng có ý kiến gì mới, nhiều khi cũng là phải chiếu lệ mà nêu ra ý kiến cho dưới thôi! Vì sao thế? Tôi cho rằng đây là vì quan liêu, không sát thực tế.

Cái bệnh quan liêu trong số đông cán bộ chúng ta bây giờ không phải là biểu hiện ở kiểu quan cách bệ vệ này khác, nhưng quan liêu theo lối đáng thương hại quá, quan liêu nhưng siêng năng, cần cù, "quan liêu vất vả". Những anh quan liêu đó làm cả ngày cả đêm, tận tụy thành một thói quan liêu mà chúng mình dễ tha thứ cho nhau và người ngoài dễ tha thứ cho mình, nó quan liêu một cách đáng thương; vì vất vả quá, đêm cũng làm, ngày cũng làm, học không học được, thành ra cái mặt đáng thương có khi nổi lên, còn mặt đáng phản đối thì nó chìm xuống.

Vì quan liêu vất vả, đầu óc không được thư thái, không học tập được, không tiếp xúc với quần chúng được nên đầu óc mới bị cùn đi. Chúng ta biết rằng, bất cứ một người tài giỏi nào cũng không thể nghĩ ra được đủ mọi điều, vì sáng kiến của cá nhân là có hạn, nhưng sáng kiến của quần chúng thù vô tận. Chúng ta làm công tác chính trị, không thể ngồi trong buồng mà nghĩ ra cái mới được; cái mới phải tìm ở dưới đại đội, trong quần chúng. Vì sao lần này tiến hành đại hội chi bộ được tương đối tốt, có phương pháp hay, nội dung phong phú? Vì các cấp đều đi xuống dưới nhiều, hỏi han ý kiến của chi bộ, tiếp xúc với quần chúng đảng viên.

Có những cái quan liêu không ai dám phải đối, vì ý định thì rất tốt nhưng nó lại không sát thực tế nên nó vẫn là quan liêu. Ví dụ: anh đưa xuống chi bộ kế hoạch liên hệ kiểm điểm, anh đưa cao quá tức là quan liêu. Những cái đó phản đối thế nào, vì đưa cao cũng có lý lẽ của nó, cũng xuất phát từ một động cơ tốt thôi: nào là chúng ta phải củng cố Đảng, nhận rõ vai trò Đảng là quan trọng, Đảng lãnh đạo là quyết định…, thì người ta thấy rằng phản đối rất là khó. Ai dám phản đối việc học tập kiểm điểm nghĩa vụ của đảng viên? Nhưng anh đưa yêu cầu cao quá trong học tập là quan liêu. Thế rồi, khi báo cáo lên Tổng cục, anh không dám nói trắng là "chúng tôi thấy yêu cầu cao quá, cần sửa đổi", anh lại nói là "anh bí thư chi bộ đó không tốt, không làm tích cực", "đơn vị đó không chú trọng vấn đề củng cố chi bộ". Cho nên không phải cứ có ý định tốt là được, mà còn phải có phương pháp công tác tốt thì mới có chủ trương đúng, kế hoạch hay được.

(Xem tiếp kỳ sau)