"Cái" là cái gì?

09:02 | 28/01/2013

|
Bạn đọc: Trong bài “Vũ trụ và thế giới” trên Báo Năng lượng Mới số 191, ông có viết: “Kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “giới”, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là “giái” còn âm Hán Việt chính thống hiện đại thì lại là “cái” vì thiết âm của nó trong Quảng vận là “cổ bái thiết”. “Giới/cái” có nghĩa gốc là lằn ranh giữa hai (hoặc nhiều) vùng đất, rồi có nghĩa phái sinh theo hoán dụ là vùng đất giới hạn trong lằn ranh đó; cuối cùng mới có cái nghĩa rộng là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của từ “cái” trong thành ngữ “lạ nước lạ cái” (= lạ nơi lạ chốn)…”. Tôi mạn phép nghĩ rằng, ngôn từ của câu “lạ nước lạ cái” chỉ liên quan đến thức ăn là món canh với hai thành phần chính là nước và “xác” (thịt, cá, rau, củ, quả, hành, ngò, v.v...). Xin ông cho ý kiến và nhân tiện xin ông cho biết luôn về nguồn gốc của chữ “cái” là lớn. Xin cảm ơn. Đặng Kim Phương (Gò Vấp, TP HCM)

Học giả An Chi: Với chúng tôi thì câu “lạ nước lạ cái” không có liên quan gì đến món canh. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, có lẽ bạn đã chịu ảnh hưởng của câu tục ngữ “Khôn ăn cái, dại ăn nước” của phương ngữ miền Nam chăng? Đây mới thực sự là một câu mà ngôn từ có liên quan đến món canh. Chứ câu “lạ nước lạ cái” thì đã được “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức giảng là “bỡ - ngỡ trước người lạ, cảnh lạ”. Với nghĩa này thì hiển nhiên nó chẳng có liên quan gì đến hai khái niệm “nước” và “xác” của món canh cả.

Còn chữ “cái” (= lớn) mà bạn hỏi thì lại là một từ Hán Việt chính tông, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [介] mà âm Hán Việt chính thống lẽ ra cũng là… “cái” (cổ bái thiết [古拜切] c[ổ] + [b]ái = cái) nhưng nay đã được đọc thành “giới” (mà lẽ ra phải là “giái”). “Hán ngữ đại tự điền” (Thành Đô, 1993) đã ghi cho chữ này tất cả là 30 nghĩa mà nghĩa thứ 14 là “đại”[大], nghĩa là… lớn. Thí dụ: “giới khuê”[介圭] là viên ngọc to; “giới khâu” [介丘] là núi to; “giới phúc” [介福] là phước lớn; v.v...

 Điều thú vị là chính chữ “giới” [介] này lại có liên quan về nguồn gốc với từ “cái” trong câu “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Trong 30 nghĩa mà Hán ngữ đại tự điển đã cho thì nghĩa thứ 21 của nó là “chỉ đái hữu giáp xác đích côn trùng hòa thủy tộc” [指帯有甲壳的昆虫和水族], nghĩa là “dùng để chỉ những loài côn trùng và thủy tộc có vỏ cứng”. Đây thực ra đã là một cái nghĩa được “nâng cao” bằng hoán dụ chứ cái nghĩa đen thông dụng và quen thuộc thì chỉ là “vỏ cứng”.

Với nghĩa này, nó đã “cặp kè” với chữ “xác” [壳] thành danh ngữ đẳng lập “giới xác” [介壳] để chỉ vỏ sò, vỏ ốc, v.v... Và đây cũng chính là cơ sở chắc chắn cho phép ta khẳng định rằng, “cái” > “giới” [介] và “xác” [壳] là hai từ đồng nghĩa và với phương ngữ miền Nam thì trong món canh, “cái” không phải là gì khác hơn là phần “xác” đã được đun nấu để cho ra phần “nước”. Chất tinh túy đã nằm trong phần “nước” chứ không phải trong phần “cái”, nghĩa là phần “xác” đã kiệt chất béo bở. Chính vì sự thật này nên mới có câu tục ngữ đầy tính chất châm biếm “Khôn ăn cái, dại ăn nước”, để gián tiếp khẳng định rằng, thực ra, người “ăn nước” mới là kẻ… ranh ma.

Cuối cùng, cũng xin nhân tiện nói rằng, xét theo từ nguyên, thì từ “cái” là lớn, là chính, v.v... này của tiếng Việt chính là một từ cùng gốc vời từ “cái” trong câu ca dao:

“Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

“Cái ở đây nghĩa là “mẹ” và theo chúng tôi thì “mẹ” mới chính là nghĩa gốc từ đó ta có nghĩa phái sinh là to, là lớn. Nói một cách khác, “mẹ” là nghĩa gốc vô cùng xa xưa của từ “cái” > “giới” [介], đã tuyệt tích giang hồ trong tiếng Hán tự bao giờ nhưng vẫn còn được bảo lưu trong tiếng Việt cho đến thời hiện đại. Chúng tôi mạo muội cho rằng, khi khẳng định tiếng Việt hiện đại còn lưu giữ nhiều yếu tố của tiếng Hán cổ thì phải chăng ta không thể không chú ý đến những trường hợp như từ “cái” là… “mẹ” này?

A.C