“Cái áo không làm nên thầy tu”

06:00 | 06/09/2013

4,944 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Học sinh cả nước lại bước vào năm học mới. Mấy ngày nay, nhìn các em nhỏ cắp sách tới trường với bộ đồng phục mới, nét mặt vô tư hồn nhiên thì lại cám cảnh cho bậc phụ huynh suốt gần tháng qua.

Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình nghèo lo bạc mặt các khoản đóng góp xây dựng trường, mua sắm sách vở và đồ dùng học tập cùng nhiều khoản tiền khác. Nhưng một nỗi bức xúc khiến dư luận phải quan tâm là việc quy định may đồng phục cho các em. Mỗi trường tự đưa ra một mẫu đồng phục khác nhau. Nhìn quần áo học sinh có thể phân biệt được đó là học sinh trường nào. Điều này cũng thuận tiện cho việc nhà trường, gia đình và xã hội dễ theo dõi, giám sát các cháu. Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều trường quá quan tâm tới hình thức mà đề ra những quy định không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và môi trường học tập khi yêu cầu học sinh phải may những bộ đồng phục đắt tiền hoặc màu sắc sặc sỡ, khó coi.

Trường tiểu học Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội chỉ là một trường làng, phụ huynh các cháu là nông dân nghèo mà năm học này nhà trường quy định may đồng phục với giá gần 700.000 đồng, đắt hơn 1 tạ thóc. Học sinh lớp 1 đến lớp 5 mà comple và váy áo như cô dâu, chú rể. Ai cũng biết, ở lứa tuổi 6-11, các cháu rất hiếu động. Nếu bắt các cháu ăn mặc như vậy rất gò bó, khó chịu, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi.

Đồng phục học sinh Trường THCS Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội giá gần 700.000đ

Nữ sinh Trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại mặc bộ đồng phục như lính thủy, khiến người ta ngỡ rằng đây là trường đào tạo thiếu sinh quân hải quân.

Trước ngày khai giảng, hơn 100 học sinh Trường THPH Trị An (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bức xúc khi bị mời ra khỏi lớp học vì không mặc đồng phục theo quy định của nhà trường. Nguyên nhân là nhà trường quy định mặc quần xanh đen, áo sơmi trắng; nhiều em đã may quần đen, áo trắng.

Còn biết bao chuyện vô lý và phiền hà cho học sinh của nhiều trường trong cả nước về đồng phục. Tại sao vào năm học mới, những điều cần lo cho việc nâng cao chất lượng dạy và học không được tính đến mà ngành giáo dục chỉ quan tâm đến chuyện áo quần?

Dân gian đã có câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Các nhà giáo dục làm sao không hiểu được nội dung câu châm ngôn ấy. Áo quần chỉ là hình thức. Học sinh có ăn mặc cầu kỳ, sang trọng đến đâu nhưng cái cốt lõi là chất lượng giáo dục không tương xứng, đạo đức học sinh suy thoái thì hỏi rằng, ngành giáo dục có gì để tự hào? Mà báo động về chất lượng giáo dục và sự xuống cấp của học sinh đã bị báo động hàng chục năm rồi, chưa có biện pháp gì cứu vãn nổi.

Mong ước của Bác Hồ trong bức thư gửi các cháu học sinh nhân khai giảng năm học mới năm 1946 vẫn còn vang vọng: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Vậy thì chức năng của ngành giáo dục là hết sức quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng với sự lúng túng, tụt hậu như lâu nay thì hỏi đến khi nào nước ta mới có được nền giáo dục tiên tiến sánh vai các cường quốc?

Nhân đây, cũng cần nhắc lại một sự thật về vị thế của nước ta trong khu vực: Năm 1965, chúng ta ngang hàng với Singapore; năm 1975 ngang hàng với Thái Lan và Malaysia về kinh tế - xã hội. Nhưng đến nay, chúng ta đi sau Singapore 60 năm và sau Thái Lan và Malaysia 25 năm. Trong đó có thực trạng về giáo dục. Nhìn vào sự thật ấy để chúng ta phải biết mình cần nỗ lực như thế nào mới đuổi kịp các nước trong khu vực chứ chưa dám mơ đuổi theo các cường quốc. Nhưng hiện nay, ngành giáo dục vẫn loay hoay với nhiệm vụ đổi mới và cải cách phương pháp dạy và học mà con đường phía trước vẫn mịt mù.

Nâng cao chất lượng dạy và học là công cuộc đổi mới toàn diện ngành giáo dục chứ không phải say sưa với bệnh thành tích và chủ nghĩa hình thức. Hết chuyện thi hay bỏ thi tốt nghiệp, học 9 năm hay 11 năm rồi lại đến biên soạn mấy cuốn sách giáo khoa, may mấy bộ đồng phục. Lợi ích chưa thấy đâu mà chỉ làm rối thêm cho các bậc phụ huynh và xã hội.

Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập nhưng sự học chưa đi vào thực chất mà chỉ chạy theo bằng cấp và những con số hư danh về tỷ lệ học hàm, học vị, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng giả vờ. Phải có một cuộc cách mạng thực sự về giáo dục. Mà làm cách mạng thì phải có sự hy sinh quyền lợi của một số người. Thà đau một lần để thoát khỏi căn bệnh trầm kha chứ không thể nuôi dưỡng mãi mớ bòng bong rối rắm hiện nay. Những tấm áo hình thức không tạo nên diện mạo thật của nền giáo dục.

Đức Minh