Các đại gia liêu xiêu vì giá dầu giảm

10:00 | 09/05/2016

555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Thắt lưng buộc bụng” chưa bao giờ có trong vốn từ vựng của các đại gia dầu mỏ Trung Đông nhưng nay cụm từ này đang trở thành “mốt” khi mà cơn bão giá dầu đã bào mòn ngân sách của các vương quốc tại đây.
cac dai gia lieu xieu vi gia dau giam

Công việc lương cao tại các cơ quan chính quyền, nhiên liệu giá rẻ, mua sắm hàng xa xỉ, du lịch chất lượng 5 sao... chưa bao giờ là những thứ vượt quá tầm tay của nhiều người dân vùng Vịnh. Thế nhưng, những thứ từng dễ dàng nhận được đó đã không còn nữa, mà thay vào đó là những gì đang diễn ra ở thế giới phương Tây: cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, khan hiếm việc làm và những cuộc đình công.

Tâm trạng bất mãn đang xuất hiện và lan rộng trong lòng xã hội khi các nước vùng Vịnh đối diện với thực tế giá dầu sụp đổ đã khoét nhiều lỗ hổng trong ngân sách.

Kuwait đã chứng kiến cuộc đình công lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua khi 13.000 công nhân dầu mỏ ngưng làm việc từ ngày 17 đến 19-4 vừa qua để phản đối cắt giảm lương và phúc lợi. Tại vương quốc láng giềng Arập Xê út - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - Bộ trưởng Nước và Điện Abdullah al-Husayen đã bị sa thải vào ngày 23-4 sau khi công chúng phàn nàn bộ này tăng giá nước quá nhanh, lên đến mức 500% trong vòng chưa đến sáu tháng.

Cuối năm ngoái, Arập Xê út phải quyết định tăng giá điện nước để bù đắp cho ngân sách bị hao hụt bởi giá dầu rớt mạnh. Thậm chí tại Qatar, nước giàu nhất thế giới, hôm 26/4, nhà chức trách cũng thông báo sẽ chấm dứt trợ cấp giá nhiên liệu vào tháng sau, điều mà các Tiểu vương quốc Ảrập

Thống nhất (UAE) đã thực hiện từ năm ngoái. Trong khi đó, Oman và Bahrain đã tiến hành giảm mức trợ cấp giá nhiên liệu như là một phần của kế hoạch thắt lưng buộc bụng.

Nhận định về các động thái trên, Ghanem Nuseibeh, người sáng lập Công ty Tư vấn Cornerstone Global Associates (Anh), cho biết: “Thắt lưng buộc bụng là điều cần thiết để giúp ổn định kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phải cân bằng tốc độ thay đổi chính sách với việc thuyết phục người dân chấp nhận “nỗi đau” để có tương lai tốt đẹp hơn”.

Dân số dưới 30 tuổi chiếm hơn 50% tổng dân số 44 triệu người sống ở sáu vương quốc vùng Vịnh. Nhiều người trong số họ đang phải làm quen với tương lai kém sung túc so với thế hệ cha ông.

Tại Oman, Tumadher Allawati, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành marketing, đã trải qua hai công việc thực tập không lương và đã nộp đơn xin việc 22 lần, thậm chí đã phỏng vấn xin việc ở trường mẫu giáo nhưng vẫn đang thất nghiệp. Cô cho biết sau nhiều lần nộp đơn xin việc ở các bộ ngành của chính phủ, cô bị nhắc nhở đừng gửi đơn nữa vì năm nay, tất cả các cơ quan nhà nước đều ngưng tuyển dụng. “Tôi đã nộp đơn nhiều nơi đến nỗi tôi không thế nhớ hết và thực tế không có ai trong lớp tốt nghiệp của tôi xin được công việc dài hạn càng làm tôi lo lắng”, cô nói.

Chuyên gia bình luận các vấn đề Ảrập Sultan Al Qassemi cho biết có một thỏa thuận bất thành văn ở vùng Vịnh là người dân nhất trí trao quyền điều hành đất nước cho các hoàng gia miễn là họ không bị đánh thuế và được chia sẻ nguồn lợi dầu mỏ. Tuy nhiên, điều này đang bị đe dọa. Ông nhận định: “Khế ước xã hội mang tính truyền thống này ở vùng Vịnh chưa bao giờ dễ vỡ hơn lúc này”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với hãng tin Bloomberg, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề kinh tế và phát triển Arập Xê út, hoàng tử Mohammed bin Salman, nói rằng đã đến lúc cần cải tổ hoàn toàn mô hình kinh tế để thoát sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Nữ doanh nhân người Kuwait Lubna Saif Abbas cho rằng giá dầu sụp đổ có thể là “chuyện không may nhưng lại hóa may” vì giúp các vương quốc trong khu vực có động lực để thúc đẩy thay đổi xã hội. Bà cho rằng khi không còn được hưởng lợi từ dầu mỏ, người dân Kuwait buộc phải làm việc chăm chỉ, tham vọng và hiệu quả hơn vì họ phải làm việc thực sự.

Chỉ cách đây vài năm, việc thảo luận vấn đề thắt lưng buộc bụng đã là chuyện trái tai khi các vương quốc vùng Vịnh đổ rất nhiều tiền bạc thu được từ dầu mỏ để xây dựng xứ sở. Họ xây những hòn đảo nhân tạo, các khu tài chính, sân bay, hải cảng để biến vùng sa mạc Ảrập thành một trung tâm du lịch và ngân hàng cũng như để đón chào sự kiện Qatar đăng cai World Cup 2022. Tiền cũng được ban phát cho dân chúng dưới dạng các khoản phúc lợi để ngăn chặn bất ổn xã hội lan rộng ở Trung Đông trong suốt phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập.

Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu giảm mạnh, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay, tổng ngân sách của sáu thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arập Xê út và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) sẽ thâm hụt khoảng 12,3%, trong đó, ngân sách của Arập Xê út sẽ bị thâm hụt nặng nhất.

IMF cũng dự báo các chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân tại các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông chỉ tạo ra 7 triệu việc làm trong năm 2016, thiếu hụt khoảng 3 triệu việc làm so với nhu cầu của người lao động.

Các phản ứng trước chính sách biện pháp thắt lưng buộc bụng ở mỗi nước vùng Vịnh khác nhau nhưng các hoàng gia trong khu vực đều nhận thức những mối nguy hiểm nảy sinh từ sự bất mãn của giới trẻ.

Kết quả khảo sát ý kiến của 3.500 thanh niên ở 16 nước Ảrập do Công ty Quan hệ công chúng ASDA’A Burson-Marsteller (các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) công bố vào ngày 12-4 cho thấy đa số muốn chính phủ tiếp tục trợ cấp, trong khi gần 50% nói rằng việc tăng giá điện nước hay nhiên liệu chỉ nên áp dụng cho người nước ngoài.

Arập Xê út, nước bị thâm hụt ngân sách gần 100 tỉ USD vào năm ngoái, đang lên kế hoạch tái cải cách các khoản trợ cấp bằng cách phát triển một cơ chế chỉ trợ cấp cho các hộ có thu nhập trung bình và thấp.

Mới đây tại Kuwait, lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, quốc hội bỏ phiếu thông qua kế hoạch tăng giá điện, nước đối với người nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Kế hoạch này không áp dụng cho các hộ gia đình vì nhiều người dân đang cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn trước đây.

Th.Long

Bloomberg