Ca nương Vân Mai: “Đã học thanh nhạc thì không trở lại hát ca trù được”
PV: Chúng tôi được biết chị xuất hiện khá nhiều trong những chương trình dạy ca trù trên VTV1, VOV… Xin chị giới thiệu đôi nét về bản thân mình?
Ca nương Vân Mai: Vân Mai là nghệ danh tôi dùng khi biểu diễn ca trù, tên khai sinh của tôi là Nguyễn Thị Mai. Quê gốc tôi ở Thủy Nguyên (Hải Phòng). 8 tuổi, tôi chuyển về sinh sống ở Đông Hưng (Thái Bình). Ngày 10-8-1961 khi đó vừa tròn 17 tuổi, tôi đi bộ đội. Sau đó tôi chuyển về công tác tại Tổng cục Hậu cần. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu.
PV: Chị đã học ca trù từ ai, ở đâu và từ khi nào?
Ca nương Vân Mai: Tôi không học bất cứ nghệ nhân nào mà xuất phát từ niềm đam mê ca hát, tôi đã tự mày mò, tự học. Trong những nghệ nhân hát ca trù, tôi thích nhất giọng cụ Quách Thị Hồ. Vì vậy, tôi thường mua đĩa về nghe, nghiền ngẫm, phân tích, tìm ra bí quyết hát.
Ngay từ nhỏ, làng Nguyên Xá, Đông Hưng (Thái Bình) có múa rối nước, hát chèo. Chính vì được lớn lên trong một môi trường văn hóa như vậy đã định hình trong tôi niềm yêu thích âm nhạc. 8 tuổi tôi đã biết hát chèo rồi tập hát ca trù. Thú thực, khi mới hát ca trù khó vô cùng, phải lao tâm khổ tứ. Năm 1995, tôi đã hát được nhưng chưa gõ được phách. Năm 2001, tôi chính thức trở thành ca nương. Năm 2006, Học viện Âm nhạc quốc gia có mời tôi đến hát và tặng bằng khen. Năm 2007, tôi đã giành được Huy chương Vàng Liên hoan ca trù đầu tiên dành cho các nghệ nhân. Có thể nói, để đến được ca trù là một con đường đầy gian nan.
PV: Được biết ông xã nhà chị cũng là một kép đàn có tiếng, cơ duyên nào đã khiến anh chị đến với nhau?
Ca nương Vân Mai: Chúng tôi quen nhau trong những năm tháng ở chiến trường ác liệt. Chúng tôi yêu nhau, tự nguyện đến với nhau trước khi đến với nghệ thuật ca trù. Vợ chồng chúng tôi đều có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Năm 2011, anh ấy theo học lớp đàn đáy. Do yêu thích, đam mê nên anh học rất nhanh và bây giờ anh đã thành thạo. Cũng nhờ có chung niềm yêu thích ca trù mà chúng tôi ngày càng gắn kết với nhau hơn, yêu nhau hơn (cười).
PV: Thưa chị, nhiều người nói rằng ca trù rất khó, rất bác học. Theo chị cái khó nhất khi học hát ca trù là gì?
Ca nương Vân Mai: Hát như thế nào, lấy hơi ra sao. Hát ca trù vừa thở bằng miệng lại phải vừa thở bằng mũi. Lấy hơi hát thanh nhạc chỉ thở bằng miệng. Khi hát ca trù không thể rặn è cổ ra cái hột (hạt) mà phải tự nhiên, phải có thời gian luyện hơi lâu dài. Khi hát phải hát bằng giọng thật, nhấn chữ, nhấn thật mạnh vào dấu câu.
PV: Theo chị, để trở thành một đào nương chuyên nghiệp thì cần những tố chất gì? Những người bình thường có thể hát ca trù được không thưa chị?
Ca nương Vân Mai: Muốn trở thành người hát ca trù (theo đúng nghĩa) thì cần phải có chất giọng đẹp: vang rền, nền nảy, khỏe. Cái này là do trời phú cho. Nhà trường không thể đào tạo được. Phải chọn những người chưa học qua trường lớp thanh nhạc nào, nghĩa là “chất giọng phải nguyên thủy”. Vì những người đã học thanh nhạc thì sẽ không bao giờ trở lại hát ca trù được. Người hát ca trù phải yêu nghệ thuật như yêu bản thân, thực sự có tâm có đức trong sáng, không vì mục đích ham tiền, theo đuổi đến cùng. Không nên truyền dạy ca trù cho bất cứ ai. Một số người mới tập tành biết chút ít đã quay sang hát thuê lấy tiền, mở lớp dạy ca trù nhằm trục lợi. Điều đó, sẽ phá hỏng cái hay, cái đẹp của ca trù, làm cho ca trù bị cải biên, méo mó. Nhưng buồn thay thực trạng đó đang diễn ra ngay trước mắt, nhiều người đang bị nhầm tưởng…
PV: Trong nghệ thuật hát ca trù, chị có nói nhiều đến việc phải nảy hột, rung giọng? Chị có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa của những từ này?
Ca nương Vân Mai: Trong khi hát ca trù, ngoài việc hát tròn vành rõ chữ thì việc làm sao nảy hột, rung giọng là một điều vô cùng quan trọng. Nhiều người hát ca trù đã không làm được điều này. Nhưng làm được điều này không phải dễ dàng, phải trải qua một quá trình tập luyện lâu dài. Rung giọng nghĩa là thả hơi từ trong bụng lên mũi một cách tự nhiên. Nảy hột (hạt), là phải vận dụng cách lấy hơi bụng và nhả chữ bằng hơi bụng. Lấy hơi đã khó, thở bằng miệng, thở ra mũi đã khó, cái khó nhất là nín, lấy từ hơi bụng thổi ra mũi, phải nảy hột bằng mũi.
PV: Trong nghệ thuật hát ca trù, ngoài việc là người trực tiếp hát, ca nương còn là người giữ nhịp phách. Theo chị, việc học phách có khó không? Chị đã học như thế nào?
Ca nương Vân Mai: Có thể nói, trong hát ca trù, phách là khó nhất, giọng hát thì mình đã có chất giọng sẵn, cố gắng luyện tập, luyện cách hát. Nhưng gõ phách thì khác, trước khi vào gõ phách thì phải thuộc lầu ca đàn. Vì năm khổ đàn cũng là năm khổ phách. Có thể nói, người gõ phách cũng y hệt như một người nhạc công vậy. Vận dụng bí quyết gõ phách mới giòn, muốn giòn thì phách phải có gân. Mà muốn gõ gân phách thì phải trải qua một quá trình gian truân nếu không muốn nói là đau đớn. Muốn gõ được gân phách thì phải đập thẳng cánh tay xuống, dùng gân của cánh tay đánh thẳng xuống phách.
Năm 1995 tôi biết hát ca trù nhưng chưa gõ được phách, năm 2001 tôi đã chính thức trở thành ca nương, có thể gõ phách nhưng chưa thực sự là hay lắm (cười).. Quãng thời gian tôi dùng cho việc học phách khá dài, khoảng hơn chục năm.
PV: Theo chị người học hát ca trù nên học như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?
Ca nương Vân Mai: Năm 2009 tôi và ông xã có về làng Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) dạy hát cho bà con nơi đây trong 3 tháng.
Nói chung, người học ca trù phải tự học, tự nghiên cứu là chính, phải tìm cho mình một lối đi riêng. Ngoài chất giọng nguyên thủy trời phú - yếu tố bắt buộc người học ca trù là học lối hát, kỹ thuật hát, không học theo giọng hát, không bắt chước giọng hát. Điều tối kỵ nhất là không được rặn ra hột trong khi hát mà hoàn toàn do hơi để nảy hột.
PV: Là một người tâm huyết với nghệ thuật ca trù, theo chị để bảo tồn, giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật này thì cần phải làm gì?
Ca nương Vân Mai: Tôi thấy người ta đang hiểu sai về ca trù. Thực sự tôi rất buồn. Nào là hát sai, không tuân theo nguyên tắc, nghệ thuật hát khiến cho ca trù bị cải biên, méo mó, làm mất hết cái tinh túy vốn có. Ngày xưa, người cầm trống chầu phải là quan viên, phải biết làm thơ, hát nói. Bây giờ, trẻ con cũng cầm trống chầu, cầm đàn, vừa đàn vừa nghêu ngao hát. Một số người học được một chút đã quay sang dạy cho người khác mà họ đâu biết giọng hát muốn có hột thì cần có thời gian tôi luyện. Như trên tôi nói, muốn hát được ca trù hay thì phải học được bí quyết của các cụ truyền lại. Nhưng rất nhiều người học vẹt các cụ già truyền khẩu, trong khi đó một số cụ già răng rụng hết thì sao có thể truyền dạy được. Các nhà nghiên cứu biết nhưng làm ngơ trước thực trạng này.
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi!
Minh Hiền (thực hiện)
-
"VIETNAM 75": Triển lãm nghệ thuật và lịch sử nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
-
Cô giáo mầm non và lớp học miễn phí cho trẻ tự kỷ
-
Bà Rịa - Vũng Tàu rực rỡ ngày hội biển: Khai mạc chuỗi sự kiện văn hóa - thể thao đặc sắc
-
Hà Nội: Khách hàng thích thú khi được robot phục vụ đồ uống, chụp ảnh check-in
-
Hà Nội bình yên trong những ngày nghỉ lễ
- Tử vi tháng 5/2025: Tuổi Mão đỉnh cao sự nghiệp, tình Dậu tình cảm thăng hoa
- Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
- Tử vi tuần mới (21-27/4/2025): Tuổi Tuất năng lượng dồi dào, tuổi Tỵ quý nhân tương trợ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi
- Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến
- Tử vi tuần mới (7-13/4/2025): Tuổi Mùi hạnh phúc vẹn tròn, tuổi Mão công danh sáng rõ
- Tử vi tháng 4/2025: Tuổi Ngọ sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân vượng vận đào hoa
- Tử vi tuần mới (31/3-6/4/2025): Tuổi Tý tài lộc vượng phát, tuổi Dậu quý nhân trợ vận