Nghệ thuật góp phần phát triển du lịch:

Chưa mấy mặn mà

11:07 | 09/08/2014

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguồn di sản phi vật thể là nghệ thuật sân khấu truyền thống, diễn xướng dân gian, trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ… của nhiều vùng miền, tỉnh thành cùng lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ đông đảo đang nắm giữ các di sản đó, đang thiếu sự khai thác, kết nối để làm giàu có thêm cho các hoạt động du lịch. Vậy ai, đơn vị nào sẽ bắc cầu kết nối?

Nhạt trò 

Có hàng loạt chương trình xúc tiến, quảng bá cho du lịch từ cấp Bộ đến các tỉnh, thành và các doanh nghiệp. Nhưng vẫn thiếu vắng các bộ môn nghệ thuật cổ truyền trong các tour du lịch lấy di sản văn hóa, di sản thiên nhiên làm điểm đến.

Vài ví dụ, du khách tham quan khu danh thắng Tràng An - Ninh Bình mới được công nhận là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới thời gian qua, cũng như các danh thắng, di tích vốn đã nổi tiếng của Ninh Bình như Tam Cốc, Bích Ðộng, cố đô Hoa Lư… hầu như mới chỉ dừng ở việc ngồi thuyền ngắm cảnh, thăm thú hang động, thắp hương lễ bái ở các chùa, đền, thưởng thức và mua một số sản vật địa phương. Ðể thưởng thức những làn điệu chèo hay xẩm vốn được Ninh Bình coi là có những nét độc đáo của địa phương mình, xem chừng du khách cũng không biết tìm ở đâu!

Tại khu vực di sản thế giới thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, cho đến tháng 5 năm nay, một CLB văn hóa nghệ thuật vùng di sản mới được thành lập gồm các hạt nhân văn nghệ quần chúng trên địa bàn, thể hiện những tiết mục ca, múa của chèo, cải lương, quan họ, dân ca Thanh Hóa… phục vụ du khách vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Nhìn sang khu vực Bắc Ninh và một phần Bắc Giang, nơi có dân ca quan họ nổi tiếng, thường chỉ thấy nghệ thuật ca hát độc đáo và quyến rũ này được rộ lên, được thưởng thức vào các dịp lễ hội khi khách thập phương chủ yếu đi lễ, đi chơi một cách tự phát chứ cũng không theo tour, tuyến du lịch nào. Còn trong các khoảng thời gian kéo dài khác của năm, quan họ chưa đươc khai thác để trở thành một tâm điểm của du lịch. Tiếng hát cất lên, có chăng thường từ các nhà hàng, các khu ẩm thực sinh thái, khách vừa ăn uống vừa nghe hát, hoặc ở một số tư gia khi các nhóm, CLB quan họ tổ chức dịch vụ hát canh ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ để phục vụ người hâm mộ.

Hát xoan của Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng ở trong tình trạng “xuất đầu lộ diện” thường khi vào hội hoặc thể hiện khi có đoàn nghiên cứu, nhà báo tìm đến. Nghệ thuật hát ca trù hầu như cũng chỉ thấp thoáng đâu đó trong mấy ngôi nhà di sản ở khu phố cổ Hà Nội nhân một vài kỳ cuộc. Còn lại, các giáo phương, CLB, nhóm ca trù, vẫn quen với hình thức tự sinh hoạt, tự rèn luyện mà ít có cơ hội trình diễn vốn quý của mình trước du khách. Nhiều nghệ thuật ca múa đặc sắc khác của đồng bào các dân tộc cũng ít được ngó ngàng tới, chưa có vị trí như một sản phẩm sang trọng, có thể “hàng hóa hóa” để giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về bản sắc vùng miền khi tham dự các tour du lịch di sản, du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.

Chưa mấy mặn mà

CLB ca trù Hà Nội có nhiều năm nỗ lực nhưng hầu như vẫn chỉ tự duy trì hoạt động bằng các cuộc sinh hoạt nội bộ

Rất hiếm những trường hợp như Nhà hát múa rối Thăng Long nhiều năm qua luôn đông nghịt du khách nước ngoài, mỗi ngày diễn 3, 4, có khi 5, 6 suất. Hay Nhà hát múa rối Trung ương mấy năm gần đây cũng phần nào khởi sắc khi có được nhiều suất diễn rối nước dân gian. Nhưng cũng chỉ có rối nước của đơn vị chuyên nghiệp được tìm đến rôm rả như vậy. Còn đa phần các phường rối nước dân gian ở các làng quê xa xôi, khuất nẻo, thì vốn giữ gìn nhiều vốn liếng độc đáo, nhưng cũng chung nhau cảnh đìu hiu. Trong mùa hè một số năm gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam định kỳ mời các phường rối nước luân phiên biểu diễn phục vụ du khách tham quan bảo tàng, kể đã như một cử chỉ hào hiệp hiếm thấy!

Thì tương lai?

Không hiểu khi nào đó trong suy tưởng của các nhà quản lý, tổ chức hoạt động, dịch vụ du lịch, có vẳng lên những âm thanh, giai điệu của truyền thống? Ðể từ đó tìm cách tạo ra những cuộc kết nối cho nghệ thuật của cha ông vào du lịch.

Giả dụ như trong không gian trầm tĩnh, vắng vẻ của làng cổ Ðường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, nếu có được một nơi, chẳng hạn ở sân đình làng Mông Phụ, để nghệ sĩ, nghệ nhân hát những làn điệu chèo, những câu dân ca “đặc sản xứ Ðoài” cho các đoàn khách nghe. Hoặc đâu đó ở Bắc Ninh, khi du khách đến những ngôi chùa, ngôi đền nổi tiếng ở gần các làng quan họ gốc, có thể được đi thăm một nhà chứa quan họ và xem, nghe hát quan họ theo cách mô phỏng một canh hát. Như làng Ngang Nội ở xã Hiên Vân gần với chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, làng Diềm ở xã Hòa Long, TP Bắc Ninh là địa bàn có đền Cùng - giếng Ngọc, làng Tam Sơn ở xã Tam Sơn, huyện Tiên Du ngay sát chùa Tiêu… Hay với những tiềm năng chưa được khai thác hết của văn hóa miền đất chùa Thầy, xã Sài Sơn thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội, cũng có thể nghiên cứu xây dựng những tour hành hương, tham quan thắng cảnh và thưởng thức sự xuất hiện thường xuyên hơn của rối nước dân gian tại thủy đình chùa Thầy.

Những môn nghệ thuật cổ truyền đặc sắc khác, chèo, ca trù, hát xẩm, đờn ca tài tử đang hiện diện trên nhiều địa phương… rất nên được khai thác hoặc khai thác tích cực hơn để làm phong phú, tăng thêm màu sắc văn hóa cho các hoạt động du lịch bằng sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Bà Dương Thị Thanh - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Ninh Bình cho biết, ngành văn hóa đã tổ chức nhiều lớp để nâng cao nhận thức của dân cư trong khu vực đối với di sản. Doanh nghiệp đầu tư tại danh thắng Tràng An, cơ quan quản lý đã và đang có hướng phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng. Nếu người dân không có quyền lợi, họ sẽ không có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ. Bà Thanh nói sẽ tổ chức lại mô hình quản lý ở Tràng An, vì bây giờ Tràng An đã là di sản hỗn hợp thiên nhiên - văn hóa của thế giới.

Tại Thanh Hóa vừa qua, trong tọa đàm công tác tuyên truyền quảng bá về năm du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa và di sản thế giới Tràng An - Ninh Bình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Tổng cục Du lịch và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuẩn bị cho năm du lịch quốc gia diễn ra tại đây với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, cùng với những dự án nghiên cứu quy hoạch các khu du lịch, đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, hoàn thiện xây dựng nhà hát, trung tâm triển lãm dịch vụ du lịch… tỉnh cũng đang nghiên cứu để mở các tour, tuyến du lịch mới mang màu sắc văn hóa vùng miền.

Theo ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh, với tiềm năng đường thủy, có thể tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” sẽ sớm ra đời với việc khai thác những câu hò sông Mã nổi tiếng. Trong nội dung các hoạt động tại năm du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa, ông Việt cũng giới thiệu, sẽ có liên hoan di sản thế giới dự kiến vào tháng 3-2015, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, với sự tham dự của các tỉnh thành có các di sản này. Ngoài ra vào khoảng tháng 5-2015, còn có liên hoan “Câu hò nối những dòng sông” các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng, trình diễn dân ca, dân vũ, các điệu hò, trò diễn của nhiều đoàn nghệ thuật địa phương, kết nối những câu hò sông Mã, sông Lam, sông La, sông Hiếu, sông Hương…

Hy vọng khi đã có dự định, kế hoạch, việc sớm thông tin, tuyên truyền về các chương trình du lịch gắn với di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống hoặc kết nối chúng trong không gian các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch và công chúng có thời gian khảo sát, mở và chọn lựa những tour, tuyến phù hợp. Cũng như tại các không gian du lịch còn thiếu vắng tiếng đàn, giọng hát mang âm hưởng dân ca, các nhà quản lý, điều hành và nghệ sĩ địa phương sẽ sớm có những “điểm xuyết” nghệ thuật phù hợp, tránh để du khách chỉ đi “chơi không” còn nghệ thuật lại thiếu đất diễn.

Xuyên Sơn

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.