Buôn lậu giảm, gian lận thương mại tăng
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng cả nước đã chủ động triển khai kết hợp vừa kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. |
Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.
Điển hình là vụ phát hiện gần 60 nghìn bộ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 cùng hơn 3 nghìn sản phẩm thuốc tân dược và gần 200 nghìn sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng do lực lượng quản lý thị trường và Công an Kinh tế Hà Nội phối hợp phát hiện, xử lý. Vụ Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy từ Lào về Nghệ An với tang vật thu giữ là hơn 30 nghìn viên ma túy tổng hợp. Vụ phát hiện, thu giữ hơn 120 tấn phân bón giả mạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông…
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, các địa phương, đặc biệt là những cơ quan chuyên trách như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… được triển khai thường xuyên và nhiều vụ việc, vụ án, chuyên án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022 còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Số vụ việc được phát hiện xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử là tất yếu, đa dạng. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường thương mại điện tử để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chức năng còn buông lỏng, coi nhẹ công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giao phó cho các lực lượng chức năng, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được thấp. Các vi phạm xảy ra trên địa bàn kéo dài, chậm xử lý, còn có cán bộ sai phạm. Chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, nhiều kẽ hở để đối tượng lợi dụng vi phạm…
![]() |
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia. |
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Trong giai đoạn giá xăng dầu điều chỉnh tăng cao 2 lần liên tiếp dẫn đến giá cả các hàng hóa khác biến động mạnh. Quản lý thị trường đã huy động lực lượng tối đa nhằm kiểm soát các đại lý xăng dầu trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, từ đó kiểm soát chất lượng mặt hàng và đảm bảo nguồn cung cho người dân.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, sau khi mở cửa, tình hình gian lận thương mại tăng trở lại với những hành vi tẩy xóa mác đưa vào lưu thông hàng cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng. Một hành vi khác có chiều hướng gia tăng đó là việc thành lập doanh nghiệp nhằm trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…
Thương mại điện tử trong thời gian đại dịch COVID-19 cũng rất phát triển. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao diện điện tử sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn từ rao bán quảng cáo, đăng tải mặt hàng trên Facebook, Tik Tok, Instagram… Hầu hết các mặt hàng này đều xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, là hàng giả, kém chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 17,3 nghìn vụ gian lận thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước trên 137 tỷ đồng.
Nhận định tình hình 6 tháng cuối năm 2022 sẽ gia tăng phức tạp, ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục giám sát mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng nổi cộm như: trang thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, đường cát, vật liệu nổ, ma túy…
Sáu tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng. |
Tùng Dương
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số