Vụ nổ kinh hoàng tại TP HCM:

“Bom nổ chậm” trong lòng thành phố

07:06 | 29/10/2014

1,194 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại quận 12, TP HCM làm 3 người chết, 3 người bị thương, 7 căn nhà bị sập hoàn toàn và 45 căn nhà bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là ở các thành phố lớn đang tồn tại những kho “bom nổ chậm” có thể tước đoạt mạng sống của người dân bất kỳ lúc nào. Đó là những trạm sang chiết ga trái phép, các cây xăng đô thị, các xưởng hóa chất lẫn trong khu dân cư…

Giấy phép “mập mờ”

Ngày 22-10, Công an TP HCM đã vào cuộc để điều tra làm rõ vụ nổ xảy ra tại số nhà 66/2 Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12). Cơ quan Điều tra Công an TP HCM thu giữ lượng lớn hóa chất dễ gây cháy nổ tại hiện trường. Theo thống kê ban đầu, 500kg hóa chất các loại được thu giữ gồm: Potassium Nitrate (KNO3), Kali Clorat (KClO3), Amoni Hydroxyt (NH4OH)…

Sau khi tai nạn xảy ra, người ta mới lật lại “tiểu sử” cũng như cung cách hoạt động không rõ ràng của Công ty Đặng Huỳnh có trụ sở chính tại địa chỉ 305/20/10/8 đường TA19 (khu phố 5, phường Thới An) và chỉ được cấp phép sản xuất, mua bán giống cây trồng, mua bán vật tư nông nghiệp (trừ thuốc bảo vệ thực vật), tư vấn kỹ thuật về cây trồng. Công ty Đặng Huỳnh không được sản xuất, sơ chế biến tại trụ sở nên đã lập chi nhánh riêng.

“Bom nổ chậm” trong lòng thành phố

Cây xăng 27-7 tan hoang sau vụ cháy

Ngày 16-11-2004, chi nhánh của Công ty Đặng Huỳnh ra đời và được cấp giấy phép hoạt động tại địa chỉ 66/2 Lê Thị Riêng (khu phố 5, phường Thới An) do ông Nguyễn Văn Thanh đứng tên làm đại diện. Vụ nổ xảy ra ở chi nhánh này.

Ông Đặng Phùng, một người dân sinh sống gần hiện trường vụ nổ thắc mắc: “Người dân chúng tôi không thể hiểu được vì sao cơ sở chế biến nguy hại như vậy lại được hoạt động trong khu dân cư”. Gia đình ông Phùng đã phải khăn gói vào nhà trọ để tá túc qua đêm. Nhìn bức tường nhà nứt toác, mái tôn bị tốc, ông Phùng thở dài trong mùi hóa chất còn phảng phất sau vụ nổ.

Vụ nổ tại kho chứa hóa chất nguyên liệu làm phân bón khiến nhiều người dân sống quanh cây xăng, cửa hàng gas phải giật mình. Nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Người dân sống kề cận các cây xăng và cửa hàng kinh doanh gas luôn nơm nớp lo sợ tai họa có thể giáng xuống một khi sơ suất xảy ra.

Tại cửa hàng xăng dầu số 615A Trần Hưng Đạo (góc ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ), cây xăng sát khu dân cư và tiếp giáp với phòng khám họat động ngày đêm. Quy định đảm bảo điều kiện phòng, chống cháy, nổ đối với cây xăng rất nghiêm ngặt. Bộ Công Thương đã có văn bản nêu rõ, các cây xăng phải có bãi đỗ xe, đường ra vào và mỗi làn đường phải rộng ít nhất 3,5m.

Đối với cây xăng trong khu đô thị phải cách lộ giới 7m và nằm gần giao lộ thì khoảng cách từ lối vào đến chỉ giới đường gần nhất của tuyến đường giao cắt ít nhất 50m. Ngoài ra, cây xăng tiếp giáp với công trình xây dựng phải có tường rào cao hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy. Với những quy định như trên, nhiều cây xăng tại TP HCM đã không đủ chuẩn để tồn tại.

Ghi nhận của phóng viên Năng lượng Mới tại một số cây xăng dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, hầu hết các trụ bơm đều “lộ thiên” ngoài mặt người, cách lề đường chỉ hơn 2m. Phần lớn, các cây xăng nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhiều người cư trú và qua lại.

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP HCM, thành phố hiện có 502 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thì 107 cửa hàng được xây dựng từ trước năm 1975.

Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy cũng đã từng đình chỉ 105 cửa hàng kinh doanh xăng dầu do không đáp ứng yêu cầu về an toàn cháy nổ. Nhiều cửa hàng còn lại vẫn đang ở trong trạng thái… chờ giải tỏa do không đáp ứng yêu cầu về an toàn cháy nổ theo quy định.

Tai họa “từ trên trời rơi xuống”

Trước đó, ngày 21-4, hàng chục hộ dân sinh sống gần cửa hàng kinh doanh gas Hữu Tuấn ở số 211 Đất Mới (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) đã bị một phen hoảng loạn. Khoảng 10 giờ 30, người dân nghe tiếng nổ lớn kèm theo khói bốc lên, bao phủ cửa hàng gas. Hàng chục hộ dân lân cận tháo chạy ra bên ngoài do sợ cửa hàng gas có thể phát nổ. Một số người còn lại đã “liều mình” cầm bình chữa cháy mini xông vào đám cháy. Hàng chục bình gas loại lớn được di chuyển ra bên ngoài an toàn. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy có mặt kịp thời và dập tắt đám cháy, tránh hậu quả nặng nề có thể xảy ra.

“Bom nổ chậm” trong lòng thành phố

Hiện trường vụ nổ kinh hoàng tại Công ty Đặng Huỳnh

Vào ngày 24-2-2013, vụ nổ kinh hoàng cũng đã xảy ra tại số nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM) làm 11 người thiệt mạng và 3 căn nhà bị đổ sập. Phạm vi ảnh hưởng của vụ nổ có bán kính lên đến vài trăm mét khiến nhiều tấm kính của các hộ dân bị hư hỏng nặng. Những tưởng, vụ nổ xảy ra đã để lại sự cảnh báo cho các cơ quan chức năng quản lý về việc chế biến, sản xuất những sản phẩm liên quan đến hóa chất, vật liệu dễ gây cháy nổ. Vụ nổ xảy ra tại Công ty Đặng Huỳnh gây thiệt hại về người không nặng nề bằng vụ nổ nhà đạo diễn Phương “khói lửa” nhưng làm thiệt hại nặng về tài sản của người dân. Nhiều cửa hàng kinh doanh sang chiết ga và các cây xăng xen lẫn trong khu dân cư đang đang tồn tại vẫn là mối ẩn họa khôn lường.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới đã nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý nên xảy ra vụ việc nghiêm trọng như trên. Trước hết, cơ quan các cấp các ngành cần phải xem xét lại trách nhiệm hành chính để xảy ra vụ việc”.

Đối với vụ nổ mới đây, người gây ra hậu quả nghiêm trọng là ông Huỳnh Văn Hải vẫn còn sống nên trách nhiệm chính thuộc về ông Hải.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cấp phép cho chi nhánh của Công ty Đặng Huỳnh chế biến các loại hóa chất dễ gây nổ như: Potassium Nitrate (KNO3), Kali Clorat (KClO3), Amoni Hydroxyt (NH4OH)… phải chịu trách nhiệm. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Luật sư Hậu nói, đây là vụ việc liên quan đến bồi thường dân sự nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định được rằng, ông Hải điều hành công ty và cho người mang thuốc nổ về nhà không nhằm mục đích để khủng bố, đe dọa hay những vụ việc liên quan đến hình sự.

Qua vụ việc này, cơ quan chức năng cần phải có những quy định đi kèm những chế tài cụ thể để tránh những tai nạn xảy ra. Nhất là đối với những cơ sở kinh doanh bình gas, cửa hàng xăng dầu, cần thiết phải ký quỹ hay tạm gọi là thế chấp tài sản để phòng ngừa những hậu quả tương tự. Với những cơ sở sang chiết ga trái phép, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan chức năng nếu xảy ra cháy nổ trên địa bàn gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại TP HCM, chợ Kim Biên hiện là nơi mua bán các loại vật liệu, hóa chất nổ cần phải quản lý một cách chặt hơn nữa và xử nghiêm minh đối với những người sử dụng trái phép, chế tạo không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đây là trách nhiệm của cơ quan các cấp và trách nhiệm của chính quyền địa phương, họ cần phải có sự phối hợp hậu kiểm, kiểm tra thường xuyên đối với những đơn vị này.

Hưng Long