“Binh pháp giả điên” (Kỳ 1)

07:00 | 21/03/2013

6,925 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong lịch sử tố tụng của nước ta, đã xuất hiện không biết bao “thủ thuật” chạy án của tội phạm. Từ sang hèn, già trẻ, khi sa vào lưới pháp luật, hầu hết tội phạm hay người thân của họ đều nghĩ mưu nghĩ kế để hòng làm nhẹ tội. Trong số rất nhiều chiêu trò ấy có chiêu “giả điên” được tội phạm áp dụng nhiều nhất, “hiệu quả” nhất và nó có tính lây lan rất mạnh. Chẳng biết có phải những kẻ phạm tội học theo mưu kế của Tôn Tử khi xưa hay không loại tội phạm “tâm thần” này đã và đang làm vã mồ hôi hột rất nhiều cơ quan tố tụng.

Nếu ai đã từng xem vở tuồng nổi tiếng “Xúy Vân giả dại” ắt hẳn đều hiểu rằng, giả làm người điên cũng chẳng dễ dàng, sung sướng gì. Vào viện tâm thần, chứng kiến cảnh sống và trạng thái người điên thì càng khẳng định việc ấy khó vô cùng. Vậy mà có những tội nhân đã nhiều năm ròng rã trốn đời làm người vô tri.

“Giả si bất điên”

Nhân nói chuyện giả điên chạy án, chúng tôi bỗng nhớ lại rằng, trong Tam thập lục kế kinh điển của Tôn Tử có kế “không điên giả khùng” (hay còn gọi là “giả si bất điên”, “minh tri cố muội”). Kế này khuyên người ta biết cách giả vờ ngu si, đần độn, không nên cậy tài, ỷ thế mà kiêu ngạo tự phụ trước mặt nhiều người. Tài năng càng lộ liễu thì dễ bị người khác đố kỵ và hãm hại. Phát triển cao hơn của kế này rèn luyện người ta kỹ năng giao tiếp với lãnh đạo là biết “giả ngu hoặc giả nai” đúng lúc, không tỏ ra sáng suốt tài giỏi, càng không được sửa sai bề trên mình.

Trong giao tiếp, giả vờ ngu có thể chữa thẹn, tìm ra lối thoát. Có thể giả vờ không biết một cách hài hước, tự mình chế giễu mình khiến cho đối thủ không nhận ra đâu là hư là thật.

Chẳng biết có phải cánh tội phạm áp dụng kế giả ngu này để thoát án hay không nhưng trong thực tế, nhiều kẻ đã thoát được án nặng hoặc chí ít cũng kéo dài thời gian để gia đình liệu bề mà… “chạy án”. Kế của Tôn Tử chỉ là trò trí trá nhằm vượt qua sự đề phòng của người khác mà đắc lợi nhưng kế giả điên thoát án là hành vi lừa dối cả xã hội, nhằm vượt qua cả sự nghiêm minh của pháp luật.

Tên tội phạm giả điên Lâm Tiến Dũng

Nhiều gia đình, dù biết rõ mười mươi con em mình là người hoàn toàn bình thường như khi thấy họ manh động gây trọng án và có khi… phát điên ngay sau khi gây án nhưng phần vì không hiểu biết pháp luật, phần vì cố ý hòa vào “bản đồng ca điên loạn” để ra sức chứng minh con em mình điên thật, thậm chí là điên từ nhỏ.

Thực ra, để vạch mặt một kẻ giả điên không phải là quá khó. Cái khó ở đây chính là việc khẳng định kẻ đó là điên giả bằng những chứng cứ khoa học cụ thể, bằng những thông số máy móc, chiếu chụp hẳn hoi. Những căn cứ ấy sẽ là bằng chứng để quyết định tội trạng của bị cáo trước tòa. Nhiều khi, chỉ một mảnh giấy nhỏ tẹo ấy của bệnh viện, bị cáo ngay lập tức hoặc đi “dựa cột”, hoặc vào trại tâm thần làm phế nhân. Đứng trước một mạng người, một số phận, đôi tay nào mà chẳng run!

Chúng tôi từng bỏ ra nhiều ngày ở các bệnh viện Tâm thần từ trung ương đến địa phương và đã chứng kiến vô số những cảnh đời điên loạn. Họ lê la đất cát, ơ hờ sự đời, băng qua sự xấu hổ giới tính và đáng thương đến quặn lòng. Nhưng, đó là với những người điên thật.

Có một vị bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã bật mí với chúng tôi rằng, cảm quan của ông cùng kinh nghiệm nhiều năm giúp ông phát hiện rất nhanh người đối diện là điên thật hay điên giả. Có thủ thuật hẳn hoi và ông đã coi đó là bí kíp trong nghề. Ông đã hệ thống thành “binh pháp” của riêng ông.

Thứ nhất, người điên thật sẽ không còn cảm giác xấu hổ giới tính. Đại loại là nam nữ không còn biết mình giới tính ra sao. Họ sẵn sàng trần truồng nhồng nhỗng chạy ngoài đường mà không mảy may ngượng ngùng. Thế nên, người điên nào mà biết vơ lá cây, vơ giẻ rách mà úp đậy vùng kín là chưa chắc điên hẳn, có cơ cứu được, hoặc họ chỉ giả điên mà thôi.

Thứ hai, người điên không tiếc tiền, không cần tiền, không biết tiền. Có một điều chắc chắn là, bất cứ ai dù thờ ơ cuộc sống đến mấy cũng xót xa khi nhìn thấy đồng tiền bị xé nát hoặc đem đốt trên lửa. Kẻ tham lam nhìn thấy tiền mặt biến sắc, lời thay đổi, có khi tâm thần bấn loạn. Còn người điên trông thấy tiền thì chỉ như trông thấy tờ giấy, có thể cầm ném đi ngay. Muốn biết người ta có điên thật hay không, chỉ cần đem thật nhiều tiền ra và… hớ hênh trước mắt họ rồi theo dõi phản ứng, mọi sự khắc sẽ rõ.

Thứ ba, người điên thật hầu như đã mất nhận thức về hành vi của mình và biểu hiện rõ ràng nhất là trong chuyện ăn uống. Nhu cầu ăn uống bản năng của một loại động vẫn còn. Nhưng, người điên thật không sợ ăn bẩn. Có khi họ nhặt được thứ gì ăn thứ đó, có khi đó là miếng thịt người ta vừa bỏ lại trong thùng rác, có khi lại là mẩu thuốc lá ai đó vứt xuống vỉa hè. Thậm chí, có người điên còn ăn cả cóc chết, chuột chết… Nhưng, người giả điên rất khó diễn kịch được bản chất đó. Dù cố gắng nhưng trong một khoảnh nào đó, họ vẫn phải lộ mặt.

Thứ tư, người điên không nhận người thân, kể cả đó là bố, mẹ, anh em ruột thịt, bạn bè thân thiết. Tình máu mủ với người thân lúc đó đã bằng không. Họ sống trong thế giới cô đơn, ngờ nghệch đến tột cùng của mình mà quên sạch xuất thân, văn hóa và tình máu mủ bản năng từ lúc lọt lòng. Còn người không điên, dù có diễn kịch thế nào thì bản năng ấy sẽ có lúc bộc phát. Thử hỏi, nếu là con người bình thường - dù độc ác, táng tận đến mấy, có ai không phản ứng gì khi người khác xúc phạm, đánh đập cha mẹ mình.

Bốn binh pháp này được các giám định viên tâm thần thuộc nằm lòng và bất cứ kẻ giả điên nào muốn diễn kịch thì đều phải diễn tròn bốn vai ấy. Chuyện ấy nghe qua quả thực là vô cùng khó. Ấy vậy mà, có những tên tội phạm đã lê lết giả điên trong trại tâm thần nhiều năm ròng rã như vậy.

Tạt axít xong, bất ngờ… tâm thần

Nói về những tên tội phạm tâm thần, chúng tôi còn nhớ rất rõ cảm giác ớn lạnh của mình khi đọc hồ sơ một vụ tạt axít ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh hồi đầu năm ngoái. Điểm đáng nhớ là: vụ án kinh hoàng ấy đến nay đã rơi vào bế tắc bởi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp sau một thời gian tích cực điều tra, nay đã phải khép hồ sơ. Lý do rất đơn giản, tên tội phạm “đột ngột” được chứng nhận tâm thần và hắn có giấy xác nhận của bác sĩ hẳn hoi.

Người dân quanh vùng còn nhớ rõ, cả gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn, sống trong hẻm 274 đường Nguyễn Văn Nghi (phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) bị tạt axít ngày 28/1/2012. Đối tượng gây án bỏ trốn khỏi hiện trường ngay sau đó. Các nạn nhân gồm anh Nguyễn Quốc Tuấn và vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng các con là cháu Nguyễn Thị Thanh Ngọc và Nguyễn Quốc Huy Bảo bất ngờ bị một người đàn ông xông thẳng vào nhà,  thản nhiên hắt cả ca axít vào mặt từng người.

Axít đậm đặc cháy nồng nặc, thịt da mấy bố con anh Tuấn như cháy lên, biến dạng và đau đớn tột cùng.

Hung thủ dù cố sức bỏ trốn nhưng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp tóm cổ ngay sau đó. Hắn tên là Lâm Tiến Dũng (SN 1964) là hàng xóm sát cạnh nhà anh Tuấn. Hắn thú nhận: “Tuấn hay đứng đầu cửa chửi bới cha tui, tạt vài ca axít cho hết chửi”.

Cả gia đình anh Tuấn nín thở chờ đợi tên tội phạm ác ôn ấy bị trừng trị nhưng họ đã chết lặng khi biết tin, hắn bỗng dưng được xác nhận tâm thần. Vụ án bị đình chỉ điều tra, gia đình nạn nhân chỉ biết câm nín và uất nghẹn sống trong hình hài không giống con người.

Nhiều người cho rằng, tên Lâm Tiến Dũng bỗng chốc có giấy chứng nhận bị “khùng” cũng dễ hiểu. Bản thân hắn có cha là cựu Công an về hưu. Anh em của hắn hiện đang công tác tại Công an quận Gò Vấp và một quận khác tại TP HCM.

Trong phiên tòa. Cõ lẽ, quãng đời còn lại, anh Tuấn, chị Xuân và cháu Bảo sẽ “gặm nhấm” nỗi đau đến ngày nằm dưới lòng đất.

8 năm xét xử bị cáo “tâm thần”

Chuyện giả điên của tội phạm suy cho cùng cũng là bản năng “tham sống, sợ chết”. Chính vì thế, với những tên tội phạm mang trọng tội thì việc giả điên với chúng mang tính chất sống còn. Chỉ cần chúng “tỉnh”, ra tòa là bị kết án “đòm” ngay lập tức.

Xin được lật lại vụ giết người ấy xảy ra cách đây đã gần 15 năm, làm chấn động dư luận Sài Gòn. Nhắc đến tử tù Đồng Đăng Phúc, nhiều người vẫn không thể nào quên đây là kỳ án xét xử ròng rã bao nhiêu bởi bị cáo được trời phú cho biệt tài… “giả điên”. Những người đi đòi công lý đã gần như kiệt sức.

Vào một buổi trưa tháng10/1998, anh Lê Kim Long ở phường 2, quận Tân Bình, TP HCM bị chính tên tài xế cũ của gia đình, giả làm thợ điện lẻn vào nhà hạ sát. Chẳng hiểu sự căm tức của tên tội phạm Đồng Đăng Phúc này với gia đình anh Long lớn đến đâu mà hắn ra tay hành hạ nạn nhân vô cùng dã man.

Sau khi dùng thanh sắt vụt vào đầu của nạn nhân, tên Phúc lôi nạn nhân vào trong phòng tắm để bắt đầu trò hành hạ. Hắn dùng dao đâm nạn nhân để tỉnh dậy rồi lại dùng gậy đập vào đầu anh Long. Nạn nhân ngất đi, tên Phúc tiếp tục dùng dao đâm cho nạn nhân tỉnh rồi dùng gậy nện cho nạn nhân gục hẳn. Anh Long vong mạng sau nhiều lần ngất - tỉnh như thế trong tình trạng thân thể biến dạng.

Bị cáo Đồng Đăng Phúc trong vụ kỳ án giả điên chấn động dư luận

Ngay sau khi bị bắt được Phúc, Công an TP HCM lập tức ký quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Đồng Đăng Phúc.

Thế nhưng, khi sắp hết thời hạn tạm giữ hình sự sau 3 tháng thì tên Phúc bất ngờ “phát rồ”. Hắn đập đầu vào tường trại giam, hú hét điên loạn và liên tục đòi tự tử. Ngày 14/1/1999, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần của Sở Y tế TP HCM đã đưa ra bản giám định và kết luận làm ngỡ ngàng nhiều người: Đồng Đăng Phúc bị… tâm thần phân liệt. Phúc đứng trước “cơ hội” được miễn trách nhiệm hình sự.

Ba tháng sau, Phúc được đưa về Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để giám định lần nữa. Kết quả:  Phúc vẫn được chứng nhận là người điên.

Trước tình cảnh ấy, Công an TP HCM buộc phải ra quyết định đình chỉ vụ án và Đồng Đăng Phúc được đưa đi chữa bệnh. Bất bình trước cái chết quá thê thảm của nạn nhân, gia đình anh Long đã làm đơn kêu oan gửi đi các cơ quan cao hơn.

Tháng 5/2001, Hội đồng Giám định tâm thần pháp y Trung ương (Bộ Y tế) được cử vào TP HCM để giám định lại tên Đồng Đăng Phúc. Thật bất ngờ, lần này, kết quả giám định đưa ra hoàn toàn khác so với 2 lần giám định trước: Phúc đang giả điên, hắn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội giết người. Ngay sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định yêu cầu phải phục hồi điều tra lại vụ án để sớm đưa ra xét xử.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa dừng lại. Liên tục những lần chuẩn bị đưa tên tội phạm ra xét xử thì phiên tòa lại bị tạm hoãn. Dùng dằng mất 2 năm, đến đầu năm 2003, vụ án mới được đưa ra xét xử phiên đầu tiên. Ngay phiên tòa này, vụ án giết người ghê tởm của tên Phúc lại tiếp tục bị hoãn với lý do: “Yêu cầu triệu tập 3 hội đồng giám định pháp y để đối chất”. Phiên xét xử tên Đồng Đăng Phúc đã để lộ nhiều thiếu sót của bản luận tội khi những tấm hình giải phẫu tử thi đã… không cánh mà bay.

Cuối tháng 5/2003, phiên tòa sơ thẩm lần 1 tiếp tục được mở trở lại. Ở phiên tòa này, đại diện của gia đình bị hại là Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM đã đưa ra chứng cứ cho thấy, tên Phúc chuẩn bị rất chu đáo và thậm chí ranh ma trong việc chuẩn bị đường đi, nước bước để nhằm mục đích xóa sạch dấu vết, hòng tránh sự để ý của những người xung quanh. Đó là những tính toán của một người không hề tâm thần.

Phiên xét xử này, có ý kiến cố cứu vớt cho tên Đồng Đăng Phúc khi vin vào cái cớ: “Bị cáo phạm tội hạn chế một phần khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do rượu”. Bất bình trước cách xử bất công và kiểu kết luận thiếu minh bạch của Hội đồng xét xử, gia đình nạn nhân Lê Kim Long lại tiếp tục làm đơn kháng cáo phúc thẩm lên Tòa án nhân dân Tối cao.

Nhiều người mê trò đỏ đen, còn mang hẳn vụ án Đồng Đăng Phúc ra để cá cược bởi tình tiết của vụ án luôn có nhiều kịch tính và kết quả của phiên xử luôn mang đến nhiều điều bất ngờ.

Trở lại vụ việc về tên giết người cố tình “giả điên”, ngày 4/12/2003, Tòa án Nhân dân tối cao tại TP HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử tên Phúc. Trong phiên này, Hội đồng xét xử nhận định vụ án có nhiều điểm bất hợp lý nên hủy án để điều tra xét xử lại từ đầu. Không lâu sau đó, đầu tháng 3/2004, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ giết người và trưng cầu giám định pháp y lần thứ 4. Trong lần giám định này, Hội đồng Giám định pháp y được thành lập dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế và các chuyên gia giám định pháp y hàng đầu Việt Nam trực tiếp tham gia và giám sát. “Chân lý vẫn luôn là chân lý, sự thật vẫn mãi là sự thật”, tên Đồng Đăng Phúc một lần nữa lại được kết luận: “Không bị bệnh tâm thần”.

Căn cứ trên bản giám định pháp y lần này, kẻ giết người đã phải tiếp tục ra hầu tòa ở phiên phúc thẩm lần 2. Sau hơn 8 năm ròng rã không mệt mỏi, gia đình nạn nhân đi tìm sự thật của một vụ án giết người, tên Đồng Đăng Phúc phải chịu bản án tử hình trong tiếc nấc ngẹn ngào của gia đình nạn nhân.

Những thủ thuật giả điên của tội phạm phải nói là muôn hình vạn trạng. Tội phạm có thể điên bất cứ khi nào, bất cứ lúc nào cũng bởi khi nổi điên rồi, hắn ta rất dễ để che giấu những tình tiết phi logic trong lời khai của mình. Giả điên đã trở thành một “tệ nạn” ở chốn công đường. Từ kẻ giết người dã man, đến gã trộm cắp vặt cũng có thể nhập vai diễn kịch. Đến nỗi, có cả những chủ doanh nghiệp giàu có, khi vỡ nợ cũng giả điên nhằm “xù” nợ. Họ cứ nghĩ rằng, khi trở thành người điên là họ có thể rũ bỏ mọi trách nhiệm với xã hội, rũ bỏ trách nhiệm làm người của mình. Nhưng, mọi sự có dễ dàng như họ nghĩ? Chúng tôi sẽ đề cập tiếp vào kỳ sau.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Vương - Tiến - Hưng