Bi kịch giá dầu và những nạn nhân (Kỳ 4)

07:00 | 17/04/2016

1,306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai cũng nghĩ sự bùng nổ dầu, khí đốt khai thác từ đá phiến của Mỹ là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung dầu toàn cầu thừa mứa, làm sụt giá dầu. Và hầu như ai cũng nghĩ nước Mỹ ở thế được hưởng lợi nhiều nhất và cười khẩy nhìn các đối thủ của họ sống dở, chết dở trong tấn bi kịch chưa có hồi kết này. Nhưng thực tế có đúng như vậy không?  

Giá dầu thấp từng mang lại hy vọng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và gia tăng các hoạt động kinh tế, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung chứ không riêng gì kinh tế Mỹ. Nhưng, giá dầu thấp cũng là “con dao hai lưỡi” và có điểm tới hạn của nó. Các công ty năng lượng Mỹ chính là những người đầu tiên phải chịu những rủi ro do sự sụt giảm giá dầu.

Theo tờ Thời báo Phố Wall, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, các công ty dầu khí đá phiến “sừng sỏ” của Mỹ bắt đầu phải thu hẹp sản lượng khai thác.

Hồi tháng 2 vừa qua, một loạt công ty dầu khí đá phiến gồm Continental Resources, Devon Energy, Marathon Oil thông báo sẽ giảm sản lượng khai thác 10% so với năm ngoái. Trước đó, Công ty Dầu khí đá phiến EOG Resources cũng cho biết giảm sản lượng 5% trong năm nay.

Động thái thu hẹp sản xuất được đưa ra sau khi nhiều công ty dầu khí đá phiến công bố kết quả kinh doanh bết bát so với năm ngoái. Có thể “chỉ mặt điểm tên” một số công ty như: Whiting Petroleum bị lỗ 2,2 tỉ USD và đặc biệt là EOG Resources - công ty dầu khí đá phiến hiệu quả nhất ở Mỹ bị lỗ tới 4,5 tỉ USD. Đây cũng là năm đầu tiên EOG thua lỗ kể từ năm 1989.

Nhưng dù sao các công ty này vẫn còn có hy vọng “sống sót” hơn một số công ty khác đang đứng trước bờ vực phá sản, chẳng hạn như công ty dầu mỏ lớn nhất Bắc Mỹ - Tập đoàn Khai thác dầu khí đá phiến khổng lồ SandRidge Energy (SD) có trụ sở tại Oklahoma. Khả năng trả nợ của SandRidge đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi giá dầu thô ngày càng cạn kiệt hy vọng phục hồi, trong khi các khoản tiền đi vay để đầu tư của tập đoàn này được tính toán dựa trên giá dầu ở mức 100USD/thùng - mức giá của “thời xa vắng”. Với khối nợ 3,6 tỉ USD, SandRidge có thể trở thành công ty dầu mỏ lớn nhất Bắc Mỹ phá sản trong cơn bão giảm giá dầu kéo dài đã gần 2 năm qua.

Một “đại gia” dầu khí khác của Mỹ là Energy XXI Ltd cũng đang lâm vào tình cảnh “sống dở, chết dở” khi đánh cược vào giấc mơ dầu khí đá phiến với số nợ lên tới 3,4 tỉ USD. Ngoài ra, còn không ít các công ty “sống mà như đã chết”, không đủ tiền để trả lãi nợ, nhưng không thể khoan thêm giếng dầu mới để thay thế những giếng cũ đã cạn dầu. Nổi bật có thể kể đến như Comstock Resources, Goodrich Petroleum, Samson Resources Corp...

bi kich gia dau va nhung nan nhan ky 4
Ngành khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ lao đao chìm nổi trong cơn bão giá dầu

Bên cạnh đó, một báo cáo của công ty Cowen & Co. cũng tính toán các công ty dầu khí của Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách 51% trong năm nay so với năm 2014, còn 89,6 tỉ USD.

Thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi tiêu, đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác dầu khí sẽ giảm. Hãng tư vấn IHS dự báo sản lượng dầu của Mỹ có thể giảm từ mức hơn 9 triệu thùng/ngày hiện nay xuống còn 8,3 triệu/thùng ngày vào mùa hè này. Nếu sản lượng giảm ở mức như vậy, giá dầu có thể quay trở lại mốc 40USD/thùng. Tuy nhiên, theo IHS, rủi ro kèm theo khi giá dầu tăng là một số công ty dầu khí đá phiến sẽ đẩy mạnh khai thác và có thể khiến giá dầu quay đầu giảm trở lại. Việc này chẳng khác gì “tự đào hố chôn mình”. Điều này đã từng xảy ra khi giá dầu phục hồi về mốc 60USD/thùng vào mùa xuân năm ngoái.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghệ đã giúp Mỹ trở thành nước khai thác dầu khí lớn nhất thế giới và lần đầu tiên sau 40 năm, Mỹ đã xuất khẩu dầu thô nhưng bong bóng cũng đang vùi dập ngành công nghiệp này.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của ngân hàng danh tiếng Goldman Sachs mặc dù vẫn ghi nhận sự tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng, sự bùng nổ của sản lượng dầu mỏ tại Mỹ - một phần không nhỏ khiến giá dầu giảm hơn 70% kể từ giữa năm 2014, nhưng vẫn cho rằng giá dầu thấp chưa thể thúc đẩy nền kinh tế như những dự đoán ban đầu.

Trong nghiên cứu công bố mới đây, Goldman Sachs cho rằng, giá dầu rẻ đã mang lại những ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng bởi mức tiêu thụ tăng chưa bù đắp được mức giảm của đầu tư cơ bản. Trong tương lai, những ảnh hưởng này vẫn có thể duy trì mức trung hòa cho tới khi giá trên 30USD/thùng, nhưng để có những tác động tích cực, giá dầu cần phải phục hồi về mức 50-70USD/thùng.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Janet Yellen trong bài phát biểu cuối tháng 3/2016 cũng lo ngại rằng, nếu giá dầu thô giảm xuống dưới mức 30USD/thùng thì các hoạt động kinh tế Mỹ sẽ bị hạn chế do những tác động lan tỏa từ bất ổn thị trường tài chính và kinh tế thế giới.

Linh Phương

Năng lượng Mới 514