Bệnh viện những ngày giáp Tết

15:56 | 29/01/2014

1,010 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xuân đã về trên mọi nẻo đường, trong từng nhà và trên gương mặt mỗi người. Năm nay, dẫu không khí đón Xuân không như mọi năm do kinh tế khó khăn, nhưng những ngày cận Tết này bỗng trở nên ồn ào, náo nhiệt, đúng như không khí vốn có mỗi khi Xuân về Tết đến. Thế nhưng ở một nơi vẫn được coi là “góc buồn” của cuộc sống - bệnh viện, Tết dường như đến một cách trầm lắng, nhẹ nhàng hơn để phù hợp cũng như xoa dịu nỗi đau thể chất của những người phải nằm lại trên chiếc giường trắng lạnh đón Xuân sang.

Bài 1: Tết này con không về

Tết “chào đời” trong… bệnh viện

Chỉ còn hơn 1 ngày nữa là giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới sẽ đến, vậy mà, Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh (tên gọi cũng Bệnh viện Phụ sản Trung ương) vẫn đông người ngồi, đặc biệt là ở Phòng Khám cấp cứu và Khoa Sơ sinh. Người nào người nấy gương mặt đều căng thẳng, lo lắng đến nỗi Tết hình như chưa đến sầm sập ngoài kia. Họ ngồi đây để trông ngóng con, em, vợ mình được “mẹ tròn con vuông”. Nhưng có người buồn hơn khi “thiên thần” bé nhỏ của mình phải nằm lại viện “ăn Tết” do mắc bệnh nan y hoặc vì quá nhẹ cân, bởi sinh thiếu tháng, không đủ sức để ra ngoài “chống chọi” với môi trường bên ngoài.

Bà Nguyễn Thị Nếp, ở Chương Mỹ, Hà Nội, mệt mỏi ngồi ngay trước cửa khoa Sơ sinh để chờ đến giờ được vào thăm cháu nội mới sinh được 3 ngày. Bà bảo, cháu bà ra đời được bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu ngày bà ngồi vạ vật ở Viện mà không được hân hoan bên cháu. Vì “thằng cu” (như bà gọi yêu) nhà bà sinh thiếu tháng, lại chỉ nặng 1,6kg nên phải nằm lại viện chưa biết ngày nào ra. Cũng bởi vậy bà phải túc trực ở đây để vừa lo cơm ăn nước uống cho con dâu vừa chăm cháu bằng cách mỗi ngày 8 lần đưa sữa và thăm cháu (vì cháu phải nằm cách ly mẹ nên bệnh viện quy định phải vắt sữa mẹ mang cho con).

Nhưng với bà, sự lo lắng về vật chất không đáng ngại và làm bà mệt mỏi bằng ái ngại về tinh thần. Bởi sức khỏe của cháu  bà vô cùng yếu ớt, không đủ sức để thích ứng với môi trường bên ngoài, lại thêm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, vàng da… nên chưa biết sống chết thế nào. Cứ nghĩ đến điều này là lòng bà lại thắt lại! Bà chia sẻ: “Tết là lúc trời – đất linh thiêng, do đó, từ nay đến Tết, tôi sẽ cầu nguyện để cho cháu tôi có sức khỏe, được về sum vầy với gia đình. Ngày nào cháu tôi được về, ngày đó sẽ là Tết. Còn giờ nhà tôi lui hết lại mọi việc để chăm lo cho thằng cháu  này. Chỉ tiếc là cháu lại đón Tết đầu tiên của đời người trong bệnh viện”.

Trị bệnh hơn vui Tết

Như Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh, Viện Huyết học truyền máu Trung ương cũng không ít bệnh nhân ở lại dù đã 28 Tết. Theo thống kê của bệnh viện có khoảng 40 cháu, từ 4 tháng đến 11 tuổi phải nằm lại viện đón Tết do đều mắc bệnh ung thư máu trong tình trạng nguy kịch. Các cháu được tập trung lại ở 1 tầng thay vì 6 tầng như trước đây để tiện cho việc chăm sóc và điều trị của các bác sĩ. Dẫu đều đang ở tuổi hiếu động, nhưng khi vào khu vực phòng bệnh của các bệnh nhi, tuyệt nhiên, không có một tiếng động hay âm thanh ồn ã nào. Bởi đang ở ranh giới  mong manh của sự sống và cái chết, các cháu không đủ sức làm gì khác ngoài nằm thở một cách mệt mỏi, vật vã với chằng chịt dây truyền cắm trên người. 

 

Nguyễn Hữu Anh Khoa là một trong số những bệnh nhi như vậy. Năm nay mới 2 tuổi, nhưng em đã được đưa vào viện điều trị căn bệnh ung thư máu được 2 tháng. Nếu như, Tết năm ngoái, Khoa vui vẻ, hoạt bát giữa vòng tay ấm áp của bố mẹ thì năm nay, em lại phải ở lại Bệnh viện dịp Tết với cơ thể mệt mỏi. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Lộc, bố của Khoa cho biết: “Khoa là con trai cả, sau là em trai mới 3 tháng tuổi. Khi em trai chưa được 1 tháng, Khoa bắt đầu có các triệu chứng kém ăn, mệt mỏi, sốt cao và xuất huyết dưới da. Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư máu và chuyển em đến Viện Huyết học để điều trị.  Chúng tôi thực sự chết điếng người khi nghe tin này”.

Chăm sóc cho Khoa chỉ có bố, bởi mẹ còn vướng bận em trai còn quá nhỏ, lại hay ốm đau. Tuổi còn nhỏ, lại không có bảo hiểm y tế, tiền chạy chữa cho Khoa và tiền sinh hoạt trong gia đình trông cả vào người bố trẻ làm nghề sửa chữa, bảo hành điện máy. Bố Khoa chia sẻ: “Hai vợ chồng từ Nghi Lộc, Nghệ An dắt nhau ra Hà Nội kiếm việc, thu nhập kém lại bấp bênh. Vợ mình làm tạp vụ cho một công ty ở trung tâm, nhưng sinh đẻ nên người ta cho thôi việc luôn. Con lớn bệnh hiểm nghèo, con nhỏ cũng bị viêm phổi nặng, không biết gia đình còn trụ được đến bao giờ”.

Bé Nguyễn Lê Thảo My đang chơi sau khi truyền hóa chất.

Nhập viện mới được 2 tháng, nhưng gần tết, sức khỏe của Khoa càng yếu. Em không thể chơi đùa với các bạn như trước, mà thường xuyên gắn chặt với giường bệnh và hóa chất, kim truyền. Bố Khoa cho biết, năm nay em phải đón tết trong Viện với một số bạn khác, nhưng em rất ngoan, ít khi đòi gặp mẹ. Anh Lộc gạt nhanh giọt nước mắt đang trực rơi xuống: “Nó không đòi mẹ bao giờ, chỉ nhìn đăm đăm ra ngoài cửa ngóng đợi. Những lần mẹ cháu vào thăm, nó vui lắm, kể cả không đủ sức để nói chuyện, cũng cố cười thật tươi cho mẹ đỡ lo. Ai cũng nói nó khôn trước tuổi, nếu không bị bệnh, có khi tương lai hơn bố, hơn mẹ nhiều…”

Tương tự, Nguyễn Lê Thảo My cũng là bệnh nhi phải nằm lại Viện Huyết học truyền máu Trung ương dịp Tết. Chị Thủy, mẹ của My cười buồn: “Cháu mới truyền xong, chưa ngấm thuốc nên còn vui vẻ, chỉ chốc nữa là nằm bẹp như các anh chị bên cạnh, không thể quấy khóc nữa”.

Chị Thủy là người Vĩnh Phúc, lấy chồng được gần 3 năm. Sau khi đứa con đầu không giữ được, bao nhiêu hi vọng, vợ chồng chị dồn hết vào đứa thứ hai. Sinh ra mạnh khỏe, hồng hào, thế nhưng chưa đầy năm, bác sĩ phát hiện My bị bệnh ung thư máu. Vợ chồng đều làm công nhân ở Vĩnh Phúc, công việc bấp bênh, lương ít nên khi con mắc bệnh, gia đình rơi vào khủng hoảng, đặc biệt là chị Thủy. Nhưng vì thương con, chị đành gắng gượng gạt nước mắt, ôm con xuống Viện điều trị hóa chất những mong “còn nước còn tát”.

Người chồng làm việc ở Vĩnh Phúc, chỉ tranh thủ cuối tuần tụt tạt thăm vợ thăm con, rồi lại tất tả về quê để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu. Tết này, chị Thủy đã tính cả gia đình chị sẽ ăn tết trong bệnh viện. 

Cả nhà vui Tết… tại Viện.

Càng gần Tết, sức khỏe của My càng yếu dần, các bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư của em đã chạy vào tủy, cơ hội ghép tủy và khỏi bệnh gần như không thể. Chị Thủy tâm sự: “Khi con bị bệnh, mình đã lường đến trường hợp xấu nhất. Nhưng con là máu thịt của mình, còn chạy chữa được ngày nào thì mình cứ cố gắng, kể cả vay mượn, bán nhà đi thì cũng phải chữa cho con. Mỗi ngày thức dậy thấy con còn thở là mình nhẹ lòng đi một chút. Ban đêm mình không dám ngủ, chỉ sợ con trở nặng…”.

Khoa Nhi Viện K2 (thuộc Bệnh viện K), Tam Hiệp (Thanh Trì- Hà Nội) ngày cận Tết bộn bề những tâm trạng, vui có nhưng buồn không ít. Hầu hết các bé phải ở lại đến chiều 28 Tết đều là những trường hợp nặng. Năm nay, may quá khi cả khoa chỉ có 2 trẻ phải ở bệnh viện dịp Tết. Cả hai đều còn quá nhỏ để biết thế nào là Tết, là đoàn viên… nên nhìn các em lại càng thấy đau lòng.

Bé Kiều Minh Đức, 4 tuổi nằm lịm trên giường bệnh. Em là bệnh nhi duy nhất tại bệnh viện lúc này vẫn còn phải truyền máu. Phát hiện ra căn bệnh quái ác đúng ngày đầu tiên tựu trường, đến nay Minh Đức đã phải chống chọi với căn bệnh K máu gần 5 tháng.

Bé Kiều Minh Đức đang phải truyền máu.

Không giấu những mệt mỏi, anh Kiều Hiển túc trực bên con chia sẻ: “Cháu yếu mấy ngày hôm nay nên vợ chồng tôi cũng chuẩn bị tinh thần ăn Tết trong viện rồi. Lần đầu tiên phải ăn Tết trong viện, cũng… buồn, nhưng biết làm sao bây giờ”.

Nhà tận Việt Trì (Phú Thọ), lại neo người nên Tết này chỉ có hai vợ chồng anh thay nhau trông bé Đức. Thỉnh thoảng anh Kiều vẫn lay con dậy nói chuyện, nhưng bé Đức mệt thiếp đi chẳng đáp lại, anh lại lẳng lặng ngồi nhìn ngắm con… Đây là việc duy nhất anh có thể làm được lúc này. 

Nhiều bệnh nhân của bệnh viện Hữu nghị Việt Xô phải ở lại viện ăn tết.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, cũng có nhiều bệnh nhân phải ở lại đón Tết trong sắc trắng và mùi thuốc tẩy đặc trưng của bệnh viện. Ông Nguyễn Văn Phẩm (74 tuổi) là một trong những bệnh nhân như vậy. Ông  phải điều trị ở khoa Truyền nhiễm mắc bệnh về hô hấp từ trước Tết và phải thở máy 10 ngày. Nhưng đến nay sức khỏe đã tốt hơn.

Dẫu vậy, các bác sĩ vẫn quyết định giữ ông ở lại để theo dõi và chăm sóc, điều trị. Bởi bệnh chưa dứt, nếu không điều trị tích cực e rằng bệnh của ông sẽ nặng hơn. Bác Phẩm tâm sự: “Ở lại thế này kể ra cũng buồn nhưng sức khỏe mình kém, mình về con cháu lại lo lắng, mất vui trong dịp Tết. Nên ở lại Bệnh viện có khi tốt hơn là về.”.

Nhóm phóng viên PetroTimes