Bệnh "tòng khẩu nhập"

18:54 | 07/12/2012

875 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các chuyên gia cho rằng, hiện tại chiều cao và cân nặng của người Việt tăng hơn trước. Nhưng bên cạnh đó số người bị mắc bệnh hiểm nghèo ngày càng nhiều hơn và độ tuổi của người mắc bệnh cũng trẻ hơn trước rất nhiều. Một trong những nguyên nhân của việc trên là do bệnh vào từ miệng, hay bệnh của con người phần nhiều từ việc ăn uống mà ra...

Hóa chất trong gia súc, gia cầm…

Những bữa ăn của gia đình người Việt ở thành phố và cả ở nông thôn càng ngày càng được cải thiện hơn trước. Nhưng phần lớn những người nội trợ trong các gia đình cho biết, hiện tại ăn gì cũng rất sợ, bởi từ thực phẩm cho đến rau xanh và hoa quả đều liên quan đến hóa chất và chất cấm ngày một nhiều hơn. 

Thịt lợn là thực phẩm phổ biến nhất trong các bữa ăn hiện nay. Nếu như trước đây thịt lợn rất mỡ, thì mấy năm gần đây, thịt lợn rất nhiều nạc nên người tiêu dùng sử dụng thịt nhiều hơn. Nhưng đầu năm 2012, người tiêu đùng không khỏi hoang mang với thông tin một số cơ sở chăn nuôi hám lợi đã sử dụng chất tạo nạc trộn với thức ăn để kích thích lợn mau lớn, thịt nạc hơn và giá bán của loại thịt này cũng cao hơn.

Thực phẩm không kiểm dịch ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội

Trước thông tin trên, cơ quan chức năng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành khảo sát trên diện rộng tại 15 tỉnh, thành ở miền Bắc và Nam Trung Bộ đã phát hiện một số mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta - agonits (hoạt chất tăng trọng tạo nạc, cấm sử dụng trong chăn nuôi). Nhưng rất may tỷ lệ này chỉ chiếm một lượng nhỏ (4,8%). Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nếu ăn phải loại thịt lợn có chất tạo nạc thì mọi người có nguy cơ bị loạn nhịp tim, run cơ, rối loạn tiêu hóa dẫn đến ngộ độc và tai biến…

Trong khi người tiêu dùng chưa hết hoang mang vì chất tạo nạc trong thịt lợn, thì lại có thông tin gà thải loại của Trung Quốc tồn dư lượng các chất kháng sinh và hóa chất cấm rất cao. Gần đây nhất, Chi cục Thú y Hà Nội lấy 5 mẫu thịt gà loại thải của Trung Quốc để kiểm tra đã phát hiện cả 5 mẫu đó đều tồn dư chất sulfadiazin cao gấp từ 5-20 lần cho phép.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, chất sulfadiazin là một loại kháng sinh cấm sử dụng, nếu tồn dư của sulfadiazin ở mức cao trong cơ thể người sẽ ảnh hưởng tới thận, làm suy thận. Do người tiêu dùng thiếu hiểu biết, một phần vì hám rẻ, lại thích ăn gà có thịt dai và giòn nên đã mua phải gà thải loại Trung Quốc về ăn. Hoặc các hàng ăn, quán cơm vì hám lời đều mua gà thải loại để chế biến món ăn bán cho khách.

Trong khi các tỉnh phía Bắc tràn ngập gà thải loại của Trung Quốc, thì các tỉnh phía Nam lại tràn lan gà thải loại của Hàn Quốc. Gà thải loại Hàn Quốc cũng dai, giòn, được nhiều người thích. Khi được biết thông tin gà nhập từ Hàn Quốc đã hết giá trị dinh dưỡng, chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc… không ít người tiêu dùng ngỡ ngàng, vội vàng quay lưng với loại gà này.

Còn gà công nghiệp trong nước sau khi mổ, thịt thường trắng, muốn tiêu thụ được thì người giết mổ đã phải dùng bột sắt hòa nước nhuộm gà cho có màu vàng để bắt mắt. Được biết, bột sắt là một loại màu công nghiệp tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm. Nếu bột sắt tích nhiều trong cơ thể sẽ gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang.

Đến nội tạng thối 

Thời gian qua lực lượng cảnh sát môi trường của công an các tỉnh và thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán nội tạng không rõ nguồn gốc, nội tạng thối được vận chuyển dưới nhiều hình thức khác nhau để vào các tỉnh phía Nam.

Đích đến của nội tạng không nguồn gốc, nội tạng thối là các quán ăn, nhà hàng và nhiều nhất là các cơ sở chế biến thực phẩm ở một số tỉnh phía Nam. Sau khi số nội tạng không nguồn gốc (lòng lợn) được nhập trót lọt vào các cơ sở chế biến thực phẩm của tư nhân, chúng sẽ được tẩy ướp, ngâm hóa chất, sau đó làm vỏ của lạp sườn, hay vỏ xúc xích từ phía Nam chuyển ra phía Bắc tiêu thụ và nhiều nhất là tại chợ Đồng Xuân. Rồi những lạp sườn, xúc xích đó còn được dùng làm nhân của nhiều loại bánh bán trên thị trường, trong đó có bánh Trung Thu. 

Gần đây, khi kiểm tra 40 mẫu thịt bò khô bán trên thị trường Hà Nội và TP HCM, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát hiện tại Hà Nội có 20 mẫu thịt bò khô bị nhiễm ecoli (nhưng vẫn trong giới hạn cho phép), 3 mẫu thịt bò khô bị nhiễm sudan, trong khi sudan cấm dùng để chế biến thực phẩm. Còn 20 mẫu thịt bò khô kiểm tra tại TP HCM không có sudan, nhưng có mẫu bị nhiễm salmonella.

Hải sản cũng có hóa chất

Ăn hải sản thường xuyên sẽ tốt cho cơ thể, bởi các món ăn từ hải sản rất giàu protit. Ngoài ra, hải sản còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho da, mắt và hệ thần kinh. Hàm lượng iốt, sắt, phốt pho và kẽm trong hải sản có lợi cho sự hình thành các tế bào máu, chống lại bệnh bướu cổ và thiếu máu. Hải sản chứa hàm lượng chất béo và kalo thấp, nhưng lại giàu omega3, omega6 giúp ngăn ngừa và làm giảm lượng cholesterol trong máu, có tác dụng chống viêm và chế áp sự hình thành của các tế bào ung thư…

Nhưng thời gian gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều hải sản đang bày bán tại các chợ đều bị ướp urê. Vì lợi nhuận, những người đánh bắt hải sản không dùng đá bảo quản hải sản nữa, mà họ đã dùng urê để tẩm ướp hải sản cho tươi lâu hơn và rẻ hơn ướp đá. Không ít người buôn bán mực còn dùng thuốc tẩy để tẩy mực cho trắng, hết mùi hôi và giữ được lâu hơn.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, việc ướp hải sản bằng urê rất độc hại. Nếu mọi người ăn phải hải sản có hàm lượng urê cao thì sẽ bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và tử vong. Nếu hàm lượng urê thấp, nhưng sử dụng trong một thời gian dài sẽ bị ngộ độc mãn tính, thường xuyên đau đầu không rõ nguyên nhân, giảm trí nhớ và mất ngủ.

Không chỉ có hải sản tươi “đồng hành” cùng hóa chất, mà mới đây khi cơ quan chức năng tiến hành lấy một số mẫu cá khô, mực khô ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi chuyên sản xuất các loại cá khô, mực khô để tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc thì đã phát hiện 2 mẫu là cá nục và 1 mẫu mực khô đều có chất bifenthrin vượt ngưỡng cho phép. Bifenthrin - một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm hoa cúc tổng hợp. Nếu sử dụng thực phẩm có nhiều chất này thì sẽ bị ngộ độc như nôn mửa, chóng mặt, đau đầu. Nếu hàm lượng bifenthrin cao có thể ảnh hưởng đến ADN và gen, gây viêm khớp, ung thư…

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi lấy 45 mẫu cá tại một số chợ đầu mối và bán lẻ ở một số địa bàn để kiểm tra đã phát hiện 14/45 mẫu có chứa hàm lượng histamine vượt ngưỡng cho phép. Kiểm tra 12 mẫu cá thu, cá ngừ ở TP HCM thì có 10 mẫu nhiễm histamine. Chất histamine, dù ở nồng độ thấp vẫn gây ngứa, dị ứng, ở nồng độ cao hơn thì gây ngộ độc, có thể dẫn đến tử vong.

Tại Việt Nam, mỗi năm có 150.000 ca mắc mới, trên 75.000 người tử vong do căn bệnh ung thư… Theo những nghiên cứu khoa học, đa số những tiến trình ung thư không phải là do yếu tố di truyền định đoạt mà là sự biến đổi trong tế bào, gây ra bởi những gì mà chúng ta làm hàng ngày, những gì mà chúng ta ăn, uống… và hàng loạt những lựa chọn hoặc thói quen khác trong lối sống...


(Thông tin tại Hội thảo quốc gia Phòng chống ung thư 16 tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2012)


Yên Bình