Bế mạc hội nghị thượng đỉnh APEC 2013

17:58 | 08/10/2013

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong hai ngày vừa kết thúc với một tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thành lập một hệ thống mậu dịch đa phương tuân thủ các nguyên tắc với WTO.

Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC

Sau hai ngày nhóm họp tại Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí về các vấn đề lớn như đạt các mục tiêu Bogor năm 2020, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương và xây dựng kết nối sâu rộng hơn trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh: “Indonesia tin tưởng rằng tất cả các thành viên APEC sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công từ sự hợp tác của các thành viên”.

APEC cam kết áp dụng các biện pháp sâu hơn nữa nhằm mở ra cơ hội cho tất cả các bên tham gia tiến trình APEC, cũng như hưởng lợi từ tiến trình này. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường các hệ thống hợp tác đa phương nhằm mang lại lợi ích cho các nền kinh tế APEC.

Song song với Hội nghị Thượng đỉnh APEC, các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đáng chú ý là Mỹ và Nhật Bản, đã tiến hành một Hội nghị cấp Bộ trưởng và hội nghị cấp cao tương tự.

Trước đó, truyền thông đã dự đoán rằng các thành viên của TPP có thể đạt được đồng thuận trên các nguyên tắc tại Hội nghị cấp cao, song khả năng này đã bị phủ bóng đen bởi sự vắng mặt đột xuất của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị này. New Zealand đã đảm nhận chức chủ tịch thay cho Mỹ.

Cuộc đàm phán TPP được coi là cuộc đàm phán về mậu dịch tự do ở ngưỡng cao nhất, bao gồm tới 21 lĩnh vực khác nhau như thuế quan, xúc tiến thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. 

Mặc dù 12 thành viên TPP cũng là các thành viên trong APEC, song những nền kinh tế lớn như Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga lại không phải là thành viên TPP. Vì vậy, có thể dễ dàng hiểu được việc Indonesia - chủ tịch APEC năm 2013 - cảm thấy không hài lòng với việc TPP được đưa ra thảo luận tại hòn đảo Bali.

Roberto Azevedo, Giám đốc điều hành WTO mới được bổ nhiệm, chắc cũng có cảm giác tương tự. Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 9 (MC9) của WTO sẽ được tổ chức tại Bali, một động thái được coi như một nỗ lực vào phút cuối nhằm cứu vãn vòng đàm phán thương mại Doha.

Ngày 5/10, ông Azevedo phát biểu tại Bali rằng với nỗ lực thúc đẩy đàm phán về hệ thống thương mại đa phương, WTO cần có sự tiếp tục ủng hộ của các thành viên APEC bởi các nước này là một phần rất quan trọng của tổ chức này.

Tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC có thể là điều an ủi ông. Qua tuyên bố, các nước thành viên APEC đã bày tỏ hy vọng sẽ đạt được kết quả trong 3 lĩnh vực chủ chốt là xúc tiến thương mại, nông nghiệp và phát triển tại MC9. Tuyên bố cũng thúc giục các bên trong cuộc đàm phán WTO thể hiện ý chí chính trị và linh hoạt nhằm thu hẹp bất đồng và đảm bảo hội đàm đạt được tiến bộ đáng kể.

Tang Guoqiang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, lưu ý rằng Indonesia, nước chủ nhà của hai hội nghị APEC và MC9, đã hợp nhất các chương trình nghị sự của hai sự kiện này nhằm xúc tiến sự hội nhập kinh tế khu vực. Điều này tạo điều kiện để hệ thống thương mại đa phương và sự hợp tác kinh tế khu vực có thể hỗ trợ và bù đắp cho nhau.

Trước đó, Cơ chế Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - bao gồm 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ - vừa kết thúc một vòng đàm phán nữa tại thành phố Brisbane, Australia.

Năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, 16 thành viên của tổ chức này đã tuyên bố khởi động các vòng đàm phán liên quan đến các lĩnh vực như trao đổi hàng hóa và dịch vụ hay bảo hộ đầu tư. Các nước đã đặt ra mục tiêu sẽ đạt được một thỏa thuận vào năm 2015, trùng với thời hạn thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Một khi được thiết lập, RCEP, với 3,4 tỷ dân và chiếm 30% kinh tế thế giới, sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Triển vọng của các cuộc đàm phán về mậu dịch tự do này sẽ tác động trực tiếp tới Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), một cơ chế đầy hứa hẹn cho việc hội nhập các nền kinh tế trong khu vực và sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như các hệ thống mậu dịch đa phương khác.

Các bên tham gia đàm phán TPP cũng là các thành viên của APEC, đồng thời cũng tham gia RCEP. Điều quan trọng là các cuộc đàm phán về mậu dịch tự do này sẽ hòa hợp hơn là đối chọi nhau, và APEC được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điều phối lớn về mặt này.

Như các thành viên APEC đã nhấn mạnh trong tuyên bố chung tại Hội nghị cấp Bộ trưởng, APEC cần tiếp tục thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ trí tuệ, tăng cường tính minh bạch và chia sẻ thông tin cũng như xúc tiến xây dựng năng lực. Giáo sư Keichi Umada đến từ trường Đại học Kyorin nói rằng các cuộc đàm phán về mậu dịch tự do đa phương, dù là TPP hay RCEP, cần phải hỗ trợ APEC để đạt được mục tiêu cuối cùng là thiết lập một khu vực thương mại tự do.

APEC được thành lập năm 1989 với mục đích chính tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực, bao gồm 21 nền kinh tế thành viên. Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức hàng năm kể từ Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Mỹ tháng 11/1993.

Nh.Thạch

AFP