Thượng đỉnh APEC 2013 ở Indonesia

11:20 | 07/10/2013

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thượng đỉnh APEC 2013 vừa khai mạc ở Bali, Indonesia, với sự tham dự của các vị nguyên thủ những nước thành viên, ngoại trừ Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chống chủ nghĩa bảo hộ, hoàn thành những cải cách khó khăn và hồi phục tăng trưởng toàn cầu là những vấn đề chính của chương trình nghị sự năm nay.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đọc diễn văn khai mạc hội nghị APEC 2013

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono kêu gọi các nền kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và mở cửa thị trường giữa các nước với nhau để khu vực duy trì đà phục hồi kinh tế.

Lời kêu gọi được đưa ra trước cử tọa trên 1.000 nhà lãnh đạo chính trị và các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực doanh thương tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương trên đảo Bali của Indonesia.

Tổng thống Indonesia nói rằng tăng cường các quan hệ thương mại sẽ giúp các nền kinh tế khối APEC nâng cao phúc lợi của người dân trong nước. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng thương mại phải “cân bằng”.

21 quốc gia và lãnh thổ thuộc khối APEC hy vọng sẽ sử dụng diễn đàn để đẩy mạnh hoạt động kinh tế qua việc tìm thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của nước mình. Tổng thống Yudhoyono cũng khuyến khích các tham dự viên diễn đàn hãy nắm bắt cơ hội đầu tư nước ngoài ở Indonesia.

12 thành viên khối APEC đang tham gia thương thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hy vọng sẽ dự Diễn đàn APEC để thúc đẩy mục tiêu đạt được hiệp định TPP trước cuối năm nay. Tuy nhiên ông đã hủy bỏ chuyến đi dự hội nghị vì những tranh chấp về ngân sách quốc gia dẫn đến việc chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần.

Sự theo đuổi nhằm đạt được một hiệp định thương mại tự do là một phần trong chiến lược của Tổng thống Obama tập trung lại sự chú ý của Mỹ vào khu vực châu Á, nơi mà Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng, trước sự quan ngại của các đồng minh của Mỹ trong vùng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại diễn đàn nhưng không tham gia các cuộc thương thảo TPP.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ ở APEC là cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc trong việc tạo ảnh hưởng với những nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng khiến một số người nêu thắc mắc về chiến lược chuyển trục mà ông Obama cho thực hiện ngay sau ngày tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên.

Các nhà quan sát cũng đặc biệt quan tâm đến chuyến viếng thăm Indonesia mà Chủ tịch Tập Cận Bình mới thực hiện, đi kèm với một loạt những thóa thuận hợp tác thương mại, kỹ nghệ trị giá lên đến 30 tỷ USD được ký kết giữa Bắc Kinh và Jakarta.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại diễn đàn là “một thất vọng rất lớn”. Ông nói APEC rõ ràng muốn một chính phủ Mỹ làm việc hơn là một chính phủ không vận hành.

Ông cũng nói rằng sự cam kết của Mỹ ở châu Á không thể thay thế bởi bất cứ một cường quốc nào khác kể cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhiều cuộc tiếp xúc bên lề Thượng đỉnh APEC 2013 cũng đã diễn ra trong một vài ngày qua, trong đó có cả những cuộc gặp gỡ giữa các nước đồng ý tham gia Hiệp định TPP.

Các cuộc thương thảo hiệp định TPP rắc rối vì một số nước châu Á Thái Bình Dương e ngại thương mại tự do có thể phương hại đến các ngành công nghiệp trong nước.

Cuộc tiếp xúc bên lề APEC 2013 khác đáng chú ý là cuộc gặp giữa giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và đại diện của Đài Loan.

Sáng hôm qua khi tiếp Cựu Phó Tổng thống Liên Chiến của Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng hai bên cần phải đi đến một giải pháp để tháo gỡ những bất đồng chính trị chứ không thể kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong cuộc thảo luận kéo dài hơn 30 phút đồng hồ bên lề thượng đỉnh APEC ở Bali, ông Tập Cận Bình cũng cho hay hai bên nên xem nhau như người cùng một gia đình, cùng nhau gia tăng nỗ lực để có thể giải quyết những bất đồng đang có.

Đây là lần thứ nhì lãnh đạo của Trung Quốc và đại diện Đài Loan gặp nhau bên lề cuộc họp hàng năm của APEC. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra hồi 2008, tức cách đây đã 15 năm.

Cũng cần nói thêm là vì sự chống đối của Bắc Kinh nên dù là thành viên của APEC nhưng Tổng thống Đài Loan không được mời tham dự, chỉ được cử đại diện.

Bên cạnh những cuộc gặp gỡ đó, mọi người cũng đang trông đợi cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, sau khi Thủ tướng Nhật Shonzo Abe nói rằng nhân dịp dự Thượng đỉnh APEC, ông muốn gặp lãnh đạo 2 nước láng giềng để trình bày cho mọi người biết Tokyo luôn luôn cánh cửa thương thuyết, để giải quyết những căng thẳng liên quan đến các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo và những trở ngại còn sót sau Thế chiến thứ 2, tức sau ngày Nhật đô hộ Triều Tiên và Hoa Lục.

Từ tuần trước báo chí Nhật Bản đã đưa tin về mong muốn của Thủ tướng Abe, nhưng đồng thời cũng nói rằng không nhiều hy vọng phía Bắc kinh và Seoul sẽ đồng ý.

Ngày 6/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến sân bay Ngurah Rai tại Bali, Indonesia lúc 20 giờ (giờ địa phương), bắt đầu chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21. Đón đoàn tại sân bay có các quan chức đại diện chính phủ Indonesia, Tỉnh trưởng tỉnh Bali, Tư lệnh vùng Bali, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam.

Dự kiến trong các ngày 7 và 8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dự nhiều cuộc họp quan trọng cùng lãnh đạo của các thành viên APEC về nhiều nội dung nghị sự quan trọng với tinh thần của APEC năm nay là “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự kiến sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước như Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe... cũng như có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Mỹ.

 

Nh.Thạch

tổng hợp