Bắt đầu truy quét nạn móc túi trên xe buýt

14:05 | 21/10/2011

744 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội (CSHSCATP) đã triển khai các mũi trinh sát truy quét nạn móc túi tại các điểm đón trả khách đi xe buýt và trên các tuyến xe buýt. Một số đối tượng móc túi chuyên nghiệp đã sa lưới. Trong thời gian tới chiến dịch truy quét này sẽ còn được mở rộng phạm vi và tăng hiệu quả bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Thủ đoạn thường thấy

Các đối tượng móc túi thường hòa vào dòng người đứng đợi xe buýt, lợi dụng sơ hở của hành khách để vờ chen lấn, xô đẩy rồi móc túi lấy tài sản. Thủ đoạn thường thấy là chúng hoạt động theo nhóm, ít nhất là hai đối tượng để dễ bề tuồn tang vật cho nhau nhằm tẩu tán mà không bị phát hiện, cũng như đề phòng tình huống bị bắt giữ cũng không có tang vật trong người làm bằng chứng bất lợi. Bên cạnh đó là thủ đoạn rạch túi, “giang hồ” hay gọi là “xả”. Những đối tượng dùng thủ đoạn “xả” với mẩu dao lam sắc bén có thể nhanh gọn khi cắt túi, rạch túi, chủ yếu là túi áo túi quần của hành khách. Đây được coi là thủ đoạn “cao cấp” hơn móc túi.

Một số trinh sát cho biết: “Đối tượng loại này thường giấu mẩu dao lam dưới lưỡi của mình, khi chọn được “con mồi” sẽ áp sát và nhè mẩu dao lam ra, hành động rất nhanh gọn”.

Nạn móc túi ngang nhiên hoành hành

Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải, ông Trần Ngọc Thành nhận định: “Lâu nay, nạn móc túi, ăn cắp tài sản của khách đi xe buýt tại các điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy – Long Biên diễn ra nghiêm trọng cả về mức độ và thủ đoạn. Thực trạng này gây nhiều bức xúc đối với học sinh, sinh viên và người dân, làm ảnh hưởng lớn tới an ninh trật tự. Các đối tượng móc túi hoạt động rất công khai và chuyên nghiệp. Nhiều người đi xe buýt gần như đã quen mặt kẻ xấu, tuy nhiên, phần vì mất cảnh giác, phần do lưu lượng người đi lại quá đông, khi xe buýt đến lại thường xuyên xảy ra tình trạng chen lấn… nên đã tạo điều kiện cho kẻ xấu “hành nghề” trộm cắp. Hoạt động của các đối tượng này có tổ chức chứ không “ăn cắp” kiểu đơn lẻ. Chúng thường quan sát đối tượng, móc nối chặt chẽ với nhau để tạo “lá chắn” và tiếp ứng kịp thời khi đã có “chiến lợi phẩm”.

"Rình” ngược lực lượng an ninh

Thượng sĩ Nguyễn Văn Hoàn – Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết: “Các đối tượng trộm cắp móc túi ở các bến xe buýt thường là “dân chuyên nghiệp”, nhiều mánh khóe xảo quyệt. Bọn chúng còn bố trí người cảnh giới, rình xem lực lượng an ninh có xuất hiện không. Nếu nhận định tình hình bất ổn là bọn chúng chuyển địa bàn hoặc không manh động. Trên một số địa bàn trọng điểm, bọn chúng cài người cảnh giới chính là những người làm “xe ôm” hoặc bán nước. Rất khó xử lý những đối tượng tiếp tay này…”.

Theo các trinh sát bám địa bàn ở một số tuyến trọng điểm, các đối tượng trộm cắp, móc túi thường ở độ tuổi từ 18 đến 25, sống lang thang, chủ yếu là người ngoại tỉnh quy tụ về một mối sống theo kiểu bầy đàn với một, hai nhóm trưởng. Đa phần các đối tượng này đều đã có tiền án tiền sự, không ít kẻ trong số đó nghiện hút, nhiễm HIV. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó nhận ra những đối tượng này, bởi chúng cũng ăn vận chỉn chu như các sinh viên tới trường, hoặc như các thanh niên bình thường khác. Tuy nhiên, ánh mắt láo liên và một số biểu hiện nghiêng ngó cảnh giới, “săn hàng” thì không khó để phát hiện.

Thượng sĩ Nguyễn Văn Hoàn cung cấp thêm: “Thường thì bọn chúng hoạt động với nhóm 2 hoặc 3 tên, nhưng cũng có nhóm cá biệt, với quân số tới hơn chục tên, cùng phối hợp trộm cắp, móc túi, cảnh giới, thậm chí cản đường nếu bị truy bắt. Bọn chúng hoạt động theo các tuyến xe chứ không cố định tại điểm nào. Sau khi “ăn hàng” chúng đều nhanh chóng “xử lý” ngay, thường chúng chỉ lấy tiền rồi vứt luôn ví và giấy tờ của bị hại hoặc đưa cho các đối tượng tiếp tay là xe ôm hoặc người bán nước tại khu vực trạm dừng đó để tạo điều kiện cho các đối tượng này “làm tiền” người bị hại muốn chuộc lại giấy tờ tùy thân. Điểm lưu ý nữa là những nhóm trộm cắp này đều có mối quan hệ với các mối tiêu thụ đồ gian khác nhau và được bảo kê của một “cấp” cao hơn. Do sự bảo kê này, chúng phân chia địa bàn làm ăn, nếu có bất kỳ sự xâm phạm nào là sẽ có “lực lượng” xử lý ngay kẻ xâm phạm đó”.

Được biết, các ổ nhóm lưu manh này thường nhắm lấy điện thoại và ví của hành khách đón xe buýt. Nếu lấy được điện thoại di động, chúng lập tức tháo sim và bán máy cho “thầu”, thậm chí ở một số tuyến trọng điểm, đối tượng “thầu” này còn ngồi chờ và thu mua đồ gian “ngay tại trận”.

Hung hãn chống trả, khóc lóc van xin

Tại điểm dừng đỗ trước bến xe Mỹ Đình, các trinh sát đã bắt quả tang hai đối tượng đang móc túi hành khách. Hai tên lưu manh chống trả lực lượng an ninh nhưng nhanh chóng bị khống chế. Người dân sống quanh khu vực này cho rằng, đây là những đối tượng còn “non” nên mới không phát hiện thấy lực lượng an ninh. Hai đối tượng này cũng khai rằng, vừa từ Thái Nguyên xuống Hà Nội tìm “cửa làm ăn”. Trái ngược với cảnh chống trả hung hãn lúc trước, khi tra tay vào còng, hai đối tượng này chuyển sang “mánh” khóc lóc vật vã, trình bày hoàn cảnh.

Thanh tra của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Lưu Nguyên Khanh và Lê Thanh Nghị chỉ cho chúng tôi biết, tại điểm dừng đỗ xe buýt trước cổng Trường đại học Thương mại, nhóm móc túi đã quen mặt các anh nên lập tức thông báo cho nhau để “nằm im chờ thời”. Đối tượng nữ kéo khẩu trang bịt mặt, rồi chờn vờn đứng sau hàng người chờ xe nhưng cũng chẳng leo lên khi xe đỗ lại. Đồng bọn của thị là hai thanh niên gầy gò, đội mũ lưỡi trai rủ nhau vào quán nước.

Bọn chúng nghiễm nhiên chờ đến lúc lực lượng thanh tra rời đi hoặc nếu chờ lâu chúng sẽ chuyển sang địa bàn khác. Có nhiều điểm dừng đỗ xe buýt tại Hà Nội nổi tiếng vì nạn trộm cắp khiến người dân bức xúc. Có thể kể ra các điểm dừng đỗ trước cổng Siêu thị Big C, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thương mại, Trạm trung chuyển Cầu Giấy, trước số nhà 549 Nguyễn Văn Cừ, trước cửa chợ Long Biên, đối diện Bến xe Mỹ Đình…

"Quân và dân” cùng truy quét

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội phó Đội Phòng ngừa và đấu tranh trên tuyến và địa bàn (PC45 – Công an Hà Nội) cho biết: “Để phòng ngừa tình trạng trộm cắp, chúng tôi đã lắp đặt camera ở các điểm trung chuyển để theo dõi, ghi lại hình ảnh, lấy chứng cớ để truy xét, đấu tranh. Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng (0977778189) tại 1.000 điểm dừng đỗ xe buýt để nhận thông tin từ bà con”.

Được biết, Đội Phòng ngừa và Đấu tranh trên tuyến và địa bàn đã bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, vây bắt trực tiếp nhằm truy quét các ổ nhóm lưu manh hoạt động tại các “điểm nóng”. Ngoài ra, đội còn vận động nhân dân phối hợp với công an địa bàn để phát hiện và bắt giữ các đối tượng này. Trung tá Lê Kim Đồng chia sẻ: “Trong đợt cao điểm truy quét tội phạm lần này, chúng tôi đã truy quét 12 lần, bắt quả tang 4 vụ (5 đối tượng), xử phạt hành chính, răn đe 20 đối tượng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tình trạng trộm cắp ở các bến xe buýt, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân”.

Không chỉ có vậy, những lái xe buýt cũng lựa chọn cách ứng xử trong tình huống phát hiện có hành khách bị móc túi trên xe. Nhiều bác tài đã nhanh chóng đóng cửa điện, yêu cầu hành khách cho phép kiểm tra nhằm làm lộ mặt kẻ gian. Trên một số tuyến xe buýt, lái xe và phụ xe đều để ý quan sát và có thể nhớ mặt các đối tượng lưu manh, phát hiện dấu hiệu móc túi, rạch túi để cảnh báo hành khách. Tại các điểm đỗ dừng đầu bến và cuối bến thường ít xảy ra nạn trộm cắp, móc túi vì lực lượng bảo vệ an ninh tại hai điểm này tỏa ra khá dày, lại đã quá quen mặt chúng. Tuy nhiên, các lái xe, phụ xe khi được hỏi đều khuyến cáo hành khách: Hãy nhớ số điện thoại đường dây nóng để nhận được sự giúp đỡ cần thiết 0977778189. Bản thân cánh lái xe buýt cũng phải thuộc nằm lòng dãy số này, để kịp thời thông tin về các vụ trộm cắp, móc túi trên xe hay điểm dừng đỗ.

Phú Duy