Bát cơm Phiếu Mẫu thời nay

06:39 | 28/07/2014

2,568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện xưa có bát cơm Phiếu Mẫu cứu người đói khát, nay với những người có hoàn cảnh khó khăn, những phận đời cơ nhỡ, một phần cơm trưa mua ngoài ở TP HCM là quá cao so với thu nhập của họ. Do đó, sự xuất hiện của những phần cơm trưa 2.000 đồng ở các quán cơm xã hội tại TP HCM hiện nay là sự giúp ích rất lớn trong cuộc sống của họ, miếng khi đói bằng gói khi no.

Năng lượng Mới số 341

Cơm 2.000 đồng, tại sao?

Với vẻ ngoài đơn sơ, giản dị, quán cơm xã hội là địa điểm quen thuộc của nhiều người vào mỗi buổi trưa tại TP HCM. Nếu có dịp đi ngang qua, ta sẽ thấy hàng người đang nối đuôi nhau chờ đến phiên mình mua cơm. Có nơi dòng người còn tràn xuống cả lòng đường vì không đủ chỗ đứng. Cả trăm người đứng xếp hàng ngay ngắn, trật tự là một điều gây ấn tượng với bất cứ ai đến quán lần đầu.

Với những biển chỉ dẫn dán trên tường, hàng người lần lượt đi vào trong, đưa phiếu cơm và theo hướng dẫn của các tình nguyện viên để tìm chỗ ngồi. Ăn xong, họ tự dọn khay theo đúng quy định của quán. Không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật... Những ai đã may mắn mua được cơm đều tranh thủ ăn nhanh để nhường chỗ cho người khác vào. Vì vậy, tầm 11 giờ đến 12 giờ 30 là khoảng thời gian khẩn trương nhất của quán. Những tình nguyện viên của quán cơm xã hội tại số 14/1 Ngô Quyền, quận 10 cho biết, mỗi ngày trung bình quán phục vụ từ 500 đến 600 suất cơm. Các  tình nguyện viên được chia làm nhiều nhóm khác nhau: nhóm đứng ở quầy phân chia thức ăn vào khay, nhóm thay phiên nhau tiếp thêm cơm hay nước mắm, nhóm rửa khay chén...

Bát cơm Phiếu Mẫu thời nay

Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dùng bữa trưa với những người lao động nghèo

Một phần cơm bao gồm một món mặn, món canh, món xào và món tráng miệng. Cô Yến đến từ Quảng Ngãi vừa múc thêm cơm vào khay vừa nói: “Bữa nào ăn ngon miệng là cô ăn thêm cơm, ở ngoài mua một phần cũng đã mấy chục ngàn chứ ít gì, chưa kể mua thêm cơm còn bị tính tiền nữa”. Với những người lao động vất vả, cả ngày thường xuyên phải làm việc ngoài trời, một bữa trưa no đủ sẽ giúp họ lấy lại sức lực để làm việc vào buổi chiều.

Thành viên Mai Anh của Quỹ “Người tôi cưu mang” là người đã đề xướng nên ý tưởng bán cơm với mức giá thấp nhất cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh bất hạnh, éo le. Việc cho cơm từ thiện đã có từ lâu, nhưng việc bán cơm với mức giá thấp nhất nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội nói chung và bản thân những người khó khăn về giá trị lòng tự trọng của chính họ. 2.000 đồng không nhiều nhưng đủ để cho họ giữ lại danh dự của mình.

Những mảnh đời cơ cực

Dù đến 11 giờ trưa, quán mới bắt đầu bán phiếu nhưng từ 10 giờ 30 đã có nhiều người đứng trước quán chờ đợi. Một cụ ông với chiếc áo sơ mi sờn vai, tay cắp chiếc áo mưa nhựa trong, mắt không ngừng nhìn về phía quán là một trong những người đến sớm nhất. Ông cho biết đã ngoài tám mươi, cả đời làm thợ tiện vất vả nuôi con nhưng giờ đứa nào cũng nghèo nên ông qua quán ăn cơm cho đỡ phiền con cái. Hay như anh H đến từ Bến Tre, lên thành phố kiếm việc làm rồi sa ngã. Từng ngày, phần cơm 2.000 đã giúp H nuôi dưỡng ước mơ dù chẳng biết đến bao giờ thành sự thật.

Có những thân phận, hình ảnh khiến tình nguyện viên làm trong những quán cơm xã hội nhớ mãi. Chị Vân, kế toán của quán cơm Nụ Cười 1 tại số 6 Cống Quỳnh, quận 1 chỉ cho tôi hai cậu bé cầm xấp vé số đang xếp hàng rồi nói: “Hai anh em bán vé số gần đây, trưa nào cũng ghé ăn cơm. Nhìn thấy thương, coi vậy chứ ngoan lắm”. Khi ăn xong, hai cậu bé quay lại lễ phép chào chúng tôi. Chị Vân còn ân cần hỏi thăm chuyện bán vé số bị bắt nạt hôm trước của đứa em trai. Hoặc câu chuyện về một đôi vợ chồng ngoài chín mươi tuổi hằng ngày cọc cạch chiếc xe đạp cũ đến quán, vì quán không có chỗ gửi xe nên cụ bà ngồi bên ngoài giữ xe, còn cụ ông mua phiếu vào trong ăn rồi xin cơm vào cà mèn xách về cho vợ, khiến mọi người xúc động nhìn theo.

Quán cơm 2.000 còn là nơi mà nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tìm đến. Oanh đến từ Ninh Thuận, là sinh viên năm 2 Ðại học Y Dược TP HCM chia sẻ: “Mình thường ăn ở đây, cơm ngon giá rẻ mà mấy bạn làm việc cũng nhiệt tình nữa”. Oanh cho biết, tiền tháng gia đình gửi lên không đủ nên phải vừa học vừa làm thêm để phụ cha mẹ. Vì vậy, phần cơm 2.000 đồng giúp Oanh rất nhiều trong việc tiết kiệm tiền học tập trong những năm sắp tới. Dân là sinh viên năm 3 Trường ÐH Bách khoa TP HCM cho hay đã từng ăn cơm ở đây. Sau này nhận được sự giúp đỡ của chú Ánh - chủ quán cơm, bạn cùng bốn sinh viên khác trọ lại tại quán để trực quản lý và làm tình nguyện viên từ đó đến nay.

Bức tranh ấm áp tình người

Ðến với quán cơm xã hội, mọi người đều được xem trọng như nhau. Tất cả những người đến ăn cơm tại đây họ xuất thân từ thành phần xã hội khác nhau, dù là bán vé số, chạy xe ba gác, đánh giày, bán ve chai; thậm chí là giang hồ nghiện hút nhưng họ đều được các tình nguyện viên đối xử rất tôn trọng. “Phương châm đề ra ở đây là, dù họ như thế nào thì cũng không được phán xét hay kỳ thị. Dù mình không thể làm cuộc đời họ thay đổi hoàn toàn nhưng chỉ cần một ngày, một phút họ làm việc có ích cho xã hội cũng là đã thành công rồi”, chú Ánh chia sẻ.

Có những người đến quán cơm lần đầu tiên, họ rất xúc động nắm lấy tay chủ quán cảm ơn không ngừng. Với những người đến thường xuyên, các bạn tình nguyện viên đều ân cần hỏi thăm sức khỏe và công việc của họ. Một cụ bà người Hoa tuổi đã cao nhưng vẫn hớn hở kể chuyện nhà mới xây thêm cái gác, chuyện con cái cụ làm ăn ra sao. Ðây như một nơi thân quen để mọi người gạt qua tất cả sự khác biệt về thân phận để cùng nhau ăn chung một bàn, hỏi chuyện nhau sau một buổi sáng làm việc vất vả.

Những sinh viên làm tình nguyện tại quán cũng thân mật gọi các cô nấu bếp là “má” xưng “con”. Có lẽ đi học xa nhà, một tiếng gọi “má” cũng làm cho họ cảm thấy ấm áp hơn, cho vơi đi nỗi nhớ nhà... Với những cô lớn tuổi làm tình nguyện viên lâu năm như cô Xuân ở quán cơm Nụ Cười 1 cho biết: “Dù đã có tiền lương hưu ổn định và lời đề nghị làm việc lương tháng 6 triệu nhưng cô vẫn muốn làm công tác thiện nguyện ở những quán cơm này”. Niềm vui của cô chính là được nhìn thấy những người buôn gánh bán bưng có được một bữa cơm trưa no đủ, chia sẻ với họ sự vất vả, lo toan về miếng cơm manh áo mỗi ngày.

Sự đóng góp của các mạnh thường quân, của những nhà tài trợ cũng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì mô hình quán cơm 2.000 đồng này. Chú Ánh cho biết, người ủng hộ chưa hẳn phải là người giàu có. Chú chia sẻ câu chuyện về một bác gái đang chăm sóc chồng trong bệnh viện gần quán, sau lần đầu tiên đến quán ăn, cô quyết định ủng hộ thêm chi phí cho quán. Sự chia sẻ đến từ những người không thực sự khá giả, sẵn sàng đóng góp cho những người kém may mắn hơn mình thể hiện giá trị nhân văn vô cùng to lớn.

Theo cô Xuân, tới nay quán cơm Nụ cười đã có chi nhánh trong khu vực TP HCM và một chi nhánh ở Quảng Ngãi. Còn chú Ánh ở quán cơm của quỹ “Người tôi cưu mang” cũng cho biết hiện nay quán đã hoạt động thêm ở Cần Thơ, Ðà Lạt và Ðắk Nông. Ngoài hai đơn vị tiên phong này, nhiều quán cơm của các tổ chức, tập thể khác cũng đã xuất hiện quanh khu vực thành phố như quán cơm xã hội vào các ngày thứ 7 hằng tuần tại đường Hồ Xuân Hương hay của Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh.

Hy vọng trong thời gian sắp tới, mô hình quán cơm 2.000 đồng sẽ được nhân rộng không chỉ trong địa bàn thành phố mà còn trên cả nước, để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ và lan tỏa tình thương giữa người và người trong xã hội còn nhiều bộn bề, vất vả bằng bát cơm Phiếu Mẫu.

Nguyễn Hồng Vy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc