Bảo vệ khẩn cấp tranh Đông Hồ

10:49 | 17/07/2018

1,797 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được xây dựng để đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại được hy vọng giúp hồi sinh dòng tranh dân gian đặc sắc này. 
bao ve khan cap tranh dong hoĐề nghị UNESCO công nhận nghề làm tranh Đông Hồ
bao ve khan cap tranh dong hoLàng tranh Đông Hồ đã chuyển thành làng... vàng mã
bao ve khan cap tranh dong hoVề nơi "Có sông tắm mát có nghề làm tranh"

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có văn bản đồng ý đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương chi tiết hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Thời gian xây dựng hồ sơ kéo dài 3 năm, chia thành 2 giai đoạn. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, đơn vị tư vấn cùng UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế để đánh giá lại giá trị di sản, nhìn nhận thực trạng làng nghề Đông Hồ. Đây được xem là động thái hỗ trợ truyền thông, quảng bá cho làng nghề tranh dân gian Đông Hồ ở trong nước và thế giới. Theo hạn định, tháng 12/2019, hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ được UNESCO xem xét trong phiên họp thường kỳ của tổ chức này.

bao ve khan cap tranh dong ho
Hình ảnh tranh Đông Hồ được sử dụng trong thời trang

Việc đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào hạng mục di sản cần được bảo vệ khẩn cấp được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo thành cú hích để “hồi sinh” dòng tranh dân gian đặc sắc này, dần khôi phục lại một làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng. Bởi đến thời điểm hiện tại, dòng tranh Đông Hồ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một trên chính mảnh đất Bắc Ninh.

Trải qua 400 năm tồn tại, Đông Hồ nổi tiếng với các bức tranh “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”… Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tranh Đông Hồ còn được các tác giả lồng ghép phản ánh những bối cảnh, giai đoạn lịch sử nhất định, nên về sau có cả những bức tranh cổ động phong trào “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “Bảo vệ hòa bình”... Dựa vào nội dung và chủ đề, tranh Đông Hồ bao gồm 7 loại chính: Tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật, tranh đời sống sinh hoạt thường ngày. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, làng tranh Đông Hồ đang dần biến thành… làng nghề vàng mã.

Theo các tư liệu cũ, nghề làm tranh dân gian đã được hình thành ở Đông Hồ vào thế kỷ XVI. Và cho tới tận năm 1945, có tới 17 dòng họ còn theo đuổi nghề làm tranh truyền thống, với vô số xưởng làm tranh trong làng. Vậy nhưng, ở thời điểm hiện tại, làng Đông Hồ chỉ còn 2 gia đình thật sự giữ được nghề làm tranh. Họ là các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (đã mất vào năm 2017) cùng con cháu.

Trong nhiều năm qua, nhiều dự án tâm huyết đưa tranh hoặc hình ảnh trong tranh Đông Hồ vào đời sống hiện đại bằng cách vẽ lại tranh, thiết kế cho phù hợp rồi in trên những sản phẩm như quà lưu niệm, áo dài, áo yếm, lịch để bàn, túi vải... Sau khi nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, các dự án khảo sát, quy hoạch và khôi phục tranh Đông Hồ được lên kế hoạch với kinh phí gần 60 tỉ đồng. Thế nhưng cho đến nay, những nỗ lực ấy vẫn chưa có nhiều tác động đáng kể.

Bên cạnh đó, làm sao để bảo tồn và phát triển di sản hậu vinh danh cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý văn hóa. Trên thực tế, không phải di sản nào cũng “hưởng lợi” từ sự vinh danh của UNESCO, nếu không có một chiến lược phát triển đúng đắn. Trường hợp của không gian cồng chiêng Tây Nguyên hay ca trù là bài học chưa thể quên đối với các cơ quan văn hóa, bởi sau khi được vinh danh rầm rộ, hai di sản văn hóa phi vật thể này vẫn chưa có được chiến lược bảo tồn và phát triển hợp lý.

Có thể nói, để một di sản được vinh danh không phải chuyện đơn giản, nhưng để lưu giữ, bảo tồn di sản ấy lại là một câu chuyện dài. Chính vì thế, để các di sản tránh tình trạng mai một hay bị tước danh hiệu, việc lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau thông qua giáo dục, tuyên truyền, biểu diễn... cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng. Có như vậy, các di sản văn hóa mới thực sự ăn sâu vào đời sống cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ, tôn vinh.

Dòng tranh Đông Hồ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một trên chính mảnh đất Bắc Ninh. Nhiều năm trở lại đây, làng tranh Đông Hồ chỉ còn 2 gia đình thật sự giữ được nghề làm tranh và đang dần biến thành… làng nghề vàng mã.

K.An