Bảo tồn và phát triển

07:00 | 27/08/2014

548 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó với các quốc gia đang phát triển, đòi hỏi cả hai phía chính quyền và người dân cùng đồng thuận với kế hoạch phát triển và sự hy sinh một phần nào đời sống của di sản phục vụ phát triển.

Năng lượng Mới số 350

Trong thực tế, ở nước ta, để phát triển, không chỉ cộng đồng mà người dân đã phải hy sinh di sản của gia đình, dòng họ. Không thiếu những tấm gương tự nguyện di dời nhà ở, nhà thờ tổ của gia tộc dòng họ để mở đường, xây trường học. Ðã có nơi mời thợ giỏi, kỹ sư tài về di chuyển tam quan hay cả một ngôi chùa về vị trí mới để nhường đất mở đường mới.

Chuyện lâu dần đã thành nền nếp mới tốt đẹp trong cộng đồng.

Những ngày vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để thi công đường sắt nội đô, đường tàu điện ngầm, nhiều cây xanh bị đốn hạ, tượng đài danh nhân bị di dời, cầu đi bộ được tháo dỡ, trạm trung chuyển xe buýt được nhấc đi chỗ khác.

Tại Hà Nội, để thi công nhà ga số 8 (khu vực trước cổng Trường ÐH Giao thông Vận tải) của tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) nhiều cây xanh sẽ bị đốn hạ. Ban Quản lý đã bàn với Sở Xây dựng về việc đốn hạ hơn 30 cây xà cừ từ dốc Voi Phục đến khách sạn Daewoo trên Kim Mã, quận Ba Ðình với sự  xem xét, cân nhắc rất kỹ.

Bảo tồn và phát triển

Ngoài việc chặt cây xanh, khi thi công nhà ga số 8, trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy cũng bị di dời để lấy mặt bằng. Theo đó, trạm sẽ dịch chuyển sang hai phía sát ÐH Giao thông Vận tải và vườn thú Hà Nội để duy trì việc đón trả 50.000 khách cho 15 tuyến xe mỗi ngày.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, nhiều cây cổ thụ giữa trung tâm bị đốn hạ để chuẩn bị cho việc khởi công nhà ga ngầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Tượng danh nhân Trần Nguyên Hãn cũng được di dời. Do không có sự chuẩn bị tâm lý cho người dân  khiến nhiều người không kiềm chế được cảm xúc của mình khi bị mất hàng cây quen thuộc. Có người chất vấn sao không bứng nguyên cây để phủ xanh khu vực khác trong thành phố. Còn nhớ báo chí từng đưa tin lâm tặc vào rừng tìm kiếm cây cảnh cổ thụ bứng về bán cho các đại gia trồng trong dinh thự. Không lẽ cả một công ty công viên cây xanh lại thua tài lâm tặc?

Ở Hà Nội từng có chuyện người ta đầu độc cây cổ thụ trước cửa nhà mình bằng dầu cặn, axít để tốt cho phong thủy. Có chuyện cơ quan Nhà nước cũng hạ độc với cây xanh để mở lối vào cơ quan. Nhưng may thay, tuyệt đại bộ phận cư dân đều quý mến những hàng cây trong phố. Tuy nhiên, với cây xà cừ, do lịch sử để lại đang là mối bận tâm “để thì thương, vương thì tội” bởi loại cây này có bộ rễ ăn nông, gặp gió lốc, bão lớn thường đổ ụp xuống mặt đường thành phố, gây tai nạn hoặc cản trở giao thông, không nên trồng trên hè đường đô thị. Cũng giống như hoa sữa, vào bài hát thì hay đấy và nếu phố Nguyễn Du đốn đi thì sinh chuyện. Nhưng cả một dãy phố hoa sữa thì “thảm họa hoắc hương” gây dị ứng, khiến đã có đô thị trẻ phải nói không với cây hoa sữa.

Tuy nhiên, dù có luyến tiếc khi mất những hàng cây cổ thụ nhưng người ta cũng đồng tình với mục đích đốn cây để xây dựng đường tàu điện ngầm. Chắc chắn đây là dự án lớn mang lại nhiều thuận tiện về giao thông cho người dân, giúp TP HCM theo kịp sự tiến bộ của các nước trong khu vực. Vì vậy, người dân sẵn sàng “hy sinh” để hướng đến tương lai. Không chỉ người Sài Gòn tỏ ý tiếc nuối những hàng cây cổ thụ mà cả những người nước ngoài như ông  Murayama Yasufumi, nhà nhiếp ảnh người Nhật đã tới Việt Nam hàng chục lần cho biết, ông cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì sắp tới hàng cây nơi đây biến mất. Ông không quên ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của hàng cây trước khi về nước.

Người dân liên tưởng việc thi công hầm Thủ Thiêm, khi ấy cả con rạch Bến Nghé cũng bị lấp và khu Tôn Ðức Thắng - Chương Dương bị san phá. Bây giờ dự án đó xong rồi, các khu đó đẹp hơn. Trong một lần trả lời báo chí, TS Nguyễn Thị Hậu - một chuyên gia khảo cổ cho rằng, phát triển đô thị là quy luật tất yếu nhưng cần hướng đến cộng đồng, coi trọng vai trò của cộng đồng, của người dân. Trước khi tiến hành dự án này, các cơ quan quản lý cần thông báo rõ ràng, rành mạch đến người dân chứ đừng nên để hôm nay thông báo, mai làm luôn. Ðiều này cũng chính là thực hiện Luật Bảo tồn văn hóa di sản.

Các chuyên gia đánh giá cao việc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển khu đô thị Cần Giờ TP HCM hoặc bảo tồn khu nhà cổ ở Chợ Lớn… và nhất là đô thị cổ Hội An khi chính quyền đã lắng nghe giới khoa học hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến bảo tồn văn hóa ở đây.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, Hội An đã bảo tồn không gian sống của cộng đồng để phát triển theo cách riêng của Hội An. Hội An là đô thị duy nhất ở Việt Nam mà người dân tự nguyện không cải tạo nhà theo hướng bê tông hóa rồi đồng ý đi xe đạp, không dùng ôtô, xe máy đi lại trong nội đô để bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

 Thọ Vinh