Bão số 8 quét dọc ven biển miền Trung, các địa phương chủ động ứng phó

07:37 | 27/10/2012

749 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 8 di chuyển nhanh, cường độ mạnh càn quét dọc bở biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Hiện các địa phương đang tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhắt nhằm hạn chế tối đa các tác hại do bão gây ra.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1763/CĐ-TTg về việc ứng phó với cơn bão số 8 năm 2012 (bão Sơn Tinh). Công điện yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, rà soát, kiểm tra công trình đê điều, hồ đập, công trình thi công dang dở, chủ động bố trí vật tư dự trữ, lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra; chủ động tiêu nước đệm, triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất vụ Đông, chống ngập úng tại các thành phố khi xảy ra mưa lớn.

UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục chỉ đạo kiểm đếm, nắm chắc số lượng, thông tin về tàu thuyền đang hoạt động trên biển (kể cả tàu thuyền đang di chuyển vào bờ để tránh trú), hướng dẫn di chuyển để không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyển về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh, trú bão trước khi bão đổ bộ vào. Các tỉnh từ Thái Bình đến Thừa Thiên - Huế căn cứ diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể ở địa phương để quyết định: Cấm tàu thuyền ra khơi; chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, cắt tỉa cành cây; sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm (vùng thấp, trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét); kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, trên các lồng, bè, chòi canh, nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào; tổ chức lực lượng canh gác, đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp với lực lượng của địa phương, thực hiện việc sơ tán dân khi có yêu cầu; cùng địa phương triển khai các biện pháp cần thiết phòng, chống bão, mưa lũ.

Đường đi của bão số 8.

Các địa phương chủ động ứng phó

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang tích cực chuẩn bị điều kiện tốt nhât nhằm hạn chế tối đã tác hại do bão gây ra.

Tại Nghệ An: chiều 26/10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An và các ban ngành đã có cuộc họp khẩn triển khai công tác nhằm đối phó với cơn bão số 8. Theo báo cáo có 657 phương tiện với 3.984 lao động đang hoạt động trên biển.

Theo đó, các đơn vị, địa phương cần triển khai các phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập; khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi vào nơi trú đậu an toàn. Cùng đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, có phương án sơ tán và bảo vệ an toàn cho người và tài sản.

Kiểm tra và bổ sung dự phòng lương thực, thuốc men, thuốc xử lý nước sinh hoạt ở vùng có thể bị chia cắt bởi bão, lũ. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, vận động nhân dân thu hoạch kịp thời các trà lúa và hoa màu vụ mùa. Đối với diện tích nuôi tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần thu hoạch khẩn trương tránh thiệt hại.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 26/10, có 657 phương tiện với 3.984 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 600 phương tiện với 3.786 lao động đánh bắt khu vực ven biển; 54 phương tiện với 198 lao động đang đánh bắt ở Vùng đánh cá trong và ngoài tỉnh. Tất cả các phương tiện đều liên lạc được, đã được cung cấp đầy đủ thông tin về cơn bão số 8 và đang trên đường tìm nơi trú, tránh bão.

Tổng diện tích lúa mùa chưa gặt là 15.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng trung du và miền núi; Ngô vụ Đông 24.000ha; Lạc 1.200ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu; Rau màu: 10.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Các tàu thuyền được đưa vào nơi tránh bão

Tại Quảng Bình: ngay từ chiều 25/10, UBND đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh các phòng ban liên quan khẩn trương triển khai các phương án nhằm chủ động đối phó với bão.

Tính đến 16h ngày 26/10, đã có 3.488 tàu và 13.766 ngư dân vào tránh trú bão an toàn ở các khu neo đậu như: Ròon, cảng Gianh, Cảng Nhật Lệ và các khu neo đậu khác của các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 493 tàu/3.376 ngư dân đang hoạt động trên biển và đang tìm nơi tránh trú bão ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.  

Tại Thừa Thiên Huế : Chiều 26/10, UBND tỉnh tổ chức họp khẩn với ban ngành, đơn vị trên địa bàn. Ngay sau khi có chỉ đạo kêu gọi tàu thuyền, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương ven biển liên lạc kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn; tổ chức sắp xếp neo đậu an toàn, cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan. Tính đến chiều 26/10, Thừa Thiên Huế đã kêu gọi 239 phương tiện với 1.409 lao động về neo đậu an toàn, không còn phương tiện nào đánh bắt cá trên biển.

Tỉnh đã lên kế hoạch di dời 11.501 hộ với 40.9594 khẩu vùng biển, ven đầm phá. Hiện tại các địa phương đã chuẩn bị các phương án di dời cụ thể, tùy vào tình hình và sẽ hoàn thành trước 14 giờ ngày 27/10.

Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, các huyện, thị xã, thành phố Huế cũng đã dự trữ hàng hóa thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao yêu cầu tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu tránh, trú bão an toàn; chuẩn bị phương án bảo vệ người và tài sản của Nhà nước và nhân dân; chú ý cảnh báo, di dời dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vùng núi...

Tại Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương, đơn vị chủ động ứng phó bão số 8. Công điện yêu cầu Bộ chỉ huy Biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thực hiện bắn pháo hiệu báo bão, giữ liên lạc với tàu thuyền ngư dân còn lại ngoài khơi; thường xuyên thông báo tình hình bão, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm.

Các địa phương thường xuyên thông báo tình hình bão số 8 cho người dân biết để chủ động phòng tránh; rà soát sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm, vùng trũng thấp; tổ chức chằng chống nhà cửa; dự trữ lương thực từ 7-10 ngày, kiểm tra công tác dự trữ lương thực tại các địa phương dễ bị cô lập. Đồng thời, duy trì các đội xung kích túc trực nơi xung yếu; nghiêm cấm đò, bè tự tạo không đảm bảo an toàn lưu thông trên sông suối; cấm người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường đê.

Nhiều tàu cá đã vào nơi tránh trú bão an toàn.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc công trình, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi diễn biến chặt chẽ lượng mưa, mực nước ở các hồ chứa, thực hiện việc điều tiết xã lũ theo quy trình vận hành. 

Tại Đà Nẵng: Để chủ động đối phó với cơn bão số 8, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cũng có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đã về neo đậu và còn trên biển. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ và giữ vững thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và lực lượng Cảnh sát đường thủy tổ chức di chuyển toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào neo đậu an toàn trong vịnh Mân Quang và Âu thuyền Thọ Quang. Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang triển khai phương án sắp xếp tàu thuyền vào phòng tránh bão trong Âu thuyền Thọ Quang. 

Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng nhất là các công trình xây dựng trên cao, các tháp cẩu, nhà cao tầng, các công trình xây dựng trên sông như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương...

Nhóm PV