“Bảo mẫu đạp chết bé trai 18 tháng tuổi bị… tâm thần”

22:04 | 30/05/2014

1,727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Vũ Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo giẫm đạp chết bé trai 18 tháng tuổi đưa ra lập luận: “Bị cáo Nhờ bị di truyền chứng bệnh tâm thần trực hệ từ người cha”.

Giữ trẻ bằng kinh nghiệm nuôi con mình!

Sáng 30/5, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hồ Ngọc Nhờ về hành vi “Giết người” thuộc trường hợp giết trẻ em. Ngay từ sớm, mẹ bị cáo Nhờ và người thân đã có mặt tại tòa để tham gia dự khán. Trên gương mặt người thân Nhờ mang nặng ánh mắt lo âu và sự mệt mỏi sau một hành trình dài từ Cần Thơ về TP HCM. Bị cáo được dẫn giải ra phòng xử trong trang phục áo trắng, quần đen và tóc buộc cao.

Đúng 8h30, phiên tòa được bắt đầu với phần thẩm tra lý lịch bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bị cáo Nhờ sống chung với anh Phan Thanh Sơn từ năm vừa bước qua tuổi 15. Nhờ gặp Sơn rồi yêu nhau và cứ thế nên nghĩa vợ chồng. Giữa 2 người không đăng ký kết hôn và có với nhau một con trai trạc tuổi cháu Đỗ Nhất Long (SN 2012, nạn nhân của bị cáo).

Bị cáo Hồ Ngọc Nhờ.

Bị cáo kể lại tội ác của mình dẫn đến cái chết thương tâm cho cháu Long khiến nhiều người không khỏi căm phẫn. Vị chủ tọa đặt câu hỏi: “Ở tòa bị cáo chỉ khai những chi tiết nhỏ, không đầy đủ như tại cơ quan điều tra, đúng không”. Nhờ thừa nhận: “Dạ đúng”.

Nói trong tiếng nấc, Nhờ khai chỉ mới “hành nghề” giữ trẻ vài tháng và không qua đào tạo của bất kỳ trường lớp nào. Bị cáo chỉ giữ trẻ bằng kinh nghiệm nuôi con nên… biết cách. Ở nhiều trường mẫu giáo, các bé trên 36 tháng tuổi mới được nhận vào học. Nhờ nhận cháu Long để giữ trẻ khi chỉ 18 tháng tuổi. Nhờ nghĩ giữ vài đứa trẻ ở nhà nên cũng không phải xin phép chính quyền địa phương.

Chủ tọa Hà đặt câu hỏi: “Ngày giữ cháu Long, bị cáo cho cháu ăn gì?”. Nhờ bật thành từng tiếng một: “Bị cáo cho ăn cơm, cá, phở, cà”. Câu trả lời của Nhờ trước tòa khiến vị chủ tọa phải thốt lên: “Sao bị cáo cho ăn tùm lum thế?”.

Cháu Long ăn xong được một chốc rồi ngồi khóc âm ỉ. Nhờ la mắng làm cho cháu Long càng khóc to hơn. Bị cáo chạy đến cháu bé, tay phải cầm chân phải và tay trái cầm tay phải rồi đưa lên cao khỏi mặt đất. Nhờ nhấc cháu bé lên cao hơn và làm cho đứa bé rơi xuống mặt đất.

Bị cáo cúi gập người xin lỗi gia đình bị hại trong phiên tòa khi được nói lời sau cùng.

Chủ tọa Nguyễn Văn Hà chất vấn: “Bị cáo thấy cháu Long khóc thì phải nghĩ ngay đến triệu chứng gì đó, bị cáo không qua trường lớp, không hiểu về tâm lý của trẻ mà còn đi giữ trẻ à?”. Nhờ không trả lời và nấc lên từng hồi. Vị chủ tọa tiếp lời: “Lỡ nếu cháu Long ăn thức ăn của bị cáo đau bụng rồi làm sao, bị cáo có biết không?”. Nhờ lại đưa tay quẹt lấy hai hàng nước mắt.

Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo có con, thương con, không đánh con. Vậy bị cáo có thấy tàn nhẫn với cháu Long không?”. Nhờ đáp: “Bị cáo không biết!”. Chủ tọa Hà phân tích: “Bị cáo làm rơi cháu Long, không chạy lại xem cháu Long như thế nào mà còn chạy đến đạp vào người cháu. Bị cáo không thương trẻ. Bị cáo đi hết từ sai phạm này đến sai phạm khác”.

Luật sư: "Bị cáo bị di truyền chứng bệnh tâm thần trực hệ từ cha"

Đại diện Viện Kiểm sát đã đặt những câu hỏi để làm sáng tỏ ngày - tháng - năm sinh của bị cáo. Nhờ chỉ biết có một tên gọi khác là Hồ Thị Thủy Tiên, sinh năm 1991. Bị cáo khai với HĐXX dùng tên giả, giấy tờ giả để được đi làm sớm do nếu khai năm sinh thật sẽ không nơi nào nhận. Nhờ không thể nhớ ngày chung sống với chồng từ lúc nào.

Khi đại diện Viện Kiểm sát hỏi: “Tại phiên tòa ngày hôm nay, có chồng bị cáo không?”. Nhờ quay đầu và đưa mắt xuống những hàng ghế phía sau để quan sát”. Không cần bị cáo trả lời, anh Sơn (chồng bị cáo) lên tiếng: “Dạ có”. Người đàn ông bước ra từ phía sau đứng trước tòa nhìn vợ.

Trông thấy chồng, Nhờ lại nấc lên thành tiếng. Anh Sơn khẳng định với HĐXX chỉ biết tuổi vợ thông qua CMND của bị cáo sinh năm 1991. Sau này chung sống với nhau, bị cáo có đưa sổ hộ khẩu và thấy ghi Nhờ sinh năm 1995.

Bị cáo Hồ Ngọc Nhờ nghe HĐXX tuyên án.

Luật sư Vũ Anh Tuấn, văn phòng luật sư Đoàn Nguyễn đưa ra một số dẫn chứng bị cáo bị di truyền chứng bệnh tâm thần trực hệ từ người cha. Trước năm 1975, ông Hồ Văn Hai (cha bị cáo) được xác nhận bệnh tâm thần nên miễn quân dịch trong quân đội chính quyền Sài Gòn.

Sau đó, ông Hai lập gia đình và sinh sống tại Cần Thơ. Người dân địa phương đều khẳng định cha Nhờ bị tâm thần và gọi bằng biệt danh Hai “khùng”.

Luật sư Tuấn viện dẫn thêm nguyên nhân, cháu Long bị té từ trên gác xuống nhưng chưa bình phục hoàn toàn, cơ thể còn nhiều chỗ đau nhức. Cháu bé còn nhỏ, không nói được cho cha mẹ biết còn mệt mỏi hay đau nhức chỗ nào.

Buổi sáng nhận giữ cháu Long, bị cáo thấy cháu cứ khóc nên có hành động hăm dọa để sợ mà nín. Cháu Long càng khóc nhiều hơn nữa nên bị cáo không kiểm soát được hành vi của bản thân.  

Nhờ bị dẫn giải về nhà giam.

Đại diện Viện Kiểm sát đã bác bỏ phần bào chữa của luật sư Tuấn và lập luận, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Long là tức thời. Thời điểm xảy ra vụ cháu Long té từ trên gác cao xuống diễn ra cách ngày bị cáo gây án 2 tháng. Trong suốt thời gian điều tra, bị cáo Nhờ luôn có biểu hiện bình thường và không có dấu hiệu tâm thần.   

Nói lời sau cùng, bị cáo quay về phía cha mẹ cháu Long, cúi gập người để xin lỗi gia đình bị hại và mong được HĐXX giảm nhẹ hình phạt để về với gia đình, chăm sóc con nhỏ. Nhờ chỉ kịp đưa ánh mắt nhạt nhòa nhìn người nhân. 

Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt Hồ Ngọc Nhờ 18 năm tù về hành vi “Giết người”. Bị cáo phải bồi thường cho gia đình cháu Long 100 triệu đồng tiền chi phí mai táng, thiệt hại tinh thần…

Hưng Long