Bangkok bị "chiếm đóng”

16:00 | 13/01/2014

1,601 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ hơn một tuần nay, phe đối lập Thái Lan liên tục đe dọa sẽ “chiếm đóng Bangkok”. Hôm nay là thời điểm họ triển khai kế hoạch làm tê liệt thủ đô nhằm tạo áp lực buộc Thủ tướng Yingluck từ chức. Qua sự kiện này có thể thấy gì về tình hình chính trị tại Thái Lan hiện nay, cũng như trong thời gian tới?

Người biểu tình chống chính phủ tập họp tại thủ đô Bangkok, ngày 13/1/2014

Hôm qua, người biểu tình của phe đối lập Thái Lan bắt đầu chiếm các giao lộ chính trong trung tâm thủ đô Bangkok trước hoàng hôn, mang theo bao cát, lều, và thực phẩm để chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài. Theo AFP, những người biểu tình chống chính phủ đã đưa trang thiết bị đến tại khu tập trung biểu tình chính ở thủ đô và tỏa đến 7 địa điểm khác khắp Bangkok.

Gần 9h sáng 13/1 (giờ Bangkok), những người biểu tình, do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban lãnh đạo, đã bắt đầu làm tê liệt thủ đô Bangkok bằng những cuộc biểu tình rầm rộ để ngăn chặn ở các xa lộ chính và không cho các văn phòng chính phủ hoạt động. Cuộc “chiếm đóng” thủ đô Bangkok được phe biểu tình dự đoán có thể kéo dài suốt 20 ngày đêm.

Phát biểu trước báo giới ngày hôm qua, Suthep Taugsuban cho biết ông tin tưởng vào thắng lợi nhưng sẵn sàng ngừng các cuộc biểu tình ở Bangkok, nếu có nguy cơ leo thang thành nội chiến. Ông nói: "Nếu biểu tình phát triển thành cuộc nội chiến thì tôi hiển nhiên sẽ trở lui và nói với mọi người rằng họ nên về nhà. Đối với tôi, tính mạng của mọi người là quý giá hơn cả”.

Trước đó, để chuẩn bị đối phó với chiến dịch biểu tình lớn chưa từng có tại Thái Lan kể từ gần một năm trở lại đây, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi các lực lượng an ninh kiềm chế trong khi người biểu tình phản đối chính phủ kéo đến thủ đô. Hiện tại 18.000 binh sĩ và cảnh sát đang được triển khai để bảo vệ các tòa nhà chính phủ và giữ các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa.

Trong một cuộc họp báo hôm qua, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nói rằng Thủ tướng muốn các lực lượng an ninh giữ cho tình hình yên tĩnh trong lúc tìm cách hạn chế tác động của việc này đối với hoạt động kinh doanh và du lịch. Ông nói: “Thủ tướng Yingluck ra lệnh cho tất cả cảnh sát và quân đội kiềm chế tối đa và không sử dụng bất cứ vũ khí nào để đối phó với người biểu tình. Cảnh sát và quân đội sẽ chỉ dùng khiên, dùi cui và làm nhiệm vụ của mình theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Tình hình đã dẫn đến những lo ngại bạo động sẽ tái diễn ở Bangkok như vào năm 2010, đã gây thiệt mạng hơn 90 người và hàng trăm người bị thương trong các vụ bạo động chính trị tệ hại nhất của nước này trong nhiều thập kỷ.

Từ khi các cuộc biểu tình mới bộc phát vào cuối năm ngoái, đã có ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ bạo động liên quan đến biểu tình. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn không cho người biểu tình chiếm các tòa nhà chính phủ.

Các vụ biểu tình mới nhất phát khởi khi Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck thông qua một dự luật ân xá có tác dụng xóa các tội tham nhũng cho nhà cựu lãnh đạo Thaksin Shinawatra hiện đang sống ở hải ngoại. Dự luật sau đó đã bị Thượng viện hủy bỏ, nhưng biểu tình phản đối vẫn tiếp tục.

Trong một nỗ lực nhằm chặn đứng áp lực chính trị, bà Yingluck đã giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử vào ngày 2/2/2014.

Ủy ban Bầu cử của Thái Lan nhiều lần bày tỏ quan ngại về các cuộc bầu cử sắp tới, và cảnh báo rằng tình hình bất ổn và sự thành công của người biểu tình trong việc ngăn chặn các ứng cử viên đăng ký trong 28 quận đe dọa tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Hôm 11/1, Ủy ban Bầu cử đề nghị chính phủ hoãn bầu cử cho đến ngày 4/5. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Niwatthumrong Boonsonpaison nói rằng, chiếu theo luật pháp, trách nhiệm giám sát bầu cử là của Ủy ban Bầu cử, không phải của chính phủ. Ông nói: “Chúng tôi không có sự lựa chọn. Chúng tôi phải làm theo luật, và trong vấn đề bầu cử không phải là nhiệm vụ của chính phủ mà là ủy ban bầu cử có nhiệm vụ chiếu theo luật – vì vậy nếu họ muốn hoãn hay muốn một điều gì đó họ sẽ phải đề xướng”.

Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) của ông Suthep đã bác bỏ thậm chí cả việc hoãn bầu cử, thay vào đó yêu cầu thành lập một hội đồng không qua bầu cử để giám sát các cải cách chính trị trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các kinh tế gia cảnh báo một cuộc phong tỏa kéo dài có thể gây tổn hại cho kinh tế 1,3 tỷ USD với tiêu thụ sút giảm mạnh cùng với những quan ngại về đầu tư và du lịch. Hơn 40 đại sứ quán tại Thái Lan đã đưa ra cảnh báo cho công dân nước họ về mối quan ngại tác động của biểu tình đối với ngoại kiều và người du hành.

Theo giới quan sát, nếu nhìn vào những cuộc biểu tình xuống đường tại Thái Lan hiện nay, nhiều người sẽ cho rằng phe đối lập đang thắng thế. Tuy nhiên, thực tế ngược lại, đây lại là những biểu hiện cho thấy phe đối lập Thái đang chơi những lá bài cuối cùng và dường như nắm chắc phần thua trước Thủ tướng Yingluck. Có thể thấy rằng càng đến gần ngày bầu cử, cuộc đối đầu giữa hai phe càng quyết liệt và không khoan nhượng. Phương thức mới của lực lượng chống đối là làm tê liệt mọi hoạt động ở Bangkok mà họ gọi là “đóng cửa thủ đô”. Chính phủ kiên quyết không nhượng bộ và quyết tâm tiến hành bầu cử vào ngày 2/2 như dự định.

Giới phân tích nhận thấy tình cảnh ngày càng thêm tuyệt vọng của phe chống đối bởi cục diện vẫn có lợi hơn cho chính phủ của bà Yingluck. Trong mọi cuộc bầu cử được tiến hành hiện tại cũng như cả thời gian tới, đảng của bà chắc chắn vẫn chiến thắng và thậm chí có thể thắng đậm. Phe chống chính phủ đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ, không thành công trong việc kích động giới quân sự can thiệp bằng đảo chính hoặc cầm quyền phía sau một chính phủ khác. Từ gần một năm nay, quân đội Thái, từng đã tiến hành 18 vụ đảo chính hay mưu toan đảo chính từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối chấm dứt vào năm 1932, gần như đứng bên lề cuộc xung đột đang diễn ra.

Cả mục tiêu lật đổ chính phủ và kích động quân đội đảo chính của phe đối lập Thái đều thất bại. Và trong khi cũng ý thức được nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tới, nên mục tiêu của người biểu tình Thái bây giờ là ngăn cản bầu cử.

Th.Long

tổng hợp