Bản tin Năng lượng xanh: Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lượng địa nhiệt, thúc đẩy nguồn năng lượng sưởi ấm sạch

16:00 | 15/09/2023

6,718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Sáu (15/9), phát biểu tại một hội nghị năng lượng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh cho biết Trung Quốc sẽ tích cực mở rộng việc sử dụng năng lượng địa nhiệt, trong bối cảnh quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đang tìm cách sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn để sưởi ấm.
Bản tin Năng lượng xanh: Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lượng địa nhiệt, thúc đẩy nguồn năng lượng sưởi ấm sạch

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lượng địa nhiệt, thúc đẩy nguồn năng lượng sưởi ấm sạch

Phó Thủ tướng Trương cho biết Trung Quốc cũng sẽ tăng quy mô của các dự án năng lượng gió và mặt trời, đồng thời thúc đẩy xây dựng nhà máy điện hạt nhân một cách an toàn.

Chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc Sinopec Mã Vĩnh Sinh cho biết Sinopec có kế hoạch bổ sung thêm 75 triệu mét vuông diện tích khai thác năng lượng sưởi ấm địa nhiệt để đạt mục tiêu 160 triệu mét vuông vào cuối năm 2025. Ông Mã Vĩnh Sinh cho biết thêm, Tập đoàn đã có công suất địa nhiệt hơn 85 triệu mét vuông sau 11 năm phát triển.

Chương Kiến Hoa, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, các nguồn năng lượng sạch ở miền bắc Trung Quốc, bao gồm cả năng lượng địa nhiệt, đã góp phần cải thiện chất lượng không khí. Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã đề xuất tăng diện tích năng lượng sưởi ấm-làm mát địa nhiệt lên 50% trong 5 năm kể từ năm 2020 cũng như tăng gấp đôi công suất phát điện địa nhiệt.

Năng lượng hạt nhân được thúc đẩy nhờ các mục tiêu năng lượng xanh mới của châu Âu

Các nhà lập pháp châu Âu đã nhượng bộ trước áp lực từ Pháp, cho phép sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất amoniac và hydro xanh, để thông qua các mục tiêu ràng buộc pháp lý mới nhằm mở rộng phát triển năng lượng tái tạo ở Liên minh châu Âu (EU).

Ngành điện hạt nhân khổng lồ của Pháp, nơi tạo ra hơn 60% điện năng của nước Pháp, rõ ràng là người được hưởng lợi chính từ các khoản trợ cấp do các nhà lập pháp EU đưa ra, như một phần của thỏa thuận nhằm tích cực nâng cao các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo của EU.

Ngoài Pháp, tất cả các nhà sản xuất điện hạt nhân của châu Âu đều có thể được hưởng lợi từ thỏa thuận mới, thỏa thuận cho phép một số cơ sở hạt nhân không phát thải được bỏ qua các quy định liên quan đến sản xuất hydro.

Những người phản đối thỏa thuận với Pháp muốn hạn chế sản xuất hydro xanh ở các cơ sở được cung cấp năng lượng tái tạo mới, nhưng họ là thiểu so với những người ủng hộ thỏa thuận với sự thỏa hiệp, nhằm đảm bảo rằng tất cả các nền kinh tế chính của châu Âu tiếp tục hướng tới các mục tiêu giảm phát thải chung.

Thỏa thuận mới này đã tiếp thêm động năng cho ngành năng lượng hạt nhân.

Nhờ thỏa thuận này, các nhà máy hạt nhân của Pháp có thể sản xuất và tiếp thị hydro mà ngành công nghiệp có thể sử dụng thay thế nhiên liệu hóa thạch, góp phần thực hiện mục tiêu của khu vực là giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng thời tăng cường nguồn cung nhiên liệu sạch.

Với một số nhà máy hạt nhân hiện được coi là đủ điều kiện để sản xuất hydro và amoniac, dự kiến ​​sẽ được sử dụng làm nguồn điện và đầu vào công nghiệp trong những năm tới, các nhà máy hạt nhân bên ngoài nước Pháp có thể sẽ quan tâm đến nỗ lực chung này nhằm tăng quy mô sản xuất hydro sạch.

Sự chấp nhận rõ ràng của EU rằng năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng carbon thấp quan trọng có thể sẽ củng cố thêm sự hỗ trợ cho ngành năng lượng hạt nhân.

Trong những thập kỷ gần đây, lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã mất dần thị phần vào tay năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu, nhưng hiện nay đã chứng kiến ​​sự ủng hộ trở lại của công chúng và ngành công nghiệp trong một năm qua, khi chi phí điện năng của châu Âu tăng cao sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngoài Pháp, một số nước châu Âu dựa vào năng lượng hạt nhân để tạo ra một phần điện năng đáng kể, bao gồm Thụy Điển, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Phần Lan, Bỉ và Bulgaria. Các quốc gia phi hạt nhân cũng đang khám phá tính khả thi của việc phát triển năng lực hạt nhân, trong đó có Ý, quốc gia năm nay đã thông qua đề xuất của Quốc hội nhằm khuyến khích Chính phủ xem xét bổ sung năng lượng hạt nhân vào cơ cấu sản xuất năng lượng của đất nước.

Ngay cả ở Đức, nước đã đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn sót lại vào đầu năm 2023, các thành viên của Chính phủ liên minh gần đây đã kêu gọi dừng việc tháo dỡ các nhà máy hạt nhân, đề phòng trường hợp cần thiết trong các cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.

Công ty Vattenfall được trao thêm một dự án điện gió lớn ngoài khơi nước Đức

Vattenfall đã giành được quyền phát triển dự án điện gió ngoài khơi N-6.6 ngoài khơi bờ Biển Bắc của Đức. Cùng với dự án N-7.2 trên cùng khu vực, hai dự án này dự kiến ​​sẽ tạo ra nguồn điện năng lượng tái tạo tương ứng với nhu cầu tiêu dùng của hơn 1,7 triệu hộ gia đình Đức.

Là một phần của quá trình đấu thầu xây dựng một trang trại gió lớn ngoài khơi đảo Borkum của Đức ở bờ Biển Bắc nước Đức, Vattenfall đã thông báo cho chính quyền Đức rằng họ đang thực hiện quyền tham gia dự án và quyền phát triển và xây dựng trang trại gió.

Dự án, còn được gọi là “Nordlicht II”, sẽ được phát triển hoàn chỉnh với công suất 630 MW. Tháng 9/2022, Vattenfall thực hiện quyền tiếp cận một dự án khác nằm trong cùng khu vực, N-7.2 hay “Nordlicht I”. Với tổng công suất lắp đặt là 1.610 GW, hai dự án có thể sản xuất đủ điện tương ứng với nhu cầu tiêu dùng hàng năm của hơn 1,7 triệu hộ gia đình Đức. Sau quyết định đầu tư cuối cùng của Vattenfall, Nordlicht I có thể được kết nối với lưới điện Đức vào năm 2027 và Nordlicht II vào năm 2028.

Helene Biström, Giám đốc BA Wind tại Vattenfall cho biết những dự án này là những cột mốc quan trọng trên con đường hướng tới tự do hóa thạch, chúng sẽ giúp nước Đức giảm vĩnh viễn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)