Bản tin Năng lượng xanh: Tổng thống Indonesia Joko Widodo khai trương dự án lưu trữ carbon đầu tiên ở Tây Papua

12:30 | 25/11/2023

17,394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Sáu (24/11), Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tham dự lễ khởi động xây dựng dự án thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) ở tỉnh Tây Papua (West Papua) do tập đoàn BP điều hành, dự án lưu trữ carbon đầu tiên của nước này.
Bản tin Năng lượng xanh: Tổng thống Indonesia khai trương dự án lưu trữ carbon đầu tiên ở Tây Papua

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khai trương dự án lưu trữ carbon đầu tiên ở Tây Papua

Hôm thứ Sáu (24/11), Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif cho biết trong một tuyên bố rằng dự án CCUS này có khả năng lưu trữ tới 1,8 gigaton carbon dioxide.

Vào tháng 9, một quan chức của Bộ Năng lượng Indonesia cho biết BP sẽ đầu tư 2,6 tỷ USD vào dự án, dự kiến ​​sẽ có đợt bơm carbon đầu tiên vào năm 2026. Dự án mới này tiếp nối sau khi hoàn thành dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Tangguh Train 3 trị giá 4,83 tỷ USD của BP ở Tây Papua, vừa được hoàn thành vào tháng trước.

Indonesia mong muốn phát triển CCUS và thu hồi và lưu trữ carbon (CCS). Dự án có khả năng lưu trữ carbon ước tính là 8 gigaton trong các bể chứa dầu khí đã cạn kiệt và 400 gigaton trong tầng ngậm nước mặn.

Dữ liệu của Bộ Năng lượng Indonesia cho thấy hiện có 15 dự án CCS và CCUS đang trong các giai đoạn chuẩn bị khác nhau ở nước này với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, bao gồm cả dự án của BP.

Trong cùng chuyến đi tới Tây Papua, Tổng thống Jokowi cũng đã khởi công xây dựng một nhà máy phân bón ở Fakfak, được thiết kế để sản xuất 1,15 triệu tấn phân urê và 825.000 tấn phân bón amoniac. Theo một tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống, khoản đầu tư cho nhà máy ước tính khoảng 30 nghìn tỷ rupiah và việc xây dựng dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2038.

Chính phủ Úc tăng cường chi tiêu để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo mới

Hôm thứ Năm (23/11), Bộ trưởng Năng lượng Úc Chris Bowen cho biết rằng Chính phủ Úc sẽ tăng cường chi tiêu để thực hiện các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời và pin mới nhằm thu hút đầu tư nhằm ổn định lưới điện khi các nhà máy đốt than ngừng hoạt động.

Bộ trưởng Bowen không cho biết rõ Chính phủ Úc dự kiến ​​chi bao nhiêu cho chương trình này, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo công suất mới 32 gigawatt (GW), hoặc khoảng một nửa công suất hiện có của thị trường điện quốc gia.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng mục tiêu của Chính phủ Úc về 82% năng lượng tái tạo vào năm 2030 từ mức khoảng 40% hiện nay do những thách thức trong việc mở rộng mạng lưới truyền tải để xử lý các dự án năng lượng tái tạo mới nằm cách xa các trung tâm nhu cầu.

Bộ trưởng Bowen phát biểu với Đài truyền hình Úc ABC: “Chúng ta đang làm tốt, nhưng chưa đủ tốt, chúng tôi cần phải làm tốt hơn nữa để đạt được mục tiêu đó”. “Chúng ta đang phải cạnh tranh trong một thế giới rất cần vốn, cần các yếu tố trong chuỗi cung ứng, nơi các quốc gia trên thế giới cũng đang đi trên hành trình giống như chúng ta, hướng tới tỷ lệ năng lượng tái tạo rất cao”.

Chương trình này sẽ được thực hiện thông qua các cuộc đấu giá, mở rộng theo kế hoạch mà Chính phủ Úc đã nhất trí với các bang vào tháng 12/2022 nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư ít nhất 10 tỷ đô la Úc vào các dự án năng lượng tái tạo.

Chính phủ Úc có kế hoạch tổ chức đấu thầu công suất và thống nhất doanh thu sàn và trần cho các dự án. Nếu doanh thu thấp hơn mức sàn, Chính phủ sẽ trả phần chênh lệch và nếu vượt mức trần, Chính phủ sẽ chia sẻ lợi nhuận.

Bộ trưởng Bowen nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người nộp thuế nhận được giá trị tốt nhất cho số tiền bỏ ra, và chúng tôi cũng muốn có những giá thầu thực sự sắc bén”.

Hội đồng Năng lượng sạch của Úc, đại diện cho ngành năng lượng tái tạo, cho rằng quyết định của Chính phủ là “một cam kết quan trọng” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khoản đầu tư cần thiết để chuyển đổi hệ thống năng lượng.

Phần Lan đấu giá 5 địa điểm điện gió ngoài khơi

Hôm thứ Năm (23/11), Chính phủ Phần Lan cho biết sẽ tiến hành đấu giá 5 địa điểm điện gió ngoài khơi với tối đa 500 tuabin tại các vùng nước của Phần Lan.

Chính phủ Phần Lan cho biết trong một tuyên bố: “Tổng diện tích bề mặt của 5 địa điểm điện gió ngoài khơi được đưa vào thủ tục đấu giá là khoảng 860 km2 và công suất tối đa được tính toán là khoảng 7.500 MW”.

Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Phần Lan Kai Mykkanen nói với các phóng viên: “Năng lượng gió từ các địa điểm được bán đấu giá dự kiến ​​sẽ làm tăng hơn 1/3 sản lượng điện hàng năm của Phần Lan”.

Công ty quản lý nhà nước Phần Lan phụ trách các vùng đất và nước sẽ thực hiện các cuộc đấu giá và cho các đối tác được chọn thuê các địa điểm nằm trên bờ biển phía Tây của Phần Lan với thời hạn lên tới 50 năm./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)