Bàn giao thanh thản hay vật vã nuối tiếc?
Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Tôi làm theo lương tâm và những gì đã nói trước Quốc hội”
![]() |
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), tôi sẽ chính thức nghỉ hưu vào ngày 1-10-2016. Nhưng sau Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV kết thúc ngày 29-7-2016, ngày 1-8, tôi đến cơ quan, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện cho Cục trưởng Cục Quản trị, sau đó là Đoàn trưởng Đoàn xe Văn phòng QH, tôi nói rằng: “Nhiệm kỳ QH khóa XIII đã hết, QH khóa XIV đã ổn định sau Kỳ họp thứ nhất và đã bổ nhiệm, bầu ra bộ máy tổ chức, nhân sự mới của các ủy ban. Tôi thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ của QH và nhân dân giao phó, nên đề nghị các đồng chí cho tôi được bàn giao lại xe và phòng làm việc để tạo điều kiện cho các đồng chí mới có phương tiện đi lại cùng nơi làm việc”.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản, không hà cớ gì mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó trong nhiệm kỳ
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, quỹ nhà công vụ trong cả nước có khoảng 13.000 căn. Riêng số nhà ở công vụ thuộc Chính phủ khoảng 200 căn, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Ngoài ra, còn số nhà ở công vụ của các địa phương, nhà ở công vụ cho giáo viên, lực lượng vũ trang… Theo Thông tư 01/2014 của Bộ Xây dựng (hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ), từ ngày 6-3-2014, có 5 trường hợp sẽ bị thu hồi nhà ở công vụ: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê; người thuê chuyển công tác đến địa phương khác; người thuê có nhu cầu trả lại nhà; người đang thuê nhà bị chết; người thuê sử dụng nhà sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. |
QH khóa XIII rồi mà lại vẫn còn dùng xe ôtô, rồi ở trong phòng những 2 tháng trời nữa. Bởi, cứ theo lẽ phải thông thường, người có tự trọng đều phải nghĩ: cần đến thêm 2 tháng nữa để làm gì, khi mà nhiệm vụ đã hết.
Tất nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH là ngày 1-10 mới nghỉ, do đó nghiễm nhiên 1-10 mới bàn giao phòng và xe, thế không là chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết hay sao? Thậm chí, trong chuyện này, xưa nay đã có tiền lệ khi một vài đồng chí phân trần: “Tôi vẫn đang còn dang dở công việc…” với nào là dự án, nào là đề tài nghiên cứu khoa học, rồi việc cơ quan… thì ở thêm một thời gian nữa, đã có ai bảo phải trả phòng, trả xe đâu. Mà ở Việt Nam mình thì “duy tình” nhiều hơn “duy lý”, nên các bác dù đã đến lúc nghỉ rồi, nhưng Nhà nước vẫn tạo điều kiện để khi về nghỉ, các bác được thoải mái, vui vẻ thăm thú nơi này, nơi khác.
Tôi thì lại nghĩ khác. Bây giờ mình cứ giữ phòng, giữ xe thêm 2 tháng nữa, những người tiếp quản trong nhiệm kỳ QH khóa XIV đã được bầu, được bổ nhiệm rồi, lấy đâu phòng, lấy đâu xe để làm việc. Tôi chỉ nói riêng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH có 4 đồng chí nghỉ, nhưng có tới 6 đồng chí được bầu bổ sung mới. 6 người mới về, mà chỉ có 4 người nghỉ, dù có trả ngay xe và phòng làm việc thì vẫn thiếu 2 phòng, 2 xe nữa. Vậy, tại sao trong khi Nhà nước mình còn khó khăn, Văn phòng QH còn khó khăn, nếu mua thêm nhiều xe nữa sẽ góp phần dẫn đến nợ công càng nhiều, bội chi ngân sách càng lớn, mình lại không nghĩ đến chuyện tạo điều kiện cho cơ quan quản lý về cơ sở vật chất, hạn chế bớt việc chi tiêu lãng phí ấy. Bởi, ước tính thì, một cán bộ trong diện này, một tháng chỉ tính riêng chi phí tiền trả cho lái xe, cho xăng dầu, khấu hao xe cộ phục vụ việc đi lại, ít cũng là 32 triệu đồng/tháng.
Hơn nữa, những điều tôi đã nói trước diễn đàn QH trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua về phòng chống tham nhũng, về chống lãng phí, tôi đã nói thế nào thì tôi làm đúng như thế chứ không phải nói cho hay mà lại không làm.
Cũng có người nói với tôi rằng: Bác việc gì phải trả sớm, cứ đúng ngày theo quy định mà làm. Đó là suy nghĩ của người khác, bởi trước mỗi hiện tượng của đời sống xã hội mỗi người đều có quyền bình xét, đánh giá một cách khác nhau; còn tôi, tôi làm theo lương tâm và suy nghĩ của chính mình.
Tôi biết, theo thống kê của Cục Công sản, số cán bộ có chức có quyền đã nghỉ rồi nhưng vẫn giữ xe, phòng lên tới hàng trăm người chứ không phải ít. Nếu hàng trăm người đó trả xe và phòng làm việc cho cơ quan, đơn vị mình, thì Nhà nước sẽ có hàng trăm xe tiếp tục phục vụ những cán bộ mới, mà không phải sắm sửa thêm, rồi hàng trăm đơn vị sẽ không phải loay hoay để sắp xếp, để sắm sanh, sửa sang phòng ốc cho các vị lãnh đạo mới.
Trong chuyện này, theo tôi, đã có kẽ hở trong các quy định của cơ quan quản lý. Bởi, khi một người chưa đến tuổi nghỉ hưu kết thúc nhiệm vụ ở nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ mới cũng đã có bộ máy tổ chức mới, nhưng vì sao chúng ta lại vẫn tạo điều kiện cho họ được hưởng mọi quyền lợi cho đến khi họ nhận sổ hưu?
Tôi mong rằng, chính các cơ quan quản lý cần tạo cho được cách tư duy rành mạch, rõ ràng rằng: Ai hết nhiệm vụ thì việc trả lại cho Nhà nước các trang thiết bị phục vụ công tác, phải coi đấy là chuyện bình thường.
Nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Vũ Quốc Hùng: “Hành động của anh Lê Như Tiến là lời nhắc nhở”
![]() |
Cần phải khẳng định, tôi rất trân trọng việc làm trả lại xe và phòng làm việc của anh Lê Như Tiến trước thời hạn nghỉ hưu 2 tháng. Đây có lẽ là một việc làm hết sức thông thường mà mọi công bộc của dân khi về hưu đều nên xử sự như vậy.
Cá nhân tôi đã từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện tương tự về những cán bộ Đảng, Nhà nước. Người đầu tiên, cũng là người có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều từ kinh nghiệm xử lý công việc đến đạo đức tác phong, đó là đồng chí Trần Kiên - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Khi hết nhiệm kỳ, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 7, ông bàn giao ngay phòng làm việc, tài liệu và biệt thự công vụ cho chủ nhiệm mới. Sau đó, ông cùng gia đình, đồ đạc, sách vở… trở về quê hương Quảng Ngãi, sống thanh thản trong ngôi nhà cấp 4 giản dị, tài sản duy nhất ông có được sau thời gian dài làm Bí thư Trung ương Đảng.
Người thứ hai tôi muốn nhắc tới là đồng chí Đỗ Quang Thắng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Khi còn tại chức, ông được chế độ ở tại biệt thự công vụ trên đường Phan Đình Phùng. Ngay khi kết thúc nhiệm kỳ, ông đã bàn giao công việc cũng như căn biệt thự và trở về quê...
Những con người như thế không hiếm lạ gì ở thời cha anh và thời chúng tôi, ngay cả thời điểm hiện tại, cũng có rất nhiều trường hợp như thế. Đối với cá nhân đại biểu QH Lê Như Tiến, anh không có “tư duy nhiệm kỳ”, cũng không có “bình minh” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” và trở về làm một người bình thường với tâm thế thoải mái.
Tôi nghĩ rằng, những cán bộ của Đảng, Nhà nước phải luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân, là những người được nhân dân tin cậy cử ra làm việc thì phải hiểu các quy định như pháp luật, chuẩn mực văn hóa… và cần phải đặt lợi ích chung lên trên hết! Muốn được như vậy, những người cán bộ hiện đang tham gia vào việc lãnh đạo, quản lý phải không ngừng tu dưỡng bản thân.
Người xưa có câu “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình” và “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Là người cán bộ, là công bộc của nhân dân mà không thường xuyên tu thân, trau dồi kiến thức, rèn luyện cách sống… và để bản thân mình quá đắm chìm trong vòng xoáy quyền lực, chức tước… thì đau đớn không khác gì tự đánh mất mình.
Đâu đó, cán bộ, nhân dân vẫn xì xầm chuyện vị cán bộ này, lãnh đạo kia bị phát hiện lem nhem vụ lợi ở cấp thấp lại được quy hoạch ngồi ghế lãnh đạo cao hơn. Riêng vấn đề dùng công quỹ mua, sử dụng xe sang, thậm chí xin được biển số đặc biệt vốn quy định chỉ cấp cho cơ quan Trung ương quan trọng cũng không phải hiếm.
Nguyên nhân của tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay việc cố gắng “bám giữ vị trí” của một bộ phận cán bộ, có lẽ một phần ở lỗ hổng đào tạo cũng như quản lý cán bộ. Khi pháp luật ngày một hoàn thiện, thì đáng buồn thay, lỗ hổng quản lý này dường như lại to thêm. Lỗ hổng này xuất hiện là bởi công tác giáo dục cán bộ chưa được chú ý đúng mức, nhất là trong thời điểm chúng ta bước chân vào cơ chế thị trường, nơi rất nhiều thứ có thể bán - mua.
Các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra rằng, chính sự sơ hở, buông lỏng, thậm chí tiêu cực đã tạo ra “lỗ kim” cho những “con lạc đà” cơ hội, trục lợi, tham vọng địa vị... “lọt” qua, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chúng ta cần chọn những người có lương tâm, trách nhiệm để làm việc cho dân. Muốn được như thế, thì rất cần những người trí cao, tâm sáng đứng ra tuyển chọn người tài để phục vụ cho đất nước. Chúng ta hiện đang chưa làm tốt vấn đề này, nên hệ quả của việc buông lỏng việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ chính là những “lùm xùm” trong công tác cán bộ trong thời gian gần đây.
Vì thế, theo tôi, hành động của đại biểu QH Lê Như Tiến có lẽ chính là “lời nhắc nhở” cho những người đang quá say mê với chức tước của mình, những người đang giữ quan điểm và “tư duy nhiệm kỳ”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nhân rộng những việc làm tốt
![]() |
Việc làm của anh Tiến tưởng như là bình thường nhưng lại là điều đáng phải suy nghĩ, nhìn nhận và trân trọng, để từ đó rút ra một bài học chung. Tức là rõ ràng đối chiếu với tư tưởng chế độ thì mình vẫn còn quyền sử dụng, nhưng lại ảnh hưởng tới việc bố trí phòng làm việc, ôtô cho người mới. Mà trong tình hình chung hiện nay đang thừa rất nhiều xe công, không chỉ thế QH là một trong những cơ quan có tốc độ đổi xe đến chóng mặt. Rõ ràng trong một bức tranh như thế, thì việc làm của anh Tiến rất đáng ca ngợi, như là một tấm gương.
Trước anh Tiến đã từng có việc làm của ông Trần Công Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH tình nguyện hưởng khoán dịch vụ xe công. Hồi đó có những người lên án là chơi ngông, còn những người khác nghĩ là ông tự “đạp đổ” chế độ của mình. Mà số người không ưa những hành động như vậy là không ít, bởi họ có xu hướng lạm quyền, lạm dụng tư tưởng chế độ, thậm chí sắm vượt quá tiêu chuẩn định mức một cách đầy rẫy. Thế nên, nếu chúng ta đang có một bức tranh như vậy thì những hành động như ông Thuận và ông Tiến rất đáng ghi nhận và cần được nhân rộng, cần được chuyển thành “bình thường”.
Ông Tiến là một người tự trọng cao, không muốn vì ông mà cơ quan phải mua sắm thêm, vì đằng nào mình cũng rút lui, vậy thì sớm muộn 2 tháng cũng chẳng phải là gì ghê gớm cả, mình tạo điều kiện cho cơ quan, cho đồng nghiệp và những người khác. Cũng như ông Thuận trước đây cho rằng, việc khoán xe công tới từng cá nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách Nhà nước. Ông còn cho rằng, mở rộng ra, nếu cứ hành xử cho rằng “làm thế là làm khó nhau” thì đó là nhóm lợi ích cấu kết với nhau làm nghèo đất nước này. Theo tôi, ý nghĩa của việc làm này không dừng lại ở việc trả xe và phòng làm việc, mà rộng lớn hơn là hành xử đúng đạo lý, đạo nghĩa và hợp với chuẩn mực của người cán bộ công chức khi đã phục vụ hết nhiệm kỳ của mình. Và ý nghĩa của sự phục vụ đấy không phải mang tính nhiệm kỳ mà để lại một bài học, cú hích cho đội ngũ những cán bộ sau này sẽ hành xử được như vậy. Điều đấy sẽ có lợi cho quốc dân đồng bào, cho nhà nước, lợi cho việc xây dựng kỷ cương.
Chúng ta có quyền kỳ vọng vì hiện nay đội ngũ cán bộ công bộc của dân hành xử tốt hơn, hướng thiện hơn và vì cái chung hơn. Tôi dám chắc rằng việc làm này sẽ không trở thành một hành vi kỳ quái, dị biệt hay phi thường, bởi hiện nay bắt đầu có những cán bộ có trách nhiệm chuyển sang thể thức khoán dịch vụ xe công. Và tôi tin rằng tới đây, nhiều hơn một người sẽ làm được như ông Lê Như Tiến.
Nhà thơ Hoàng Ngọc Liên từng viết: “Khép cánh màn nhung danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”, như là đúc kết về lẽ sống ở đời, nhưng liệu những vị quan tham có chấp nhận lẽ sống đó, hay khăng khăng không chịu “cởi áo, lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường” nên coi chuyện nghỉ hưu là một “Đoạn trường tân thanh - nỗi đau đứt ruột”?! |
Thanh Huyền - Vương Tâm
Năng lượng Mới 549
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025