Bài học từ thể thao Singapore

11:34 | 06/04/2014

1,685 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quả thật, trong khi các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia đều đã 4 lần tổ chức ASIAD từ năm 1962-1978 thì Singapore vẫn thờ ơ với việc mời bạn bè châu Á tới thi thố thể thao đỉnh cao ở đất nước mình. Đảo quốc sư tử cũng từng từ chối cơ hội tổ chức một cuộc đua xe Công thức 1 vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Năng lượng Mới số 310

Các quan chức thể thao Singapore khi đó từng hồ hởi cam kết sẽ làm cho sự kiện thể thao này trở nên “lớn nhất và vĩ đại nhất”, đồng thời vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp của đất nước hậu ASIAD. Thế nhưng, tất cả đã thay đổi sau phát biểu của ông Lý Quang Diệu - Thủ tướng Singapore từ năm 1959-1990 tại lễ khánh thành sân vận động quốc gia trị giá 50 triệu USD ở Kallang năm 1973: “Những chiếc Huy chương Vàng không đem lại lợi ích quốc gia cho các nước nhỏ. Đối với các siêu cường có dân số đông, chiến thắng trong thể thao trở thành công cụ tuyên truyền để thuyết phục mọi người về tính ưu việt của hệ thống chính trị cạnh tranh của họ. Nhưng thật ngu ngốc và lãng phí nếu sao chép mô hình này cho các quốc gia nhỏ bé. Sẽ chẳng có lợi ích nào cho Singapore”.

Với lời tuyên bố mạnh mẽ này, Singapore đã từ bỏ xây dựng giai đoạn 2 công trình tổ hợp Sân vận động quốc gia và ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng nhà ở giá thấp. Vào đầu năm 1974, Ủy ban Olympic Singapore cũng chính thức trả quyền đăng cai ASIAD 1978.

Khu thi đấu dưới nước ở Trường thể thao Singapore

Chính tư duy của người lãnh đạo được coi là cha đẻ của quốc gia Singapore độc lập và phồn vinh đã ảnh hưởng đến các quyết định từ chối tổ chức một số sự kiện thể thao lớn sau đó của đảo quốc sư tử. Quan điểm về thể thao của ông Lý Quang Diệu đã được nhắc lại trong tác phẩm Lý Quang Diệu: Những năm tháng khó khăn: “Đừng tự lừa dối chính mình. Điều mà đất nước chúng ta cần nhất là sức khỏe, sự hăng say, thoải mái và những con người được giáo dục tốt”.

Kế nhiệm Lý Quang Diệu, các nhà lãnh đạo Singapore như Thủ tướng Goh Chok Tong hay Lý Hiển Long (con trai ông Lý Quang Diệu) mặc dù đã quan tâm hơn đến thể thao và hướng đến việc gặt hái các vinh quang trong thể thao song điều này cũng không đồng nghĩa với việc chạy đua theo thành tích chuyên nghiệp mà vẫn chú trọng phát triển thể thao trong cộng đồng, môi trường học đường.

Quyết định quan trọng nhất của cựu Thủ tướng Goh có lẽ là gộp thể thao vào chương trình làm việc Bộ Phát triển Cộng đồng vào năm 2000 và vạch ra một chiến lược phát triển thể thao đi đôi với khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp này.

Năm 2004, Trường thể thao Singapore được thành lập để phát triển tài năng thể thao thông qua một chương trình đào tạo linh hoạt. Chỉ trong 5 năm (2007-2011), chính phủ đã đầu tư 80 triệu USD vào trường này và tiếp tục bơm 20 triệu USD trong năm 2012. Bộ Giáo dục cũng thiết lập một khuôn khổ phát triển tài năng cho thể thao nhằm mục đích phát hiện, bồi dưỡng các tài năng này ngay từ trong trường học, bắt đầu từ năm 2007. Khuôn khổ này bao gồm các chương trình giáo dục thể chất trong các trường tiểu học và trung học. Ngoài ra, các trường còn tổ chức thêm các sự kiện thể thao và tuyển dụng thêm giáo viên chuyên ngành giáo dục thể chất. Kết quả là thành tích thể thao trẻ của Singapore trong những năm vừa qua đạt được rất đáng nể. Tại Thế vận hội trẻ năm 2000, đất nước nhỏ bé này đã giành được 2 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng.

Không chỉ giúp ghi danh đất nước trên bảng thành tích thể thao mà ngành công nghiệp thể thao của Singapore còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội bằng những con số cụ thể.

Từ năm 2008, Bộ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao Vivian Balakrishnan đã tuyên bố cam kết rằng, ngành công nghiệp thể thao sẽ đóng góp 2 tỉ USD trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra 20.000 việc làm vào năm 2015.

Khi Singapore giành được quyền đăng cai giải đua xe Công thức 1 vào năm 2008, theo các số liệu của Tổng cục Du lịch Singapore (STB), ngay trong năm đầu tiên tổ chức, giải Công thức 1 thu hút thêm khoảng 40.000 du khách, giúp lợi nhuận của du lịch Singapore tăng hơn 7% so với năm 2007 nhờ sự xuất hiện của khoảng 2.000 hình thức dịch vụ. Và nhìn chung, ngành công nghiệp thể thao đã đóng góp khoảng 1 tỉ USD vào GDP của năm 2008 nhờ sự kiện này.

So với đua xe Công thức 1, giải WTA Championship của quần vợt nữ thế giới mà Singapore đăng cai tổ chức trong năm nay còn giàu tính đại chúng hơn và lại được đăng cai trong 5 năm (2014-2018) nên hứa hẹn sẽ thúc đẩy du lịch Singapore phát triển hơn nữa.

Bên cạnh đó, với tổng diện tích lên đến 35hécta và được chính phủ đầu tư hơn 1 tỉ USD, Khu liên hiệp thể thao Sport Hub sắp khánh thành trong tháng 7 tới sẽ trở thành một địa điểm du lịch đáng chú ý của Singapore khi có cả trung tâm thương mại rộng hơn 4 hécta. Và ngoài mục đích nâng tầm thể thao chuyên nghiệp, Sport Hub còn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ phong trào thể thao cộng đồng. Mỗi dịp cuối tuần, người dân Singapore sẽ có cơ hội tham gia chương trình tập luyện miễn phí mang tên “Weekend Sports Day-out”.

Linh Linh