Bài học từ quá trình chuyển đổi số của Thái Lan

18:50 | 10/11/2020

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thái Lan được biết đến là hình mẫu chuyển đổi số trong khu vực Đông Nam Á. Với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, kể từ năm 2017, chính quyền nước này đã đề ra kế hoạch 5 năm cho việc chuyển đổi số đối với toàn bộ hệ thống công quyền.
Hình mẫu chuyển đổi số của Thái Lan

Theo đó, Thái Lan đã thực hiện chiến lược phát triển chính phủ điện tử 4.0, nhằm hiện thực hóa các nội dung chính đã được Cục Chính phủ Điện tử (EGA) đưa ra trong Kế hoạch Phát triển chính phủ số.

Với những nỗ lực phát triển các hệ thống dữ liệu nhằm cải thiện khả năng truy cập và tích hợp dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, bao gồm tích hợp dữ liệu giữa các ứng dụng nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn như buôn người, đánh bắt cá bất hợp pháp, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, Thái Lan đã phát triển một hệ thống tập trung nhằm xác minh và xác thực các giao thức kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tích hợp các dữ liệu điều hành của cơ quan chính phủ và người dân, cung cấp nền tảng dữ liệu mở tập trung cho người dân để cung cấp thông tin truy cập hiệu quả thông qua hệ thống phản hồi...

Ngoài ra, Cục Chính phủ Điện tử của Thái Lan cũng chú trọng phát triển các chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức về số hóa cho các nhân viên khu vực công, cho phép các nhân viên giải quyết các vấn đề phức tạp hơn bằng cách phân tích, dự báo và sử dụng dữ liệu lớn. Để hiện thực hóa điều này, Thái Lan đã thành lập Học viện chuyển đổi số để đào tạo kiến thức cho các công chức nhà nước. EGA cũng hướng đến cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng sự hài lòng của người dân.

Được biết, Chính phủ Thái Lan còn có mục tiêu nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây được xem là yếu tố chính đóng góp vào khả năng cạnh tranh của quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa.

Cụ thể, Thái Lan đã tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như các chính sách vốn được xem là gánh nặng, cản trở khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, thông qua các kênh điện tử, bao gồm xây dựng một hệ thống cấp phép kinh doanh được tích hợp, giúp việc đăng ký kinh doanh được dễ dàng hơn; khai báo nhân sự, giấy phép, bảo hiểm; hay đăng ký giấy phép xây dựng… Cung cấp nền tảng dịch vụ một cửa để liên kết dữ liệu cho nhà xuất khẩu và nhập khẩu, nhằm giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp trong thương mại quốc tế, giúp người nông dân nâng cao năng lực tiếp cận, tìm kiếm thị trường.

Trong tương lai, Thái Lan muốn tăng cường khả năng cạnh tranh của không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua hỗ trợ tích hợp và chủ động như tích hợp hệ thống thuế. Từ đó, dữ liệu thuế có thể dễ dàng truy cập và tích hợp trên nền tảng dịch vụ, giúp giảm công việc liên quan đến giấy tờ, chi phí lao động.

Đối với quá chuyển đổi số, các cơ quan trung ương của Thái Lan đóng vai trò là đầu mối chỉ đạo, điều hành các chiến lược chính phủ điện tử và tầm nhìn chuyển đổi số, trong đó Bộ Kinh tế số và EGA là các đơn vị chủ chốt trong các vấn đề tích hợp cơ sở hạ tầng, dữ liệu.

Thực tế, kế hoạch chính phủ điện tử của Thái Lan hiện cũng phải đối mặt với một số thách thức, như thiếu rõ ràng về mặt pháp lý và các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khả năng tương tác, cũng như sự chênh lệch về kỹ năng số giữa khu vực thành thị và nông thôn.

PV

Tổng hợp