TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc và khuyến nghị cho Indonesia và Việt Nam

Bài 2: Tại sao Indonesia và Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm Úc?

08:08 | 21/03/2024

18,450 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo TS Thái Doãn Hoàng Cầu, Việt Nam và Indonesia có thể tham khảo kinh nghiệm Úc để đạt được mục tiêu chính của ngành điện, đặc biệt trong bối cảnh đang xây dựng thị trường điện đồng thời lại phải đối diện nhiều mục tiêu, thách thức mới của chuyển dịch năng lượng bền vững...
Bài 2: Tại sao Indonesia và Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm Úc?
TS Thái Doãn Hoàng Cầu giảng bài tại chương trình Just Energy Transition Program - Australian Awards Fellowship

Thứ nhất, NEM (Thị trường điện quốc gia Úc) là thị trường bán lẻ điện hoàn toàn, tức là ở giai đoạn cuối của cải cách thị trường điện với thị trường bán buôn điện hoàn chỉnh và khách hàng được tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ điện trong thị trường bán lẻ điện. Đây là đích đến cho các nước đang tiến hành cải cách thị trường điện.

NEM có mức độ minh bạch cao trong thiết kế, quản trị, thiết kế lại cũng như tiến trình quản lý các thay đổi. Các kinh nghiệm của Úc được đánh giá là “mở”, có nhiều tài liệu dễ truy cập cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu, nghiên cứu.

Thứ hai, như đã trình bày chi tiết ở trên, NEM có thiết kế chính đơn giản, ít thay đổi và có cơ cấu quản trị độc lập, khá hiệu quả, nên có tính thực dụng và dễ vận dụng hơn cho các nước đi sau.

Lý do thứ ba là, hệ thống điện Úc có nhiều điểm tương đồng với Indonesia và Việt Nam. Về quy mô, cả ba đều có tổng tiêu thụ điện năng trên 200 TWh, trong đó: NEM đạt 208 TWh và Việt Nam đạt 251 TWh vào năm 2023; Indonesia đạt 242 TWh (năm 2021) trên quy mô cả nước, nhưng tổng tiêu thụ của các cụm đảo chính gần nhau là Java-Mandura-Bali và Sumatra chiếm đa số với 213 TWh. Cơ cấu nguồn phát của ba nước đa dạng với điện than chiếm tỷ trọng lớn, có thuỷ điện, điện khí, điện tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối, v.v..). Cả ba nước đều có hệ thống truyền tải dài trên 40.000 km.

Dù điện than chiếm tỷ trọng chính, cả ba nước cam kết đặt mục tiêu bền vững môi trường cao. Úc và Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không trước hoặc vào năm 2050. Indonesia đặt mục tiêu này trước 2060. Cả ba đang hoặc sẽ phải đương đầu với các thử thách về vận hành an ninh trong ngắn hạn và đủ nguồn trong dài hạn của hệ thống điện do sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo và giảm dần điện than. Kinh nghiệm vận hành và thiết kế lại NEM để đáp ứng các mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững sớm và cao hơn của Úc sẽ tạo tiền lệ quý giá cho Việt Nam và Indonesia tham khảo.

Bài 2: Tại sao Indonesia và Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm Úc?

TS Thái Doãn Hoàng Cầu trình bày chuyên đề "Chiến lược chào giá trong thị trường điện" tại Công ty cổ phần xây dựng điện 2 (PECC2).

Tổng quan hiện trạng cải cách thị trường điện Việt Nam

Việt Nam đã có quyết sách cải cách thị trường điện từ sớm. Điều này thể hiện rõ trong Luật Điện lực (các năm 2004, 2012, 2022), Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (năm 2020) và nhiều Quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thiết kế và lộ trình thực hiện thị trường điện (các năm 2013, 2015, 2020).

Việt Nam chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) từ năm 2019 đến nay sau nhiều năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012. Tuy đạt được một số thành tựu: cơ bản đảm bảo an ninh cung cấp điện trong giai đoạn 2012-2022; tăng cường vận hành hệ thống điện, thị trường điện hiệu quả, minh bạch, bình đẳng; tăng dần thu hút đầu tư tư nhân, nước ngoài; và bước đầu phát triển bền vững cơ cấu nguồn điện, cải cách thị trường điện Việt Nam còn nhiều bất cập, thách thức.

VWEM vẫn chưa hoàn chỉnh với mức độ tham gia thực sự vào thị trường điện còn thấp. Việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thuộc Quy hoạch điện chậm tiến độ và không cân đối. Cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành chưa tính đúng, tính đủ, kịp thời theo thay đổi chi phí đầu vào cùng với các thành phần khác. Thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như lộ trình đã được duyệt.

Việt Nam vẫn chưa có thị trường bán buôn điện đúng nghĩa, vẫn chỉ là thị trường cạnh tranh về phát điện, vì các đơn vị mua buôn điện để cung cấp dịch vụ bán lẻ điện vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn chủ yếu độc quyền trong mua buôn và bán lẻ điện.

Theo thiết kế VWEM hoàn chỉnh được phê duyệt năm 2015, ngành điện cần thực hiện chào giá tự do hơn, cơ chế định giá biên theo miền cho thị trường giao ngay, quyền truyền tải tài chính (FTR), thị trường dịch vụ phụ trợ cho điều khiển tần số đồng tối ưu với thị trường giao ngay. Thị trường bán buôn cần phát triển mạnh mẽ hơn các cơ chế thị trường hợp đồng tương lai để giúp các thành viên tham gia thị trường được chủ động mua bán điện và quản lý rủi ro tài chính.

Quy hoạch điện VIII dự báo ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ với sản lượng điện thương phẩm đạt 505 tỷ kWh điện - gấp đôi năm 2023 vào năm 2030 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và gần gấp năm lần năm 2023 vào năm 2050 cho tăng trưởng GDP 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Năng lượng tái tạo sẽ được phát triển mạnh với tỷ trọng trong cơ cấu sản xuất điện đạt 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và định hướng lên tới 67,5 - 71,5% vào năm 2050. Tổng dự toán đầu tư nguồn và lưới điện cần khoảng 135 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030, và 399 - 523 tỷ USD cho giai đoạn 2031 - 2050.

Để có thể thu hút vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển rất lớn như Quy hoạch điện VIII và tuân thủ cam kết của Việt Nam với quốc tế sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phối hợp với các nước để hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam cần các cơ chế thị trường điện phù hợp, xứng tầm. Quyết định 215/QĐ-Ttg mới đây (ngày 01/3/2024) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định điều này.

Bài 2: Tại sao Indonesia và Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm Úc?

TS Thái Doãn Hoàng Cầu tại chương trình "Nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh ĐBSCL trong lĩnh vực điện và năng lượng".

Khuyến nghị

Như vậy, Indonesia và Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm Úc để đạt được mục tiêu chính của ngành điện, đặc biệt trong bối cảnh đang xây dựng thị trường điện đồng thời lại phải đối diện nhiều mục tiêu, thách thức mới của chuyển dịch năng lượng bền vững. Trong số rất nhiều điểm đáng tham khảo từ kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc, tôi đề ra 3 khuyến nghị cơ bản và chủ yếu.

Đầu tiên là, ‘làm đúng việc’ (‘do right things’). Mỗi nước cần xác định rõ, cụ thể hoá các mục tiêu của ngành điện, năng lượng của mình, cũng như mức độ ưu tiên, cân nhắc được - mất, xung đột lợi ích - chi phí giữa các các mục tiêu tin cậy kỹ thuật, bền vững môi trường và hiệu quả kinh tế.

Một khi đã lựa chọn thị trường điện làm ‘phương tiện’ để đạt các mục tiêu đã đề ra thì cần xem cải cách thị trường điện là dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên hàng đầu để thiết kế lại thị trường điện xem xét bối cảnh NLTT tăng cao và nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, khí, dầu) giảm dần, và nhanh chóng thực hiện cải cách.

Trong việc xem xét lựa chọn lộ trình cải cách, thiết kế thị trường điện phù hợp, cần lưu ý không có mô hình cải cách duy nhất nào phù hợp cho mọi quốc gia. Hãy cẩn thận với việc ‘chọn quả anh đào’ (sao chép hay chọn những hợp phần tốt nhất) từ các thiết kế khác mà nên tùy chỉnh lộ trình, thiết kế thị trường điện cho phù hợp với đặc điểm chính trị - xã hội, kinh tế và năng lực của riêng mình.

Để làm tốt các công việc này, mỗi nước xem xét có sự đánh giá toàn diện của chuyên gia/Ban Cố vấn độc lập và thành lập Cơ quan chuyên trách thực thi cải cách.

Từ đầu thập niên 1990-2000, Úc đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành điện rõ ràng và đã quyết tâm thực hiện cải cách. Dù tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Úc đã chọn cho mình thiết kế thị trường điện đơn giản và độc đáo. Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng bền vững, Úc đã không ngủ yên mà sớm chuẩn bị và tiến hành cải cách, thiết kế lại thị trường điện kể từ năm 2017 cho sau năm 2025.

Thứ hai, xây dựng cơ cấu quản trị hiệu quả. Mỗi nước cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý gồm luật và quy định để hỗ trợ các thị trường điện. Cần lưu ý việc phối hợp giữa các chức năng tham mưu chính sách, xây dựng và điều chỉnh luật, xây dựng và quản lý các quy định liên quan thị trường điện, phát triển điện lực, thiết kế thị trường điện, giám sát thực thi, tuân thủ quy định, điều tiết thị trường điện, vận hành thị trường, vận hành hệ thống điện để đảm bảo các mục tiêu tin cậy, bền vững và hiệu quả.

Hướng tới việc thành lập các cơ quan quản trị độc lập, phi lợi nhuận để tránh xung đột lợi ích và để có thể kiểm tra, cân bằng lẫn nhau. Mô hình cơ cấu quản trị thị trường điện Úc với ba đơn vị độc lập, minh bạch, không thiên vị, có năng lực, trách nhiệm, nhất quán, thực tiễn và biết tôn trọng, hỗ trợ cho cạnh tranh và phát minh đổi mới, phục vụ khách hàng đã góp phần quan trọng chính yếu trong kết quả vận hành khá tốt của NEM, là mô hình đáng được xem xét.

Thứ ba, tăng tốc phát triển các năng lực cần thiết cho cải cách thị trường điện và quản lý cải cách. Đây là yếu tố then chốt cho ‘làm đúng việc' và là nền tảng của cơ cấu quản trị hiệu quả.

Mỗi nước cần xây dựng năng lực cho các chức năng quản trị thị trường điện cũng như vận hành thương mại trong thị trường điện. Năng lực cần được xây dựng trên cơ sở am hiểu kiến thức liên ngành liên quan đến thị trường điện như kỹ thuật hệ thống điện, kinh tế, thương mại, quản lý cũng như từ những kinh nghiệm thực tiễn.

Để thực hiện cải cách thành công, ngoài xây dựng năng lực để đề ra các giải pháp phù hợp mang tính chuyên môn, cần chú trọng xây dựng các năng lực quản lý cải cách, bao gồm: truyền đạt tầm nhìn, tính cấp bách, ưu tiên, lợi ích của cải cách, đánh giá mức độ sẵn sàng và xây dựng sự đồng thuận, cam kết cho những người tham gia thực hiện cải cách cũng như những người chịu sự tác động của cải cách

Phát triển năng lực đòi hỏi vai trò chủ động của các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản trị thị trường điện và các công ty năng lượng.

Úc đã phải mất nhiều năm để phát triển những năng lực này. Các nước đi sau như Indonesia và Việt Nam có thể học hỏi nhanh hơn từ Úc.

TS. Thái Doãn Hoàng Cầu

Về tác giả

Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc.

Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.

Tham khảo

AER (2023). State of energy markets. Australian Energy Regulator.

Biggar, D. and Hesamzadeh, M. (2014). The Economics of Electricity Markets. Wiley - IEEE.

Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện lực bền vững ở Việt Nam?. Tia sáng, 19:20–24, 05/10/2022. https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/thi-truong-dien-luc-ben-vung-o-viet-nam/

Cầu, T.D.H. (2023). Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện. Chuyên đề Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước". PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam. 23/10/2023. https://petrotimes.vn/bai-11-ts-thai-doan-hoang-cau-phat-trien-dien-luc-hieu-qua-ben-vung-can-cac-co-che-thi-truong-dien-696765.html

Cầu, T. D. H. (2023). Bốn vấn đề nan giải của ngành điện. Chuyên mục Tâm điểm. Dân trí, 29/05/2023. https://dantri.com.vn/tam-diem/bon-van-de-nan-giai-cua-nganh-dien-20230526105311936.htm

Cầu, T.D.H. (2023). Nên tiến hành cải cách thị trường điện như thế nào?. Tạp chí Năng lượng Việt Nam. 4/12/2023. https://nangluongvietnam.vn/nen-tien-hanh-cai-cach-thi-truong-dien-viet-nam-nhu-the-nao-31895.html

IEA (2022). Enhancing Indonesia’s Power System. IEA, Paris. https://www.iea.org/reports/enhancing- indonesias-power-system. Licence: CC BY 4.0

Thorpe, G. (2022). Back to the future. Oakley Greenwood technical note. 31/10/2022. https://oakleygreenwood.com.au/back-to-the-future

Viện Năng lượng (2023). Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thuyết minh chung. Viện Năng lượng - Bộ Công Thương.

Bài 1: Thị trường điện Úc và kinh nghiệm cải cách

Bài 1: Thị trường điện Úc và kinh nghiệm cải cách

Trong bài giảng về kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc, TS Thái Doãn Hoàng Cầu khuyến nghị Indonesia và Việt Nam lựa chọn mô hình, lộ trình cải cách và thiết kế thị trường điện phù hợp, xây dựng cơ cấu quản trị hiệu quả và đẩy nhanh việc xây dựng các năng lực thực hiện cải cách.

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps