Bài 2: Sản xuất trong nước gắn với chuỗi giá trị quốc tế
Để tham gia vào cuộc chơi tầm cỡ khu vực và thế giới, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như giữ gìn chữ tín đối với khách hàng… từ đó gắn liền với chuỗi cung ứng, thu được lợi ích từ chuỗi giá trị quốc tế.
![]() |
Doanh nghiệp FDI vẫn đang là đầu tàu công nghiệp chế biến chế tạo của công nghiệp Việt Nam. |
Các hiệp định FTA tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp tại nước ta. Theo đó, tăng trưởng thương mại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trên cả nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế so sánh của các ngành hàng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành nông nghiệp cũng đang thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy và hệ thống quản lý ngành. Đơn cử như, Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu phát triển toàn diện các sản phẩm chăn nuôi hướng tới xuất khẩu có giá trị cao. Theo đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặt ra 5 đề án gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, khuyến nông và tăng cường năng lực quản lý nhà nước.
Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, khi tham gia vào các khu vực tự do thương mại, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam phải chịu sự gia tăng cạnh tranh và áp lực tới sản xuất. Từ đó sẽ làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Mặt khác, việc phát sinh tranh chấp thương mại do việc gia tăng xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ diễn ra thường xuyên, khiến doanh nghiệp phải chú ý nhiều hơn đến luật pháp và các quy định của các quốc gia mà sản phẩm muốn xâm nhập thị trường. Từ khi tham gia FTA, các điểm yếu của kinh tế Việt Nam được bộc lộ rõ như năng lực cạnh tranh thấp ở cấp quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm chưa cao, chưa bền vững; chưa thu hút được đầu tư nước ngoài với công nghệ cao để hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, khả năng hấp thụ công nghệ mới đạt mức thấp; chậm điều chỉnh cơ cấu sản xuất để khai thác cơ hội thị trường và phát huy lợi thế so sánh của các vùng.
Về lĩnh vực công nghiệp, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn luôn giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính cho toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, mức độ tương xứng với các chính sách hỗ trợ là chưa đồng đều do mức độ phụ thuộc khác nhau về nguồn nguyên liệu và khả năng tự chủ về công nghiệp hỗ trợ. Ví dụ, ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa có sự bứt phá mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ kể từ khi mở cửa.
![]() |
Nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung sản xuất hướng tới xuất khẩu. |
Năm 2019, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm so với năm 2017 và 2018, chỉ đạt 8,86% là do sự sụt giảm của cả nhóm khai khoáng và chế biến, chế tạo. Các ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn (sản phẩm điện tử, xe có động cơ, dệt may) và ngành vốn có tăng trưởng rất cao (dầu mỏ tinh chế, kim loại) tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Về năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ năm 2007 đến nay, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực là tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông lâm thủy sản; tăng tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước.
Đến năm 2019, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực theo định hướng được đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, với sự gia tăng tỷ trọng của nhóm hàng chế biến chế tạo (từ mức 82,9% của năm 2018 lên 84,3%).
Đa số kim ngạch xuất nhập khẩu của các ngành đều tăng đặc biệt là đối với các thị trường mà Việt Nam có FTA. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của ta vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề nguyên vật liệu, công nghệ, lao động và khả năng tận dụng cơ hội từ FTA chưa cao.
Về công tác phòng chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp Phòng vệ thương mại (PVTM): Chính phủ và các bộ, ngành đã xây dựng khung pháp lý, thể chế khá toàn diện, đồng thời triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.
Đơn cử như Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp tục triển khai thực hiện 3 thủ tục hành chính và dự kiến kết nối với hệ thống Hải quan một cửa trong thời gian tới để tạo thuận lợi tối đa cho các bên liên quan, kể cả các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Có thể thấy rằng, tác động của FTA đối với hai ngành sản xuất trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp và công nghiệp là rất rõ rệt. Trong đó, “cái được” lớn hơn rất nhiều “cái mất”. Hội nhập kinh tế qua các FTA là xu thế không thể cưỡng lại, doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì không được phép thờ ơ với FTA.
Tùng Dương
-
Phân tích diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5