An ninh cho vùng giáp ranh

06:26 | 09/03/2014

1,438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM và vùng giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai hiện đã tốt hơn chưa sau đợt cao điểm trấn áp tội phạm vùng giáp ranh trong 2 tháng đầu năm 2014 với sự tăng cường tham gia tuần tra kiểm soát của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an?

Năng lượng Mới số 302

Vùng giáp ranh giữa TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai từ lâu được xem là sào huyệt đứng chân của nhiều băng nhóm tội phạm từ các nơi đổ về. Cũng bởi khu vực này có nhiều khu công nghiệp, tuyến giao thông huyết mạch cùng lượng lớn công nhân, dân nhập cư nên là địa bàn “lý tưởng” để các loại tội phạm ẩn náu và hoạt động.       

Trong đó, tuyến Quốc lộ (QL) 1A, đoạn từ cầu Đồng Nai đến ngã tư Quán Chuối và tuyến QL 1K (đoạn từ cầu vượt Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM) đến cầu Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai) là tuyến đường đi qua nhiều địa bàn phức tạp, nhất là các khu vực giáp ranh giữa TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, khu vực Đại học Quốc gia TP HCM, khu vực Sóng Thần. Dọc theo hai trục đường huyết mạch này là nơi có hàng trăm nghìn công nhân, sinh viên từ các tỉnh phía nam, miền Trung và miền Bắc đến sinh sống, học tập và lao động. Kéo theo đó là hàng chục nghìn nhà trọ cho sinh viên, công nhân, hộ gia đình thuê với đủ mọi thành phần lứa tuổi khác nhau; các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, tiệm cầm đồ, tiệm massage, karaoke trá hình xuất hiện tràn lan rất khó kiểm soát.

Một băng cướp nghiện ma túy, chuyên gây án trên tuyến QL 13, giáp ranh giữa quận Thủ Đức (TP HCM) và tỉnh Bình Dương

Chẳng hạn xã Hóa An, TP Biên Hòa (Đồng Nai) tiếp giáp với xã Tân Đông Hiệp và phường Tân Bình của thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), lại có tuyến đường sắt Bắc - Nam và QL 1K đi qua nên các loại tội phạm cũng chọn đây là địa bàn để hoạt động, nổi cộm là cướp giật, trộm cắp tài sản.

Theo nhận định của Chỉ huy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an, tại các điểm nóng ở vùng giáp ranh nêu trên thường xuyên xảy ra nạn cướp giật tài sản của người đi đường. Nạn trộm cắp tài sản tại các địa bàn này cũng liên tục xảy ra khiến nhiều người dân lo lắng. Thủ đoạn của bọn cướp giật ở đây thường là sử dụng xe phân khối lớn, theo dõi, lợi dụng sơ hở của người dân, bất ngờ giật lấy tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Người bị hại đa phần là phụ nữ, sinh viên, những người buôn bán tại khu vực chợ, các khu vực ít người qua lại. Tài sản bị cướp chủ yếu là xe máy, điện thoại di động, túi xách…

Ngoài ra, tội phạm kiểu xã hội đen hoạt động ở khu vực giáp ranh cũng khá manh động như cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, bảo kê… khiến người dân hoang mang. Bọn chúng núp bóng dưới nhiều danh nghĩa nhưng phần nhiều là lực lượng bốc vác. Chúng thường cưỡng đoạt tài sản của các chủ hàng, thương lái tại các khu chợ, bảo kê các nhà hàng, khách sạn…

Đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh không phải là vấn đề đơn giản khi các loại tội phạm ở đây thường di chuyển thay đổi địa bàn hoạt động nhằm đối phó với công an và chính quyền địa phương, gây khó khăn cho quá trình điều tra truy xét.

Chính vì vậy, để bảo đảm trật tự an ninh xã hội vùng giáp ranh thì điều cần nhất là phải tiến hành giám sát chặt chẽ để ổn định tình hình.Thời gian qua Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo cho Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp với Công an Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm tại khu vực này.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm của tháng 1, 2/2014, Bộ Công an đã điều động 600 cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được bố trí làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại 7 tuyến, 6 khu vực chủ chốt tại các quận, huyện vùng ven trên địa bàn TP HCM (gồm các quận Thủ Đức, 9, 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh) và những khu vực giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Từ ngày 7/1 đến 26/2/2014, lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Đặc nhiệm - Bộ Công an đã tổ chức khoảng 27.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra kiểm soát, trinh sát, theo dõi, mật phục, đã phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho công an địa phương xử lý 61 vụ, 80 đối tượng, thu giữ hàng trăm hung khí tự chế (gồm mã tấu, dao nhọn, gậy sắt…), hàng chục gói nilon có chứa ma túy và dụng cụ sử dụng ma túy đá. Ngoài ra, lực lượng tuần tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu chuẩn bị tụ tập đua xe trái phép tại khu vực giáp ranh giữa TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, giải tán được hàng trăm đối tượng tụ tập đua xe trái phép.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, thời gian gần đây nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự tại vùng giáp ranh đã có tác dụng, hiệu quả trong thời gian qua như: “Nhà trọ không có tội phạm ẩn náu hoạt động”, “dân phòng tự quản”, “nhà trọ sinh viên tự quản” (quận Thủ Đức). Đặc biệt công tác phối hợp, triển khai các mô hình, kế hoạch phối hợp giữa các phường, xã giáp ranh như quận Thủ Đức với thị xã Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) được đánh giá khá tốt.

Điển hình như Công an Thủ Đức phối hợp Công an thị xã Dĩ An bắt băng nhóm côn đồ do Lê Văn Phi (Phi đen, 27 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cầm đầu; phối hợp Công an Dĩ An, Thuận An - Bình Dương trao đổi thông tin và bắt băng nhóm do Vũ Minh Tâm (Tâm đen, 29 tuổi, ngụ Nghệ An) cùng Thái Salem cầm đầu, chuyên bảo kê, cưỡng đoạt tài sản tại vùng giáp ranh; khám phá chuyên án cướp, trộm tài sản bắt 11 đối tượng do Lê Văn Hòa (Đen) và Đinh Xuân Hùng (Quay) cầm đầu gây ra 34 vụ cướp, trộm vùng giáp ranh...

Theo ghi nhận, các phường, xã trọng điểm ở vùng giáp ranh này đã có tỷ lệ phá án cao trong năm 2013 vừa qua (đạt 75-81%) đã giúp kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự, nhiều tụ điểm, khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm đã được giải quyết về cơ bản... Riêng Công an TP HCM trong năm 2013 đã khám phá 789 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý 1.093 đối tượng phạm pháp trên địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức thuộc vùng giáp ranh giữa TP HCM với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Ngoài ra, quần chúng nhân dân ở vùng giáp ranh đã có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp 328 tin tức có giá trị cho Công an TP HCM làm rõ 211 vụ việc.

Phường Linh Trung (quận Thủ Đức) vốn là một địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự để tập trung chuyển hóa. Tại phường này đã xác định có 7 địa bàn phức tạp (trong đó có khu vực giáp ranh với Bình Dương là tụ điểm trộm cắp, cướp giật và ẩn nấp của đối tượng). Sau một năm đấu tranh chuyển hóa, phường Linh Trung đã kéo giảm 17,3% số vụ phạm pháp so với cùng kỳ, tỷ lệ khám phá án đạt đến 80,9%.

Sự quyết liệt trấn áp của lực lượng công an khiến cho bọn tội phạm vùng giáp ranh đang có dấu hiệu chững lại. Nói về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Thanh Bảnh - Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết: Với tinh thần tích cực, chủ động tấn công trấp áp tội phạm một cách mạnh mẽ và đồng loạt trên toàn tuyến, địa bàn được phân công, tình hình tội phạm cơ bản đã được kiểm soát. Lực lượng tuần tra kiểm soát đã phòng ngừa, giám sát, phát hiện ngăn chặn nhiều vụ việc phức tạp xảy ra, răn đe và kìm chế tội phạm trên tuyến, địa bàn trọng điểm, thực hiện mục tiêu chuyển hóa địa bàn. Ngoài ra, các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen đã co cụm lại hoặc chuyển địa bàn hoạt động kể từ khi lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tham gia tuần tra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm vừa qua.

Thế Vinh