Ám ảnh trộm cắp điện (Bài 3)

10:26 | 26/10/2013

961 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ăn cắp điện đang gây những thiệt hại không nhỏ cho ngành điện và thực tế trong suốt những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có rất nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, để xử lý dứt điểm tình trạng này một mình EVN không thể làm được mà rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan.

>> Ám ảnh trộm cắp điện (Bài 2)

>> Ám ảnh trộm cắp điện (Bài 1)

Bài 3: Cùng ngành điện chống trộm điện

Như đã đề cập trong những bài viết trước, tình trạng ăn cắp điện ở nước ta đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Và theo ông Nguyên thì nguyên nhân sâu xa của tình trạng này trước hết là do lòng tham, sự hám lợi và ý thức chấp hành quy định của luật pháp yếu kém của một bộ phận khách hàng sử dụng điện, cũng như sự hỗ trợ tiếp tay của những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp. Một số đối tượng đã lợi dụng lưới điện ở một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới được ngành điện tiếp nhận bán lẻ trực tiếp cho các hộ dân chất lượng còn kém, là sơ hở cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc trộm cắp điện. Ngoài ra, việc đặt công tơ đo đếm điện trong nhà của khách hàng cũng phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi trộm cắp điện và gây trở ngại cho lực lượng kiểm tra. Trong khi đó, các đơn vị điện lực còn gặp sự không đồng thuận của một số hộ dân cũng như của chính quyền địa phương trong việc di chuyển công tơ từ trong nhà ra ngoài cột điện, nên các đối tượng trộm cắp vẫn có “đất” để “sống”.

Một vụ ăn cắp điện hiếm hoi được mang ra xử lý ở Hải Dương

Theo đại diện của EVN cho biết, nạn ăn cắp điện không chỉ thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, mà để ngăn ngừa phòng chống tình trạng trộm cắp điện, ngành điện còn phải bỏ chi phí lớn để lắp đặt, nâng cấp các thiết bị bảo vệ hệ thống từ lưới điện đến hệ thống đo đếm điện như: Thay dây cáp điện có vỏ bọc cách điện chống câu móc điện; hệ thống hòm, khóa, niêm phong bảo vệ chống xâm phạm, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống các thiết bị đo đếm điện. Thống kê của EVN cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng năm 2013, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã phát hiện và xử lý được 25.724 trường hợp đồng hồ đo đếm điện bị kẹt hoặc bị cháy và vi phạm Luật Điện lực, thu hồi trên 14 triệu kWh. Trong đó, phát hiện và xử lý 1.579 vụ trộm cắp điện, truy thu trên 3,4 triệu kWh, trị giá hơn 8,7 tỉ đồng... Còn tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), số vụ trộm cắp điện tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng con số thiệt hại vẫn rất lớn. Cụ thể, trong quý I và II/2013, tổng công ty đã phát hiện và lập biên bản 1.197 vụ trộm cắp điện với sản lượng điện phải truy thu khoảng gần 4,341 triệu kWh, trị giá trên 12 tỉ đồng.

Và để chấm dứt tình trạng này, theo ông Nguyên, thời gian qua, EVN đã triển khai quyết liệt rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế các hành vi trộm cắp điện. Tuy nhiên, vướng là ở chỗ, việc kiểm tra phát hiện các trường hợp trộm cắp điện đã rất khó khăn, nhưng việc xử lý các đối tượng trộm cắp điện càng khó khăn hơn, do các quy định pháp luật chưa đồng bộ. Các đơn vị điện lực chủ yếu chuyển hồ sơ các vụ trộm cắp điện sang các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử phạt hành chính theo quy định. Thời gian qua, số vụ chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật đề nghị truy tố thì nhiều nhưng chỉ có một số rất ít trường hợp được đưa ra xét xử. Do đó, hiệu quả của việc răn đe và tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện thực chất chưa đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, do đặc thù của ngành điện là có hệ thống mạng lưới rộng khắp, trải dài trên mọi miền đất nước nên để chống lại tình trạng trộm cắp điện thì một mình ngành điện là không đủ. Ngành điện rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan và đặc biệt là cần có những chế tài xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để đủ sức răn đe với những đối tượng trộm cắp điện. Điện là loại hàng hóa đặc biệt, nên cũng cần một chế tài đặc biệt chống mất cắp. Chờ bắt quả tang mới được phép lập biên bản, thống nhất với các cơ quan chức năng cách xử lý là vô cùng khó khăn. Nhiều khi phát hiện, bắt quả tang, lập biên bản xong vẫn không thể xử lý được vì lại phải nhờ đến các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Và theo ông Nguyên thì đây cũng là một trong những khó khăn mà ngành điện đang phải đối diện trong quá trình phát hiện, xử lý các đối tượng trộm cắp điện bởi một số quy định pháp luật chưa đồng bộ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ luật Hình sự quy định chỉ cần lấy cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhiều vụ trộm cắp điện giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng vẫn không thể đưa ra tòa xét xử được mà chỉ áp dụng hình thức phạt hành chính.

Được biết, để đối phó với tình trạng này, EVN đã yêu cầu các tổng công ty điện lực thành lập và kiện toàn bộ phận chuyên trách từ cấp tổng công ty đến các công ty và cấp điện lực để thực hiện công tác kiểm tra phòng chống trộm cắp điện; Chỉ đạo các đơn vị chủ động bảo vệ tốt các mạch điện trước công tơ đặc biệt tại các khu vực mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để hạn chế tình trạng câu móc điện trực tiếp trước công tơ; Tăng cường các biện pháp quản lý nghiệp vụ, sàng lọc và sớm phát hiện các khu vực có dấu hiệu trộm cắp điện, từ đó, có phương án kiểm tra và phòng chống trộm cắp điện; Phối hợp với các chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng chống trộm cắp điện kết hợp với tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện.

Thanh Ngọc