Al Qaeda tuyển mộ người qua mạng như thế nào?

15:24 | 12/10/2011

959 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mạng Internet là một đầu mối để tuyển dụng những kẻ khủng bố. Và những kẻ cực đoan đang tìm thấy một số phương tiện truyền thông đầy hiệu quả để chuyển tải thông điệp của chúng.

Tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới Al-Qaeda hoạt động như thế nào? (Kỳ cuối): Al Qaeda tuyển mộ người qua mạng như thế nào?


Tháng 12/2009, năm người đàn ông Mỹ bị bắt giữ ở Sargodha của Pakistan với những cáo buộc có liên quan tới chủ nghĩa khủng bố – cụ thể là có âm mưu phạm tội và tài trợ cho một tổ chức khủng bố. Đáng chú ý, tất cả những người này đều thuộc tầng lớp trung lưu ở thành phố Alexandria, bang Virginia, miền Bắc nước Mỹ và họ đến Pakistan với mục đích gia nhập Jaish-e-Mohammed, một tổ chức bị cấm hoạt động tập trung đào tạo những kẻ khủng bố và tiến hành các chiến dịch nhằm trục xuất những binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan.

Những người này đã bị giới chức Pakistan bắt giữ, xét xử và kết án lên tới 10 năm lao động khổ sai. Vậy tại sao những người phương Tây trẻ tuổi được học hành tử tế lại bị huyễn hoặc rằng trách nhiệm của họ là phải đi hàng nghìn dặm đường để thực hiện những hành động bạo lực ở châu Á như vậy? Câu trả lời chủ yếu nằm ở quyền năng tuyển mộ ngày càng trở nên tinh vi nhưng sáng tạo qua mạng Internet.

Al-Qaeda làm phim hoạt hình dụ trẻ em làm khủng bố

Dĩ nhiên, không phải mọi thanh thiếu niên đều muốn từ bỏ máy chơi game Gameboy để cầm lấy khẩu AK-47, quá trình cực đoan hóa của họ phải trải qua nhiều cung bậc và thường phải mất một thời gian đáng kể. Theo nghiên cứu của Sở cảnh sát New York, một cá nhân trước hết phải được tiếp xúc với ý thức hệ cực đoan, sau đó là có ý thức đồng cảm với nó trước khi tự nguyện theo đuổi một quá trình truyền giáo sâu rộng.

Phần lớn các cá nhân đều không qua được hai giai đoạn đầu tiên. Nhưng những người nào dễ bị tác động lại có thể vượt qua được quy trình này. Và thật ngạc nhiên, Internet đang đóng vai trò ngày càng tăng trong quá trình cực đoan hóa – đó là một vườn ươm dễ dàng tiếp cận chỉ thông qua vài cú nhấp chuột. Và năm người Virginia trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của hoạt động cực đoan hóa trực tuyến thường bắt đầu với ba bước tuyển dụng cơ bản.

Bước 1: Tìm nguồn

Để xuất khẩu các ý thức hệ của mình, những kẻ cực đoan đầu tiên cần phải tăng lượng độc giả hướng tới những cá nhân dễ bị tác động. Chiến thuật tuyển mộ đầu tiên là phát tán thật nhiều thông điệp với mục đích gây sự chú ý đối với những ứng cử viên tiềm năng. Theo một báo cáo gần đây của Nhóm làm việc CTITF của Liên hợp quốc về sử dụng Internet phục vụ các mục đích khủng bố, điều này được thực hiện thông qua việc truyền bá các thông điệp được đơn giản hóa về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị địa phương và quốc tế đầy phức tạp, thường là với giải pháp thẳng thắn, bạo lực.

Hướng vào độc giả trẻ tuổi, thập niên qua đã chứng kiến sự gia tăng của chiến dịch tuyển mộ dựa trên ý tưởng “Jihadi Cool”, trong đó những kẻ cực đoan sử dụng phương tiện truyền thông lấy cảm hứng từ văn hóa đại chúng, trong đó có nhạc rap, trò chơi video và truyện tranh khắc họa trào lưu chính thống Hồi giáo theo ánh sáng khẩn cầu mới.

Việc phát tán những đoạn video nhạc hip hop theo chủ đề cực đoan là một trong những lời kêu gọi kỳ cục nhưng phổ biến nhất. Ví dụ nổi bật nhất về vấn đề này là đoạn video nhạc hip hop/nhạc vũ trường có tên Kuffar bẩn thỉu của Sheikh Terra (Kuffar có nghĩa là kẻ vô thần), được tải về hàng triệu máy tính trên khắp thế giới và người tải về có thể được nghe những ca từ như sau:

Hòa bình cho Hamas và Hezbollah,

OBL đã kéo tôi như một ngôi sao sáng chói,

Giống như cách chúng ta đã phá hủy chúng, hai tòa tháp ha ha.

Một ví dụ điển hình khác nữa là các đoạn của Abu Maleeq, một cựu rapper người Đức còn được biết đến với tên gọi Deso Dogg, người đã cải sang đạo Hồi cuối năm 2009. Ca từ của người này, tập trung vào việc lên án các vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan và tôn vinh khái niệm tử vì đạo, bị cáo buộc là nguồn gây cảm hứng cho Arid Uka, một người Đức 21 tuổi, kẻ đã giết hại hai quân nhân Mỹ hồi tháng Ba.

Các trò chơi video lấy cảm hứng từ Jihadi cũng rất được ưa thích. Ví dụ, một sản phẩm của những kẻ truyền bá cực đoan qua mạng có tên Mặt trận truyền thông Hồi giáo toàn cầu, là một trò chơi bắn giết tự do gọi là Đêm bắt giữ Bush. Những người tham gia trò chơi này dấn mình vào cuộc thánh chiến của riêng họ với mục đích tiêu diệt được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Tương tự như vậy, các trò chơi gây nhiều tranh cãi bao gồm cả trò chơi do Hezbollah sản xuất có tên gọi là loạt trò chơi Lực lượng đặc nhiệm yêu cầu người chơi phải chống lại một cuộc xâm lược của lực lượng Israel…

Tuy nhiên, những kẻ thánh chiến không hoàn toàn từ bỏ các hình thức truyền bá truyền thống và chúng tiếp tục cho lưu hành một loạt tài liệu như sách về tôn giáo, các bài phát biểu và các đoạn video về các chiến dịch khủng bố. Hình thức cuốn hút được nhiều người nhất cho các chi nhánh của mình được cho chính là các bài phát biểu của giáo sĩ Hồi giáo người Mỹ gốc Yemen Anwar al-Awlaki (kẻ vừa bị phía Mỹ xác nhận là đã bị tiêu diệt). Những lời lẽ trong bài phát biểu của kẻ này đã dẫn tới rất nhiều các vụ tấn công khủng bố, trong đó có vụ bắn giết tại Fort Hood và vụ mưu sát nghị sĩ Anh Stephen Timms.

Những đoạn video được xem như là động cơ thúc đẩy ban đầu đối với năm người Virginia trên và việc họ bị bắt giữ đã để lại nhiều lời bình luận đầy tức giận trên các trang chủ của những đoạn video này rằng nhóm người này đã được Qari Saifullah Akhtar chú ý. Qari Saifullah Akhtar là một kẻ cực đoan Hồi giáo khét tiếng, kẻ có thể đã hướng dẫn năm người này thông qua quá trình cực đoan hóa.

Qari Saifullah Akhtar là một kẻ cực đoan Hồi giáo khét tiếng

Bước hai: Thêm dầu vào lửa

Một khi đoạn video nhạc rap hoặc bài phát biểu trên YouTube làm bùng lên quá trình cực đoan hóa – và một cá nhân đã xác định gắn bó với ý thức hệ theo trào lưu chính thống – các phương tiện truyền thông trên Internet như các diễn đàn, trang blog và truyền thông xã hội khác được sử dụng để thúc đẩy tư tưởng cực đoan của cá nhân này. Loại hình truyền thông này giúp tăng cường đức tin của một cá nhân khi nó cho phép họ khai thác các mạng ảo của những cá nhân khác có tư tưởng tương tự trên toàn cầu.

Khi có ai đó chìm đắm trong những trang mạng như vậy, các mạch thảo luận khác nhau hướng họ tới những nguồn tài liệu cuồng tín hơn nữa. Ví dụ, nhiều bài đăng tải chỉ cho người sử dụng tới một trang web khác có tên là Tawhed.ws. Đây là một thư viện trực tuyến có chứa các bài văn, bài phỏng vấn và bài thuyết giảng có chiều hướng cực đoan bằng cả tiếng Anh và tiếng Arab. Một bài viết nổi tiếng có tựa đề “Tại sau chúng ta lại ghét chúng?” lý giải cho việc tại sao người Hồi giáo phải chiến đấu chống “tôn giáo vô bổ” là Cơ đốc giáo và Do Thái.

Thông qua việc tạo lập, phát triển và giám sát các trang web như vậy, những kẻ cực đoan có thể tạo dựng và thu được hút một cộng đồng toàn cầu, những kẻ có khả năng trở thành người thánh chiến có tư tưởng thực sự như mong muốn. Chúng có thể gieo rắc quá trình cực đoan hóa của một cá nhân nào đó bằng cách cung cấp tài liệu cực đoan sâu hơn, thậm chí có thể tạo được mối quan hệ trực tuyến mà thông qua đó, chúng có thể đưa ra lời tư vấn và khuyến khích trực tiếp trong việc thực hiện bạo lực. Faisal Shahzad, kẻ đã cố cho nổ chiếc xe bom ở Quảng trường Thời đại, đã được tuyển mộ trực tiếp thông qua các diễn đàn như vậy.

Không phải mọi thanh thiếu niên đều muốn từ bỏ máy chơi game Gameboy để cầm lấy khẩu AK-47, quá trình cực đoan hóa của họ phải trải qua nhiều cung bậc và thường phải mất một thời gian đáng kể.

Bước ba: Tạo điều kiện phá hủy

Khi đã tự đắm mình trong các tài liệu của hai bước đầu tiên, có một tỷ lệ nhỏ những ứng cử viên tiềm năng rốt cuộc sẽ hoàn tất quy trình cực đoan hóa – và chấp nhận nhiệm vụ phải thực hiện. Nếu những người này không thể mua vé máy bay để tới một trại khủng bố nước ngoài, những kẻ cực đoan thực thụ sẽ tập trung gửi các tài liệu trực tuyến có thể giúp các phần tử cực đoan mới này thực hiện được hành động đó ngay ở trong nước.

Nick Reilly, kẻ đã cố thực hiện một vụ tấn công liều chết ở Exeter của Anh năm 2008, đã không thành công chỉ vì thiết bị nổ tự tạo của hắn phát nổ trước thời gian dự kiến.

Để chuẩn bị cho vụ tấn công này, Reilly đã học cách chế tạo chất nổ thông qua Internet và dễ dàng có được những thành phần mà hắn ta cần để chế tạo thiết bị nổ. Tên này đã tiếp xúc với hai người đàn ông Pakistan không rõ danh tính, những kẻ đã hướng dẫn và tư vấn cho hắn công tác chuẩn bị. Trong suốt quá trình cực đoan hóa, Reilly chưa bao giờ đến Pakistan để được đào tạo thực tế – hắn đã nhận tất cả hướng dẫn mình cần thông qua máy tính.

Vậy, các chính phủ phải làm gì để đối phó với tình trạng tuyển mộ trực tuyến này? Cho đến nay, họ vẫn chưa tìm ra được phương cách hữu hiệu – và họ vẫn chưa thể làm được như vậy. Bản chất phi tập trung của Internet có nghĩa là hoạt động trấn áp trở nên bất lực – nếu một trang mạng bị khóa trên một máy chủ, nó sẽ lại xuất hiện trên một trang mạng khác vào thời gian sau đó.

Với những khó khăn như vậy, quá khó để các chính phủ có thể đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm bớt những nguy cơ từ Internet – và Internet vẫn tiếp tục cuốn hút người trẻ tuổi đi theo cái tôi của họ.

Huy Văn