Ai sẽ kế nhiệm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long?

15:38 | 03/10/2016

1,269 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu hỏi này đang rất được quan tâm trong dư luận Singapore và cộng đồng quốc tế trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sức khỏe của ông Lý sau lần ông bị ngất trong khi phát biểu về chính sách vào cuối tháng 8 vừa qua. Liệu đảo quốc sư tử sẽ chọn người từ gia đình họ Lý hay từ bên ngoài? Quá trình chuyển giao quyền lực đã rậm rạp hay chưa?

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã thống trị nền chính trị Singapore kể từ khi nước này giành được độc lập, với ưu thế gần như tuyệt đối so với các đảng chính trị đối lập khác nhờ sự ủng hộ mang tính “truyền thống” của nhân dân. Hiện nay PAP nắm hơn 90% số ghế trong Quốc hội. Để duy trì mức độ kiểm soát này, PAP đã chuyển giao thành công quyền lực cho thế hệ tiếp theo gồm các nhà lãnh đạo được “chọn mặt gửi vàng”. Nhưng hiện tại, việc kế nhiệm vị trí lãnh đạo vẫn chưa rõ ràng, mặc dù đương kim thủ tướng đã 64 tuổi.

tin nhap 20161003141350
Các ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Heng Swee Keat, Chan Chun Sing, Ong Ye Kung, Tan Chuan-Jin, Ng Chee Meng và Lawrence Wong

Sự chưa rõ ràng ở mức độ này là một diễn tiến mới trong nền chính trị của Singapore hậu độc lập, vốn đã quen với vai trò chủ đạo của PAP. Lãnh đạo đầu tiên của PAP và cũng là Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lý Quang Diệu, thường được gọi một cách trìu mến là người cha lập quốc của dân tộc. Người kế nhiệm cố thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống), đã được “ngắm” từ trước khi bổ nhiệm ít nhất 5 năm. Bản thân ông Lý Hiển Long đã được bồi dưỡng, rèn luyện để chuẩn bị cho cương vị nhà lãnh đạo tương lai của đất nước từ lâu trước khi ông chính thức nhận trọng trách năm 2004.

Những thành tựu mà Singapore đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long là một trong những điều khiến nhiều người hy vọng gia đình họ Lý sẽ tiếp tục phát xuất nhân tài, kế thừa xuất sắc di sản chính trị của ông cha mình, phục vụ đất nước. Một trong những niềm hy vọng đó là ông Lý Hồng Nghị, con trai thứ của thủ tướng hiện nay.

Ông Lý Hồng Nghị, sinh năm 1987, đã sớm nổi danh ở Singapore không chỉ vì xuất thân danh gia vọng

Tại Singapore, hiến pháp quy định một nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài 5 năm và không có quy định giới hạn tối đa số nhiệm kỳ. Kể từ năm 1959 tới nay, Singapore đã có 3 thủ tướng. Đầu tiên là ông Lý Quang Diệu với thời gian tại nhiệm là hơn 31 năm, người thứ hai là ông Goh Chok Tong với thời gian tại nhiệm hơn 13 năm, người thứ ba là ông Lý Hiển Long từ năm 2004 cho tới nay.

tộc của mình mà còn bởi học vấn. Ông từng được trao Giải thưởng Lý Quang Diệu về Toán và Khoa học năm 2006 và cũng giống như cha và ông nội mình, ông đã học tập tại một trong những trường đại học hàng đầu thế giới là Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, ông Lý Hồng Nghị từng có thời gian làm việc ở Google - một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Hiện ông đã gia nhập và phục vụ trong quân đội Singapore - nơi Thủ tướng Lý Hiển Long từng rèn luyện trước khi bước chân vào chính trường.

Nhưng vấn đề là ông Lý Hồng Nghị và những người con khác của Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đến chính trị. Điều này có nghĩa là Singapore có thể phải tìm bên ngoài nhà họ Lý.

Trong khi vẫn chưa có người kế thừa rõ ràng trong gia tộc họ Lý, danh sách người kế nhiệm trực tiếp tiềm năng cho chức thủ tướng hiện đang rất rộng. Hôm 4-9, StraightTimes - một tờ báo thân chính phủ đã đưa ra 6 gương mặt kế nhiệm tiềm năng. Họ gồm Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) - Bộ trưởng Tài chính; Chan Chun Sing (Trần Chấn Thanh) - Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ; Tan Chuan-Jin (Trần Xuyên Nhân) - Bộ trưởng Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình; Ng Chee Meng (Hoàng Chí Minh) - Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Trường học; Ong Ye Kung (Vương Ất Khang) - Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đại học và Kỹ năng và Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) - Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia.

Điều đáng lưu ý những người trong danh sách này đều là người gốc Hoa và một nửa trong số họ từng kinh qua quân đội. Trong số những ứng cử viên tiềm năng, Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt từ lâu đã được xem là người sáng giá nhất cho đến khi ông bị đột quỵ trong một cuộc họp nội các ngày 12-5-2016. Dù gần như đã bình phục hoàn toàn, tình trạng sức khỏe của ông vẫn gây nghi ngại về khả năng kế nhiệm vị trí thủ tướng.

Mặc dù vẫn còn gần 5 năm để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-1-2021, nhưng cơ hội nhận diện một ứng cử viên có thể duy trì sự thống trị của đảng cầm quyền trong tương lai đang nhanh chóng bị thu hẹp. Bởi vì PAP đang càng ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đảng đối lập, cũng như sự bất mãn đang tăng lên trong một bộ phận người dân Singapore - chủ yếu là do dòng người nước ngoài đổ vào ồ ạt và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Ngoài ra, hàng loạt thất bại về mặt quản trị gần đây của chính phủ, bao gồm việc bí mật thu hồi tàu điện do một nhà sản xuất có trụ sở ở Trung Quốc chế tạo (vụ việc do Hãng tin FactWire đặt tại Hongkong tiết lộ), cũng như việc gia tăng các cuộc khủng hoảng y tế, như trường hợp virus Zika, cũng khiến cho PAP bị mất điểm ít nhiều.

Người dân Singapore hiện nay đòi hỏi khắt khe hơn so với trong quá khứ - nhiều người kỳ vọng được tham gia vào quá trình ra quyết định lựa chọn vị lãnh đạo tiếp theo. Một nhà lãnh đạo được lòng dân ít nhất phải được xác định là người có thể giành được sự ủng hộ của người dân Singapore trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Một người như vậy, theo Stephan Ortmann - một nhà nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hongkong, có thể là Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt, hoặc Phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam.

Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt thì bị lo ngại là có vấn đề về sức khỏe, như đã nói trên. Còn Phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam, người đã từng kinh qua nhiều vị trí như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục… của Singapore, thì hiện nay lại không được coi là người kế nhiệm tiềm năng chức Thủ tướng, bởi hai lý do lớn nhất.

Một mặt, ông Tharman là người gốc Ấn, trong khi các cựu lãnh đạo bao gồm cả ông Lý Quang Diệu đã khẳng định rằng, chỉ có một thủ tướng người Hoa mới có thể được đa số người dân Singapore chấp nhận. Mặt khác, ông Tharman từng bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với tờ Straits Times rằng, ông không hứng thú với vị trí thủ tướng và sẽ chỉ tiếp nhận khi buộc phải làm vậy.

Danh sách ứng cử viên tiềm năng cho chức Thủ tướng tương lai của Singapore cho thấy, đảng PAP có thể sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm một nhà lãnh đạo được lòng dân và có thể đẩy lùi những lời kêu gọi một cuộc cải cách căn bản hơn đối với hệ thống do một đảng thống trị.

Việc thiếu một người kế nhiệm rõ ràng đang đe dọa phá hủy hàng thập niên ổn định hậu độc lập của nền chính trị Singapore. Và tình trạng mập mờ càng kéo dài thì những hệ quả tiềm tàng đối với PAP càng nghiêm trọng.

Hôm 29-9-2016, trong một cuộc hội thảo do Nikkei tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, khi được hỏi về những phẩm chất mà Thủ tướng Lý Hiển Long muốn nhìn thấy ở người kế nhiệm ông tại Singapore, ông Lý trả lời rằng: “Đó phải là nhà lãnh đạo có thể kết nối với người dân Singapore và sẽ đấu tranh cho những gì chúng tôi tin tưởng”.

Linh Phương

Năng lượng Mới 563