Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Ai sẽ cấp vũ khí cho Ukraina?

19:05 | 05/02/2015

9,814 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Mỹ bắn tiếng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina thì đồng minh châu Âu khước từ thẳng thừng. Mỹ tính gì khi đưa ra thông báo trên giữa lúc chiến cuộc tại miền đông Ukraina tăng cường độ?

Ukraina tiếp tục đỏ lửa

Chiến sự Ukraina đang tập trung tại thành phố Debaltsevo ở miền đông. Từ vài ngày qua, quân chính phủ Kiev đang cố gắng phản công không để cho phe ly khai khép chặt vòng vây.

Tính đến ngày 2/2, lực lượng ly khai đã bao vây gần như toàn bộ thành phố Debaltsevo. Ngày 3/2, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Igor Plotnitsky cho hay lực lượng dân quân của LPR ở miền đông Ukraina đã bắn hạ một máy bay thuộc lực lượng không quân của chính quyền Kiev. Theo thông tin của hãng TASS, viên phi công của máy bay chiến đấu trên đã bung dù thoát ra. Ông Plotnitsky thông báo máy bay bị bắn hạ, dường như là máy bay chiến đấu SU-25, đã rơi gần thành phố Irmino thuộc Lugansk trong khi lực lượng dân quân vẫn đang tìm kiếm viên phi công.

Ai sẽ cấp vũ khí cho Ukraina?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) thăm Ukraina ngày 5/2

Chưa dừng lại ở đó, ngày 4/2, lực lượng ly khai Lugansk còn lần đầu tiên tiến hành một cuộc không kích nhằm vào quân đội Kiev. “Chiếc chiến đấu cơ Su-25 của chúng tôi đã bất ngờ xuất hiện trên bầu trời ở khu vực đường cao tốc Artemivsk-Debaltsevo ,và tấn công vào đoàn xe của quân đội Ukraina khi đoàn xe này đang đưa tiếp viện vào cho lực lượng đang bị chúng tôi bao vây ở chiến trường Debaltsevo”- một phát ngôn viên của quân đội LPR nói với hãng tin RIA Novosti.

Lực lượng ly khai Lugansk đã chiếm giữ được một chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 của quân đội Ukraina hồi tháng 7/2014 sau khi bắn hạ chiếc máy bay này và buộc nó phải hạ cánh trên lãnh thổ của họ.

Bạo lực không chỉ diễn ra ở Debaltsevo mà còn lan ra cả Donetsk. Ngày 4/2, vụ nã pháo vào một bệnh viện ở khu vực Donetsk đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng.

Những vụ bắn phá bừa bãi cùng tình trạng leo thang bạo lực trong cuộc chiến ở miền đông Ukraina đã khiến ít nhất 224 người thiệt mạng trong riêng 3 tuần qua, đẩy số người chết trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraina lên con số 5.358 người kể từ hồi tháng 4/2014 đến nay.

Phương Tây cấp vũ khí cho Ukraina?

Trả lời phỏng vấn của tờ Die Welt của Đức ngày 4/2, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã kêu gọi các nước thành viên NATO gửi vũ khí cho nước này.

Ông Petro Poroshenko cho rằng tình trạng thương vong ở dân thường và xung đột gia tăng đủ tạo thành lý do để liên minh quân sự Phương Tây này cung cấp viện trợ cho Ukraina. Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh: "Tình trạng leo thang xung đột và gia tăng thương vong ở dân thường, đặc biệt sau các vụ tấn công khủng bố ở Volnovakha và Donetsk, cũng như vụ oanh tạc Mariupol sẽ thôi thúc liên minh này hỗ trợ thêm cho Ukraina, trong đó có chuyển giao các vũ khí hiện đại để bảo vệ và kháng chiến chống quân xâm lược".

Được hỏi liệu ông trông đợi gì từ phương Tây, ông Poroshenko nói: "Chúng tôi vẫn cần nhiều sự hỗ trợ về quân sự, kỹ thuật và chuyên gia để nâng cao sức mạnh chiến đấu cho quân đội Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga".

Trong khi đó, Pháp tuyên bố không cấp vũ khí cho Ukraina "vào thời điểm này". Ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố nước này không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraina để chống lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Canada Rob Nicholson, Bộ trưởng Le Drian nói: "Chúng tôi không có ý định cung cấp vũ khí sát thương vào thời điểm này".

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraina, đồng thời khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán và một giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và phe ly khai ở miền đông Ukraina. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Hungaria Viktor Orban tại thủ đô Budapest, bà Merkel khuyến cáo phải khẩn trương khôi phục một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina, theo những điều khoản của kế hoạch hòa bình Minsk. Bà tuyên bố: "Đức sẽ không ủng hộ Ukraina bằng vũ khí. Cuộc xung đột ở Ukraina không thể giải quyết được bằng quân sự".

Trước đó, ngày 2/2 báo chí Mỹ đưa tin, Washington đang nghiên cứu giải pháp viện trợ vũ khí cho quân đội Ukraina khoảng 3 tỉ USD. Tờ New York Times cho biết, một bản báo cáo của 8 nhân vật từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã được công bố hôm 2/2, yêu cầu chính phủ viện trợ cho Ukraina 3 tỉ USD vũ khí. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã bàn thảo vấn đề này.Tư lệnh liên minh NATO, tướng Philip Breedlove cũng đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraina.

Từ khi tình hình đông Ukraina căng thẳng dẫn đến xung đột vũ trang, Mỹ chỉ cung cấp áo giáp chống đạn, quân phục mùa đông, radar chống tên lửa và máy bay trinh sát không người lái cho Kiev.

Theo hãng tin TASS của Nga, Tổng thống Mỹ Obama vẫn chưa đưa ra quyết định về việc cung cấp vũ khí sát thương (cho Ukraina).

Cho đến nay, các nước phương Tây hy vọng, các đợt trừng phạt gây hậu quả lớn đối với kinh tế Nga sẽ khiến chính quyền Moskva phải xét lại chính sách của mình đối với Ukraina. Tuy nhiên, các biện pháp này hiện vẫn không thể làm thay đổi thái độ của ông chủ Điện Kremlin.

Theo giới quan sát, khi tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraina, có vẻ như Mỹ đang chơi một cú đòn gió thì đúng hơn. Nó tạo cảm nhận ở bên ngoài là Mỹ chứ không phải EU hay NATO là tác nhân quyết định trong vấn đề Ukraina và trong chuyện này thì Mỹ chủ động chứ không phụ thuộc vào EU hay NATO. Còn ở trong nước, nó giúp củng cố hình ảnh Tổng thống Barack Obama quyết đoán và cứng rắn đối với Nga.

Trên thực tế, rất khó, nếu không muốn nói là không thể có khả năng Mỹ cung cấp vũ khí cho Kiev. Cho tới nay, quan điểm chung của Mỹ, EU và NATO là giải quyết vấn đề Ukraina bằng đàm phán ngoại giao chứ không phải bằng quân sự. Nếu cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraina thì sẽ chẳng khác gì gián tiếp tuyên chiến với Nga và Moskva sẽ phản ứng bằng cách vũ trang cho lực lượng ly khai. Chiến sự sẽ gia tăng như lửa được trút thêm dầu.

Nếu làm vậy thì Mỹ có lẽ sẽ phải hành động đơn phương chứ không thể trong sự nhất trí với EU và NATO bởi EU và các thành viên NATO ở châu Âu chắc chắn không dám mạo hiểm khiêu khích Nga đến mức như trên.

Nh.Thạch

tổng hợp