Châu Á vũ trang quốc phòng:

Ai mua của ai và ai bán gì?

07:07 | 03/06/2015

2,239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Châu Á vẫn tăng tốc đầu tư vũ trang quốc phòng. Mối đe dọa Trung Quốc giờ không còn là cảnh báo. Nó hiển hiện ngày một rõ. Đối mặt với nó, không cách nào khác là phải vũ trang phòng vệ và có một chính sách đối ngoại quốc phòng hợp lý.

Năng lượng Mới số 427

An ninh quốc phòng -một ưu tiên

Tháng 4-2015, Hải quân Thái Lan yêu cầu chính phủ nước họ đầu tư cho tàu ngầm. Nếu được chuẩn y, Thái Lan sẽ là nước thứ 8 trong khu vực, cùng các nước và lãnh thổ Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ và Australia, có tàu ngầm. Trung tuần tháng 5-2015, Mỹ đã chuẩn y thương vụ 130 triệu USD chương trình nâng cấp dàn chiến đấu cơ F-16 của Singapore. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây cũng đồng ý bán tên lửa cho Indonesia và Malaysia, trị giá tương ứng 47 triệu USD và 21 triệu USD. Trong khi đó, Philippines chuẩn bị mua tàu tàng hình, trực thăng diệt tàu ngầm và tàu chiến cơ động trang bị tên lửa hành trình. Đài Loan tuyên bố đưa máy bay do thám P-3C Orion (vừa mua của Mỹ) ra biển Đông. Chuyên san quân sự IHS Janes cho biết, mọi quốc gia trong khu vực đều đang đầu tư mạnh vào quốc phòng. Indonesia dự kiến tăng 61% chi phí quốc phòng vào trước năm 2021 trong khi Philippines tăng gấp đôi trong cùng thời gian.

Ai mua của ai và ai bán gì?

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật hiện nằm trong danh sách lựa chọn của Hải quân Australia

Bởi chính sách nghiêm ngặt trong luật xuất khẩu vũ khí nên Mỹ không là nước bán nhiều vũ khí nhất cho khu vực. Các nhà cung cấp hiện tại là Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật và Brazil. Cụ thể, Philippines mua máy bay huấn luyện FA-50 từ Hàn Quốc; Việt Nam mua tàu ngầm Kilo từ Nga; Indonesia mua 20 khinh hạm từ Hà Lan. Tất nhiên Mỹ không đứng hẳn ngoài cuộc. Giới sản xuất Mỹ cung cấp thiết bị quân sự cho nhiều nước liên quan tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Các hợp đồng giao hàng đã ký với Mỹ từ 2010-2024 chiếm 30% tổng giá trị hợp đồng của Philippines, 40% của Singapore và 90% của Đài Loan. Với Indonesia và Malaysia, giá trị hợp đồng với Mỹ là khoảng 9,7% và 3,3% theo thứ tự. 

Nhật: mở cửa thị trường xuất khẩu vũ khí

Trung tuần tháng 6-2015, cuộc triển lãm vũ khí đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II đã được Nhật tổ chức tại Yokohama, gần các căn cứ hải quân Mỹ và Nhật ở Yokosuka. Sự kiện 3 ngày (từ 13 đến 15-5-2015) được thực hiện bởi Chính phủ Nhật và một công ty của Anh với hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Australia. Cuộc triển lãm xảy ra đồng thời với việc Quốc hội Nhật xem xét 2 dự luật của Nội các Shinzo Abe mang nội dung nới lỏng triển khai quân đội Nhật ra nước ngoài. Ngoài một số công ty quốc tế, giới sản xuất nội địa Nhật, trong đó có Mitsubishi Heavy Industries Ltd và Kawasaki Heavy Industries Ltd, đã giới thiệu những sản phẩm vũ khí của họ. Tàu ngầm lớp Soryu của hai nhà sản xuất trên đang nằm trong danh sách lựa chọn của Hải quân Australia. ShinMaywa Industries Ltd đang trong giai đoạn cuối đàm phán việc xuất khẩu 12 thủy phi cơ US-2i cho Ấn Độ (trị giá 1,65 tỉ USD). Và Nhật cũng đàm phán bán cho Anh máy bay săn tàu ngầm P-1 trị giá 1 tỉ USD (170 triệu USD/chiếc).

Luật nới lỏng xuất khẩu, được Nội các Shinzo Abe đưa ra vào tháng 4-2014, đặt trên 3 nguyên tắc căn bản: 1. Các nhà sản xuất cấm thực hiện những thương vụ vi phạm các hiệp ước quốc tế hoặc cho những nước đang bị cấm vận, đặc biệt Bắc Triều Tiên và Iran, và cho những nước đang xảy ra chiến sự. 2. Việc xuất khẩu vũ khí chỉ được áp dụng cho mục đích giữ gìn hòa bình thế giới và đóng góp cho an ninh quốc gia Nhật. 3. Luật chỉ cho phép bán vũ khí cho những quốc gia cam kết có thể kiểm soát được kỹ thuật và hạn chế chuyển nhượng cho bên thứ ba. Giá trị thị trường vũ khí nội địa Nhật hiện chỉ khoảng 1,5 ngàn tỉ yen (12,5 tỉ USD) mỗi năm.

Những “tay chơi” mới nổi

Các đồng minh NATO như Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan đã không mua vũ khí của Đức hoặc Mỹ. Họ mua của Samsung! Daewoo hiện đóng tàu tiếp vận cho Hải quân Anh trong khi Korea Aerospace Industries xuất khẩu chiến đấu cơ TA-50 và FA-50 cho Iraq, Indonesia và Philippines. Vấn đề một phần là giá cả. Tiêm kích cơ F-16, loại máy bay chiến đấu rẻ nhất của Mỹ, vẫn đắt hơn từ 30-50% so với máy bay Hàn Quốc, Pakistan và Ấn Độ. Và nếu muốn tiết kiệm 67%, chiếc A-29 Super Tucano của Brazil là một chọn lựa nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xuất khẩu vũ khí dẫn đường thế hệ mới trong đó có tên lửa hành trình tàng hình. Trong khi đó, nhiều nước châu Á đang xem xét mua tên lửa diệt hạm Mach 3 Brahmos của Ấn Độ với hệ thống định vị toàn cầu tương tự “hàng hiệu” JDAM của Boeing. Cách đây không lâu, Pakistan đã mua tên lửa diệt radar MAR-1 của Brazil trang bị cho chiến đấu cơ JF-17 của họ…

Chính sách đối ngoại quốc phòng

Tổng quát, ngay cả với một đảo quốc nhỏ bé lâu nay vốn yên phận với chính sách dĩ hòa vi quý là Singapore cũng đẩy mạnh đầu tư quốc phòng (mua 8 chiếc F-15E của Mỹ; 2 tàu khu trục La Fayette của Pháp, 40 xe tăng của Đức - chiếm 4% thương vụ nhập vũ khí năm 2010)… Cách đây 6 năm, Malaysia mua chiến đấu cơ trang bị tên lửa hiện đại từ Nga, tàu ngầm từ Pháp và Tây Ban Nha, khu trục hạm từ Đức và xe tăng từ Ba Lan… Với Hàn Quốc, chỉ riêng 1999-2006, chi tiêu quốc phòng đã tăng hơn 70% (6). Từ năm 2007, Hàn Quốc đã bắt đầu có mặt trong nhóm 5 nước duy nhất thế giới có tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa bắn chặn hiện đại Aegis. Và để đối phó cục diện quốc phòng khu vực đang thay đổi từng ngày, Hàn Quốc đã đưa ra chương trình Cải tổ quốc phòng trị giá 665 tỉ USD với việc tăng ngân sách quốc phòng trung bình 10%/năm từ năm 2007 đến năm 2020. Báo cáo ngân sách quốc phòng 2010 của Hàn Quốc cho thấy nước này đã tăng chi tiêu lên 23,7% chỉ riêng cho dàn tàu chiến so với năm trước…

Để có thể ứng chiến với dàn tiềm thủy đỉnh hùng hổ của Trung Quốc dù đa số là mẫu tàu sập sệ sét gỉ của Liên Xô từ thập niên 50-60 của thế kỷ trước được tân trang, các nước khu vực cũng xoáy mạnh đầu tư vào tàu ngầm. Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong chiến lược quốc phòng khu vực mà rõ ràng là nhằm phòng thủ trước tư duy “đại chu biên lưỡi bò” bao trùm biển Đông của Trung Quốc. Đầu thập niên 90, Hàn Quốc bắt đầu chế tạo chiếc đầu tiên trong 9 con tàu ngầm hiện đại dựa vào mẫu Type 209 của Đức. Sau khi mua 4 con tàu ngầm cũ của Thụy Điển hồi thập niên 90, Singapore lại mua thêm 2 chiếc năm 2005. Trong khi đó, Malaysia mua vài chiếc lớp Scorpene từ Pháp và Indonesia mua lớp Kilo từ Nga (tương tự Việt Nam, với 6 chiếc). Với Australia, nước này đã lên kế hoạch thay thế 6 chiếc lớp Collins cũ (dự kiến bỏ kho năm 2025) bằng 12 chiếc thế hệ mới trang bị tên lửa hành trình với trị giá khoảng 25 tỉ đôla Australia (trở thành chương trình hiện đại hóa quốc phòng tốn kém nhất lịch sử Australia). Và với Ấn Độ, tàu ngầm và khu trục hạm hẳn còn chưa đủ. Nước này đang đầu tư đáng kể vào hàng không mẫu hạm.

Kế hoạch điều chỉnh quốc phòng để cân bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc bằng việc mua sắm súng ống, thật ra còn chưa quan trọng so với những động thái hợp tác quốc phòng giữa châu Á với Mỹ, bởi chính điều này mới thật sự tạo ra một cục diện hoàn toàn mới đối với quốc phòng khu vực, với những ảnh hưởng lên quan hệ ngoại giao, đưa đến những tính toán có tính chiến lược lâu dài và dần có thể trở thành lá chắn phòng thủ chung cho châu Á trước sự đe dọa hung hăn từ Trung Quốc. Quan hệ quốc phòng mang tính đối phó tức thì giữa Philippines và Mỹ thời gian gần đây là một ví dụ. Không chỉ mở hầu bao mua vũ khí Mỹ mà Manila còn có thể cho phép quân đội Mỹ trở lại đóng quân ở nước mình (tại 2 căn cứ truyền thống Subic và Clark). Chính sách ngoại giao quốc phòng của Philippines là rất rõ. Trung tuần tháng 5-2015, Hải quân Philippines và Nhật đã cùng tập trận. Trước đó chỉ hai tuần, 11.000 lính Philippines, Mỹ và Australia đã tham gia chương trình tập trận chiếm đảo…

M. Kim