AI đang “hỗ trợ” cho tội phạm ảo?

11:00 | 10/05/2023

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang hiện hữu ngày càng nhiều trong mọi mặt đời sống con người. Cùng với đó các chiêu trò lừa đảo mới cũng xuất hiện đa dạng, tinh vi hơn.

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại, đặc biệt là AI để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác “đánh thẳng” vào các điểm yếu của con người như lòng tham, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ cơ quan công quyền hay áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin, hù dọa người dân để trục lợi. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư, đặc biệt là sử dụng hình ảnh người thi hành pháp luật để… moi tiền.

AI đang “hỗ trợ” cho tội phạm ảo?
Một giống cây bonsai ảo được AI hỗ trợ.

Thời gian qua, một chiêu trò sử dụng AI đồ họa khá đơn giản là chế các loại ảnh về giống hoa, cây cảnh, cây giống. Các đối tượng tạo ra các trang mua bán giống cây trên mạng xã hội với những lời rao bán hấp dẫn, giá cả lại cực kỳ… phải chăng cho các loại cây hoa cảnh, ăn trái nhìn lạ mắt và cực kỳ… đẹp. Mỗi gói hạt giống được rao bán chỉ vài chục ngàn đồng - miễn phí vận chuyển, lại thêm hướng dẫn gieo trồng, cam đoan đẹp không tì vết. Chưa hết, các đối tượng còn đặt ra chế độ khuyến mãi cho khách hàng mua nhiều, giới thiệu khách hàng mới…

AI đang “hỗ trợ” cho tội phạm ảo?
Chuyên gia AI Art Nguyễn Công Cường.

Trao đổi cùng Chuyên gia AI Art Nguyễn Công Cường - Trưởng phòng sáng tạo Công ty CP Truyền thông Năng lượng Việt cho biết, các hình ảnh do AI thực hiện rất khó phân biệt “thật - giả”. Tội phạm đánh vào tâm lý ham của lạ, hám rẻ để trục lợi. Nếu chỉ một vài người mua với giá trị vài chục đến trăm ngàn đồng thì số tiền rất nhỏ, ít người phản hồi hoặc kiện cáo. Có chăng biết bị lừa thì lên mạng tìm “đối tượng” để chửi vài câu cho... bõ tức. Nhưng thử nghĩ chiêu trò “đơn giản” này có thể lừa đảo cùng lúc cả ngàn, chục ngàn người thì tổng số tiền sẽ lên đến cả trăm triệu đồng. Khi các đối tượng thấy phản hồi nhiều, hoặc "kiếm đủ" rồi sẽ lập tức thay đổi giao diện, đổi tên mới và "diễn" lại trò cũ.

Được biết, với số tiền lừa đảo mỗi vụ rất nhỏ thì việc khiếu kiện hoặc mời cơ quan chức năng vào cuộc là cực kỳ hy hữu. Đó là chưa kể việc điều tra trên không gian mạng với các thủ đoạn thoắt ẩn thoắt hiện, phi tang nhanh chóng chỉ trong vòng vài ngày là cực kỳ khó khăn.

Những ngày qua, một số người sử dụng mạng xã hội cũng đưa ra cảnh báo về một thủ đoạn mới của đồ họa AI khi đối tượng ăn cắp ảnh của các chiến sĩ công an, sử dụng video call gọi trực tiếp cho người dân yêu cầu hợp tác điều tra về tai nạn, vụ án kinh tế… Hình ảnh trên video call được “đớp tiếng” với giọng điệu dọa nạt hòng “bắt thóp” người dân.

AI đang “hỗ trợ” cho tội phạm ảo?
Giống hoa chuông được rao bán chỉ 100 ngàn đồng/3 gói.

Chuyên gia AI Art Nguyễn Công Cường cho biết, thủ đoạn sử dụng đồ họa AI kết hợp video call này được gọi là công nghệ DeepFake. Tội phạm trên không gian mạng đã có chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động hơn. Chúng còn điều tra và nắm bắt nhiều thông tin về “nạn nhân”. Chính vì vậy, khi nhận được các cuộc điện thoại dạng này người dân thường bị bất ngờ, dẫn đến hoang mang, lo sợ và cuối cùng có thể sập bẫy một cách nhanh chóng. Sử dụng hình ảnh của người thực thi pháp luật chỉ là một trong những dạng lừa đảo tinh vi này, có những đối tượng còn sử dụng hình ảnh của người thân của người khác như cha - mẹ, con - cái thể thao túng tâm lý nạn nhân.

Có thể thấy rằng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng tinh vi và khó lường. Đặc biệt với sự hỗ trợ đắc lực của AI khiến khả năng phân biệt thật - giả của con người bị giảm thiểu. Hơn lúc nào hết, người dân, người tiêu dùng cần nâng cao tính cảnh giác, hạn chế và quản lý chặt thông tin, hình ảnh cá nhân trên không gian mạng… để không trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ của tội phạm ảo.

Thành Công

Nghệ thuật từ những mảnh vụnNghệ thuật từ những mảnh vụn
Bộ Công an ra quân xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng xã hộiBộ Công an ra quân xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội
Sập bẫy nhóm lừa đảo qua mạng, bốn phụ nữ mất trắng gần 3 tỉ đồngSập bẫy nhóm lừa đảo qua mạng, bốn phụ nữ mất trắng gần 3 tỉ đồng