9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

20:52 | 01/01/2021

171 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chắc chắn là sự kiện lớn nhất của năm 2020, nhưng các sự kiện khác, ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng quan trọng không kém. Nhiều người cảm thấy rằng họ chưa bao giờ có một năm khó khăn như vậy trong đời. Trong ấn bản tháng 12, Time gọi năm 2020 là “năm tồi tệ nhất trong lịch sử”.
9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 là sự kiện đánh dấu năm 2020. Nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta mãi mãi. Vào ngày 11/1, thế giới biết đến cái chết của một người đàn ông 61 tuổi ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), Trung Quốc, vì viêm phổi do một loại vi rút gây ra. Đến nay, số nạn nhân của Covid-19 đã vượt quá 1,5 triệu người và tổng số người nhiễm bệnh là khoảng 70 triệu người. Tất nhiên, tin tốt là sự xuất hiện của vắc-xin chống lại Covid-19 ở một số quốc gia, trong đó có Sputnik V của Nga đã được đăng ký vào ngày 11/8. Nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên diện rộng. Các chuyên gia dự báo, đến giữa năm 2021, khả năng dịch Covid-19 sẽ được khống chế hoàn toàn. Nhưng hậu quả mà nó để lại cho nhân loại là vô cùng lớn.

Sự lan rộng của Covid-19 trên khắp thế giới đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngày 9/3, cả ba chỉ số của Sở giao dịch chứng khoán New York đều giảm hơn 7% và hầu hết các thị trường trên thế giới đều báo cáo mức giảm lớn, chủ yếu là do phản ứng với đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arab Saudi. Dịch Covid-19 chứng tỏ sự lệ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc giữa những con người, doanh nghiệp và các quốc gia. Nó bộc lộ thực tế về những nguy cơ toàn cầu từ y tế, tài chính, công nghệ, đến khí hậu, chiến lược.

Trong cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc là kẻ thắng lớn: chế ngự được virus, là cường quốc duy nhất tăng trưởng được 1,8% trong năm 2020. Hoa Kỳ, châu Âu và các quốc gia mới nổi hiện nay là người thất bại. Hoa Kỳ bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch, tuy đã dành 17% GDP cho y tế và dù tránh được suy thoái nhưng sẽ không bao giờ tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2019. Nước Mỹ cũng chia rẽ hơn bao giờ hết. Tình hình châu Âu còn tệ hại hơn: suy thoái 7,5%, thất nghiệp 8,5%, nợ công tăng vọt từ 85 đến 105% GDP, Trung Quốc nhân đó tiếp tục mua rẻ các tích sản, doanh nghiệp và công nghệ mang tầm chiến lược. Các quốc gia mới nổi cũng vất vả chống chọi với cú sốc đại dịch và suy thoái. Nga cũng bị đình trệ kinh tế: suy thoái hơn 6% và dân số giảm, còn Thổ Nhĩ Kỳ thất nghiệp 17,4%, lạm phát khiến đồng lira mất 1/3 giá trị, dự trữ ngoại hối thâm thủng 5 tỉ USD…

Đứng trên góc độ địa chính trị, đại dịch Covid-19 với tầm vóc toàn cầu, sự dữ dội và phức tạp của nó đang trở thành khuôn mẫu cho thế kỷ 21, như Đệ nhất Thế chiến từng định hình thế kỷ 20. Covid-19 đẩy nhanh và bộc lộ một thế trận mới, sau mô hình thế giới lưỡng cực kết thúc năm 1989 với sự sụp đổ của Liên Xô và tiếp đến là hậu chiến tranh Lạnh.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Năm thảm họa của tình báo Iran

2020 được coi là năm thất bại của tình báo Iran khi nước này để xảy ra 2 vụ ám sát nhằm vào các vị tướng cấp cao của quân đội. Vào ngày 3/1/2020, Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, và các chiến dịch ở nước ngoài cũng như chịu trách nhiệm truyền bá các tư tưởng của Iran, bị ám sát tại Baghdad trong một cuộc không kích được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đáp lại, các lực lượng Iran ngày 8/1 đã tấn công căn cứ không quân Al-Asad của Mỹ ở miền tây Iraq và một sân bay ở tỉnh Erbil, phía bắc Iraq. Tiếp đến, hồi cuối tháng 11/2020, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Moh­sen Fakhrizadeh bị ám sát ngay tại Tehran. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định, chính “kẻ thù không đội trời chung của Iran” là Israel đã tham gia vào vụ ám sát. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Thiếu tướng Ali Shamkhani cho biết ông Fakhrizadeh đã bị tình báo Israel và một nhóm đối lập lưu vong sát hại trong một chiến dịch rất phức tạp, sử dụng thiết bị điện tử và không ai xuất hiện ở hiện trường”. Hiện tại, chính quyền Iran chọn cách chờ đợi cho tới khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ trước khi tính đến việc trả thù hoặc cứu vãn thể diện.

Bên cạnh đó, trong suốt năm qua, Iran cũng chịu không ngớt những đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ. Tehran đã gia tăng các hoạt động hạt nhân hòng gây sức ép với cộng đồng quốc tế để giúp nước này hạn chế thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây cho.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Xung đột Trung Quốc-Ấn Độ buộc New Delhi phải chọn phe

Vào tháng 5/2020, một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và New Delhi ở khu vực Aksai, nằm trên biên giới giữa Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ. Khu vực này do Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng và những tổn thất về phía Trung Quốc không được công bố. Mặc dù New Delhi và Bắc Kinh tuyên bố phải tìm cách giảm leo thang, nhưng tình hình căng thẳng vẫn ở mức cao sau vụ đụng độ dữ dội trên. Sau vụ đối đầu này, nhiều cuộc thương lượng quân sự giữa hai bên đã được tổ chức nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào. Vụ việc xảy ra vào lúc dịch Covid-19 đang hoành hành đặt Thủ tướng Modi trước những thách thức ngoại giao khó khăn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2014. Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại trung tâm tham vấn Wilson Center ở Washington, chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là “một điều bình thường mới” trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.Cho dù tình hình căng thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu với dịch Covid-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.

Từ trước đến nay, Ấn Độ vẫn do dự, không muốn bị lôi kéo vào một liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu và chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi giữa năm là chỉ dấu cho thấy Ấn Độ đã chọn phe khi New Delhi và Washington ký thỏa thuận an ninh quan trọng vào ngày 27/10.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Cuộc chiến Armenia-Azerbaijan và vai trò của Nga một lần nữa được khẳng định

Vào ngày 27/9/2020, một cuộc đối đầu vũ trang nổ ra ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia-Azerbaijan. Đây là trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất mà khu vực Kavkaz từng biết kể từ khi kết thúc chiến tranh Nagorno-Karabakh. Vào ngày 10/11/2020, các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga đã ra tuyên bố về việc ngừng bắn trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. Ở Armenia, thỏa thuận này được coi như một sự đầu hàng. Để phản đối, hàng nghìn người đã xuống đường ở Yerevan và xông vào quốc hội. Theo thỏa thuận, gần 2.000 lính Nga được triển khai để kiểm soát việc thực thi ngừng bắn ở các khu vực dọc “đường tiếp xúc” và “hành lang Latchine”. Quân đội Nga cũng kiểm soát việc triệt thoái các lực lượng Armenia khỏi vùng Nagorno-Karabakh ly khai, thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nơi tuyệt đại đa số cư dân là người Armenia. Các đơn vị Nga dự kiến sẽ ở lại khu vực này 5 năm, và công tác này có thể được triển hạn thêm 5 năm tiếp. Với thỏa thuận trên, Tổng tống Vladimir Putin giành được chiến thắng trên cả hai mặt: vừa đóng vai trò nhà trung gian và hòa giải tái tạo lại khu vực, vừa thiết lập được sự hiện diện lâu dài của quân đội Nga trong vùng. Điện Kremlin còn có được một lợi thế tiềm tàng khác, đó là Thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, không được lòng Moscow lắm, có lẽ sẽ phải đối mặt với khả năng quyền lực bị lung lay sau cuộc khủng hoảng và sau thất nặng nề của phía Armenia.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng đỉnh điểm

Trong năm qua, quan hệ Mỹ - Trung xấu đi đáng kể, khiến chính quyền Mỹ quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Houston. Các nhà chức trách Trung Quốc mô tả quyết định này của Mỹ là "điên rồ" và cũng đã đáp trả bằng việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Trong gần nửa thế kỷ từ ngày chính thức thiết lập bang giao, đây không phải là lần đầu tiên văn phòng ngoại giao của đôi bên hứng chịu sóng gió. Có điều sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tinh thân dân tộc chủ nghĩa của cả đôi bên cùng đang dâng cao. Viễn cảnh hàn gắn lại càng thêm đen tối. Trên thực tế chỉ là bước kế tiếp trong số những hiềm khích giữa hai siêu cường của thế giới này. Những nghi kỵ chồng chất xuất phát từ sự cạnh tranh cả về quân sự, đến ngoại giao và kinh tế, thương mại, công nghệ. Mỹ và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đọ sức trên hầu hết các hồ sơ từ Biển Đông cho đến Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương… Tình hình đã đột ngột xấu đi thêm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và Tổng thống Trump vẫn dứt khoát gọi virus corona chủng mới là “siêu vi Trung Quốc”, để nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế trong tai họa y tế lần này.

Theo The Wall Street Journal, việc dồn hỏa lực vào Trung Quốc là điều tất yếu, bởi “trọng lượng của Trung Quốc quá lớn, Bắc Kinh có quá nhiều mối liên hệ mật thiết với thế giới và đã không ngừng dẫm chân lên Hoa Kỳ trong tất cả mọi lĩnh vực”. Nói cách khác, trong hoàn cảnh đó, khó có thể tin rằng giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung đã qua ngay cả khi ông Biden vào Nhà Trắng. Báo Le Monde cho rằng, “cuộc đối đầu giữa hai siêu cường của thế giới sẽ còn tiếp tục lan rộng thêm”. Vậy đâu là những mặt trận sắp tới trong cuộc đấu tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh? Có người cho rằng tôn giáo sẽ là một sân chơi mới trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, còn theo quan điểm của một số chính khách và giới bảo vệ môi trường, sông Mekong có thể là “một mặt trận” trong cuộc tranh hùng.

Chưa khi nào châu Âu lại “đối cứng” với Trung Quốc như trong năm qua. Ngày 14/9, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc họp thượng đỉnh qua cầu truyền hình bàn về hợp tác kinh tế mặc dù căng thẳng ngoại giao vẫn đang tiếp diễn. Nếu như trước đây, EU thường bị “lóa mắt” trước những món lợi kinh tế mà Trung Quốc hứa sẽ đem lại, thì nay sau một thời gian khảo nghiệm, các nước châu Âu đã “tỉnh đòn” hơn và mọi thứ trở nên đều sòng phẳng ngả bài. Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Bruxelles ghi nhận một số tiến bộ nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cho ra đời hiệp định đầu tư song phương (CAI) đã được hai bên đàm phán từ 7 năm qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen thông báo đã đạt được một số tiến bộ với Trung Quốc trên ba điểm: ứng xử của các công ty Nhà nước Trung Quốc, chuyển giao công nghệ và chính sách trợ cấp cho các công ty quốc doanh. Bất đồng vẫn tồn tại trên hai vế: việc mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nhân châu Âu và dư thừa sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thủ tướng Đức cho rằng tất cả tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của các bên.

Bà Von der Leyen đã tránh đi sâu vào chi tiết liên quan đến những điểm vừa nêu nhằm để ngỏ khả năng CAI vẫn là các đích các bên nhắm tới. Nhưng quan trọng hơn cả là châu Âu không còn cả tin vào Trung Quốc như trước đây. Theo chuyên gia Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, điểm hết sức quan trọng là lập trường của châu Âu về Trung Quốc đang thay đổi rất nhanh và những bức xúc của châu Âu đối với Bắc Kinh đã thêm dồn dập. EU quá mệt mỏi trước những hứa hẹn trống rỗng của Bắc Kinh. Trung Quốc cam kết nhiều nhưng thực hiện thì không bao nhiêu. Giờ đây Bruxelles mạnh mẽ đòi Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, có qua có lại và đòi các doanh nghiệp châu Âu phải được đối xử bình đẳng trên nhiều lĩnh vực.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầy sôi động

Ngày 7/11, các kênh truyền thông thân đảng Dân Chủ tuyên bố ứng cử viên Joe Biden chính thức đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống sắp mãn nhiệm của Đảng Cộng hòa Donald Trump và những người ủng hộ ông vẫn không công nhận chiến thắng của Biden và tố cáo có gian lận. Mặc dù Nhà Trắng vẫn để nhóm của Biden tiến hành các thủ tủ chuyển giao quyền lực nhưng phe của ông Trump vẫn tiếp tục cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược thế cờ. Ví dụ, Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton đã kiện Tòa án Tối cao để yêu cầu xem xét lại kết quả bầu cử ở Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, nơi Biden đã giành chiến thắng... Nhưng ngày 8/12, mọi nỗ lực kiện tụng của nhóm ông Trump đã chấm hết vì đây là hạn chót để giải quyết các thách thức pháp lý hậu bầu cử Mỹ cấp tiểu bang, hay còn được biết tới là ngày "safe harbor" (tạm dịch: cảng an toàn). Với kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn ngày 14/12 nghiêng về phía ông Biden, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chấp nhận việc đảng của họ sẽ mất Nhà Trắng. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa còn đối diện với nguy cơ đánh mất cả Thượng viện vào tay Đảng Dân chủ trong ít nhất 2 năm tới nếu để thua trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ ở bang Georgia đầu năm sau. Trước đó, khi được hỏi liệu ông có chấp nhận rời Nhà Trắng nếu ông thua trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 14/12 hay không, ông Trump trả lời: "Chắc chắn tôi sẽ và bạn biết điều đó".

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Belarus, một năm hỗn loạn

Belarus rơi vào hỗn loạn sau khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. Theo đó, ông Alexander Lukashenko đã tái cử sau hơn ¼ thế kỷ nắm quyền tại Belarus. Phe đối lập nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài đã biến Lukashenko, ứng cử viên được 80% phiếu bầu, thành người thất bại thông qua phong trào biểu tình đường phố. Những diễn biến này đã tái hiện những gì đã xảy ra tại Ukraine vào năm 2004 với tên gọi “Cách mạng Cam” và vào năm 2014 với phong trào mang tên Euromaidan. Người biểu tình khi ấy được những người thất bại trong bầu cử hô hào xuống đường nhằm lật ngược tình thế. Điều mấu chốt cho các phong trào này lan rộng và “thành công” là sự hỗ trợ từ chính quyền các nước châu Âu và Mỹ cũng như không thể thiếu vai trò của giới truyền thông phương Tây. Người biểu tình Ukraine khi ấy và cũng như Belarus bây giờ đều giơ cao khẩu hiệu “thoát Nga, theo phương Tây”. Tư tưởng “chiến tranh Lạnh” của phương Tây không kết thúc ngay cả khi Liên bang Xô Viết tan rã. Sự nổi lên của Nga trong những năm gần đây càng làm cho lối hành xử này thêm ráo riết. Cho đến nay, cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus đã vượt qua thời kỳ cao trào nhất, hay nói chính xác hơn là Tổng thống Alexandre Loukachenko đã “gần như thoát nạn”. Mặc dù ông Loukachenko có ý muốn xa rời Nga, đôi lúc có những phát biểu mang tính bài xích Moscow nhưng trong lúc hoạn nạn nhất, chính Tổng thống V.Putin lại là người đứng ra che chắn cho ông Loukachenko trước những công kích từ phương Tây.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Trung Quốc khuấy động các vùng biển tranh chấp

Trong năm 2020, Trung Quốc tiến hành tổng cộng 6 cuộc diễn tập tại các vùng biển có tranh chấp. Biện minh cho tất cả những hành động này, Trung Quốc nói là để “trấn áp và ngăn chặn các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ trong khu vực”. Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang về nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, công nghệ, nhân quyền đến vấn đề Biển Đông với việc Washington tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời gia tăng sự hiện diện hải quân trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Hoa Kỳ và các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc “quân sự hoá” khu vực tranh chấp ở Biển Đông, và Mỹ thường xuyên gửi tàu chiến đi ngang qua tuyến đường thủy chiến lược này. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% vùng biển giàu năng lượng này nhưng Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với một phần vùng biển. Khoảng 3 ngàn tỉ đôla thương mại đi qua tuyến đường thủy này mỗi năm. Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ trên các đảo san hô trong khu vực nhưng nói ý định của họ là vì mục đích hòa bình. Việc cả Trung Quốc và Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này đều không được các nước trong khu vực hoan nghênh.

Việc Bắc Kinh đang diễu võ dương oai ở các vùng biển có tranh chấp nhằm 3 lý do. Thứ nhất là hù dọa Đài Bắc và thuyết phục Mỹ giữ khoảng cách với Đài Loan mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Thứ hai là mạnh mẽ tỏ thái độ bất bình trước sự hiện diện ngày lớn của quân đội Mỹ trong khu vực mà Bắc Kinh luôn coi là sân sau của mình. Lý do thứ ba khiến Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm gia tăng sức ép với các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như với Philippines. Trước sự cạnh tranh và đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, khối ASEAN từ chối chọn phe. Thực tế chính trị và lịch sử của đa số các quốc gia trong vùng Đông Nam Á là duy trì chính sách cân bằng giữa các cường quốc, cũng như luôn bận tâm về nguy cơ một nước thứ ba gây ra một cuộc chiến trong khu vực. Có thể nói trong năm qua, những nước có chung Biển Đông và những vùng biển có tranh chấp khác đang trở thành con tin trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đầu tiên là căng thẳng thương mại, tiếp theo là quan hệ thương mại trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và hiện giờ là chính sách ngày càng hiếu chiến hơn giữa các bên liên quan đến Biển Đông.

9 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Địa Trung Hải dậy sóng vì tranh chấp khí đốt

Từ khi được phát hiện chứa nhiều tài nguyên dầu khí, Đông Địa Trung Hải đã dần trở thành "sân khấu" cho một cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa các nước ven bờ biển này mà đại diện một bên là Thổ Nhĩ Kỳ cùng Libya và phía bên kia là đảo Síp, Hy Lạp, Irsael và Liên minh châu Âu hậu thuẫn. Trong năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục cử tàu thăm dò dầu khí, rồi tập trận quân sự ở Địa Trung Hải, gây ra sự phản đối đặc biệt từ Nicosia, Athens và Cairo.Việc tìm kiếm dầu khí này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nguồn gây căng thẳng với Liên minh châu Âu. EU tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ "khoan thăm dò bất hợp pháp", và giữa tháng 12/2020 đã đưa ra biện pháp trừng phạt Ankara. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ các biện pháp trừng phạt của EU cho thấy Brussels không còn chấp nhận những hành động gây bất ổn trong quỹ đạo của mình. "Châu Âu thực sự đã chứng tỏ khả năng thể hiện sự cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm chấm dứt các hành động đơn phương của họ ở Đông Địa Trung Hải. Tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã cho Thổ Nhĩ Kỳ một cơ hội, nhưng cái chúng tôi nhận được là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích của mình". Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, là một ứng cử viên muốn gia nhập EU. Bất đồng mới nảy sinh sẽ càng gây khó khăn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán về gia nhập "ngôi nhà chung châu Âu".

“Những kẻ nổi loạn” thành công nhất châu Á năm 2020!“Những kẻ nổi loạn” thành công nhất châu Á năm 2020!
Thị trường bất động sản Hà Nội năm 2020: Đất nền “lên ngôi”Thị trường bất động sản Hà Nội năm 2020: Đất nền “lên ngôi”
Thế giới đã thay đổi thế nào trong năm 2020?Thế giới đã thay đổi thế nào trong năm 2020?
10 sự kiện, vấn đề y tế Việt Nam nổi bật năm 202010 sự kiện, vấn đề y tế Việt Nam nổi bật năm 2020
TPHCM: Thành lập Thành phố Thủ Đức là sự kiện nổi bật năm 2020TPHCM: Thành lập Thành phố Thủ Đức là sự kiện nổi bật năm 2020

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc