8x làm giàu từ tăm

19:00 | 25/09/2014

1,573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2009, sau đi bộ đội về anh Nguyễn Bách Trường (Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) đã bắt đầu mày mò mở xưởng làm tăm và đến nay cơ sở sản xuất Trường Thịnh của anh có doanh thu 60 – 100 triệu/ tháng, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 hộ dân địa phương.

Khởi nghiệp từ… tạ tăm

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, chi học đến lớp 8, chàng trai Nguyễn Bách Trường (sinh năm 1987) phải nghỉ 1 kỳ để làm thêm nghề nến để kiếm tiền giúp bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trường quyết định nhập ngũ, tự học và ấp ủ con đường kinh doanh.

Anh Trường kể lại, do gia đình có truyền thống làm tăm, nên đối với anh những que tăm quý như “viên ngọc”. Anh đã từng băn khoăn: “Tăm dùng để xỉa răng tại sao lại không có tăm sạch, không độc hại? Mình có thể làm sản phẩm tăm tốt nhất cho người tiêu dùng không?”.

Anh Nguyễn Bách Trường bên sản phẩm tăm giang của mình

Quyết định mở xưởng kinh doanh với số vốn vài tạ tăm mẹ đưa, anh mang bán được 5 triệu đồng và dùng số tiền đó cùng vợ gây dựng cơ nghiệp. Anh bảo: “Người ta nói cho cần câu cơm còn hơn xâu cá. Tôi luôn cảm ơn mẹ vì điều đó. Mình bắt đầu học hỏi, đọc trên mạng tìm ra cách thức cạnh tranh trên thị trường”.

Đối với ông chủ 8x này, thời gian đầu khởi nghiệp là quãng thời gian khó khăn và vất vả nhất trong sự nghiệp kinh doanh. Trong vòng 2 năm đầu, anh trực tiếp mang tăm đi tiếp thị đến từng cửa hàng hay gửi bán từng gói tăm. Không ít lần anh Trường đã phải đi 10-20 cây số chào hàng mà không bán được, bị từ chối với lý do “không có thương hiệu”, “không đủ tin tưởng” nên không ít lần “đói chẳng dám ăn, khát chẳng dám uống”; trong thời gian đó, vợ anh vẫn tiếp tục làm tăm tại nhà để hỗ trợ nguồn hàng cho chồng.

Anh kể lại: “Tôi nhớ có lần đi chào hàng 3 lần nhưng chủ quán nhất định không lấy hàng vì mình là người lạ, sản phẩm lạ. Mình có xin cô cho cơ hội nhưng cô vẫn kiên quyết từ chối. Sau 3 năm, chính cô gọi điện tìm đến mình đặt hàng. Thực sự mình phải cảm ơn cô vì chính điều đó khiến mình sôi sục, quyết tâm hơn để có sản phẩm chất lượng, thương hiệu tốt”.

Thậm chí trong khoảng thời gian đầu khó khăn nhất đã có lần hai vợ chồng bàn nhau mua máy xay nước mía bán thêm để “lấy ngắn nuôi dài” hay có lần chán nản nghĩ bỏ nghề này kiếm một công việc làm thuê nuôi sống gia đình.

Thế nhưng, anh Nguyễn Bách Trường nhấn mạnh: “Đã theo nghề thì chấp nhận có lỗ, có lãi; có khó khăn, thất bại… Nguồn vốn không có, kỹ thuật chưa cao, không có kinh nghiệm quản lý, lao động chưa chuyên nghiệp… là những khó khăn mình gặp phải và đã giải quyết dần dần. Vài lần, tăm mốc hay không đạt chất lượng mình tìm cách khắc phục”.

Bán tăm rong đến thu nhập trăm triệu/tháng

Từ giai đoạn đầu nhà xưởng còn xập xệ, máy móc, nhân công không có, hai vợ chồng tự làm thủ công, tranh thủ đêm hôm đóng gói để tiết kiệm chi phí… Hiện giờ cơ sở khang trang của anh Trường có 10 nhân công làm việc tại xưởng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho 100 hộ gia đình thuộc xã Cát Quế.

Những ngày đầu anh chỉ đủ mua chiếc máy dập hộp giá 2 triệu đồng, nhưng hiện nay máy móc trang bị ở xưởng có trị giá lên đến gần 2 tỷ đồng. Anh Trường kể: “Ngày đó xưởng lụp xụp, nóng bức lắm, những ngày mưa dột đêm hai vợ chồng đang ngủ phải tỉnh dậy chuyển tăm vào nhà che chắn để tránh ẩm mốc. Dần dần có thêm vốn tôi sắm máy móc, đến năm 2013 làm căn nhà và xưởng đằng sau rộng rãi hơn”.

Tăm giang trong công đoạn sấy khô

Từ một chàng trai mang tăm đi bán rong khắp các nẻo đường, hiện tại Nguyễn Bách Trường đã trở thành ông chủ của một xưởng sản xuất tăm giang có tiếng, đạt doanh thu 3 tỷ/năm. Bí quyết thành công của anh chính là ý tưởng tạo dựng tăm VIP được làm từ cây giang thay cho chất liệu tre quen thuộc. Tăm giang của anh có thân tròn, bóng, đầu nhẵn nhưng  có tính dẻo, dai và mùi thơm nên giá thành đắt hơn. 

Ông chủ 8x Nguyễn Bách Trường đã mất một năm để đưa tăm giang vào thị trường Việt. Bách Trường nhập giang về, giao cho từng hộ gia đình, tuốt sợi bằng tay. Sau đó, các sợi giang sẽ được chuyển về xưởng chọn lọc đạt chất lượng, tiến hành xén, sấy khô và đóng gói lại cơ sở sản xuất của gia đình anh.

Một trong những quy trình quan trọng nhất khi làm tăm đó là sấy khô. Anh nói: "Cây giang là nguyên liệu tươi nên cần được sấy bằng ga để làm khô trong 10 phút. Nếu kỹ thuật sấy đạt chuẩn, tăm sẽ được bảo quản từ 6 tháng - 1 năm, còn nếu không tăm sẽ nhanh bị hỏng, mốc. Tăm bằng giang không tẩy trắng bằng lưu huỳnh, còn giữ nguyên được màu xanh, mùi thơm, mang đến sản phẩm an toàn, có giá trị sử dụng tốt nhất”.

Bên cạnh chất lượng của tăm, anh Trường rất chú trọng việc thiết kế mẫu mã cho sản phẩm. Tăm Trường Thịnh được hai thành 7 loại, nổi bật nhất là tăm tiệc cưới và tăm vỉ. Trong đó tăm tiệc cưới có bao bì ấn tượng với gam màu đỏ và vàng. Ông chủ 8x quan niệm: “Đời sống ngày càng cao, người tiêu dùng không chỉ sử dụng đồ tốt mà còn đẹp”.

Công nhân trong cơ sở sản xuất tăm Trường Thịnh

Hiện tại, tăm của anh Trường được bán với giá khoảng 1.000 đồng/gói, 6.000 đồng/hộp. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất Trường Thịnh tiêu thụ khoảng 3 tấn tăm, mang về doanh thu cho anh là 3 tỷ/năm. Ông chủ 8x mong muốn sẽ mang sản phẩm của mình vào thị trường miền Nam và xuất khẩu sang nhiều nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan...

Với phương châm kinh doanh thật thà và uy tín đặt lên hàng đầu chứ không phải làm sản phẩm kém chất lượng chi phí thấp để cạnh tranh trên thị trường, đến nay cơ sở sản xuất của anh Trường đã có thương hiệu và đem về thu nhập lớn.

Sắp tới, anh dự định sản xuất loại tăm đặc biệt hơn là không độc hại, không ảnh hưởng môi trường, tự tiêu hủy được, người dùng có thể nuốt… “Tôi đang trong thời gian thử nghiệm và luôn hy vọng mang đến sản phẩm tăm tốt nhất, an toàn nhất cho người tiêu dùng”, anh Trường nói thêm.

Ghi nhận những đóng góp của anh cho việc phát triển kinh tế địa phương, năm 2014, Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã trao tặng anh bằng khen Thanh niên làm kinh tế giỏi của Thủ đô và hiện anh đang là ủy viên Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi của Hà Nội. 

Khánh An