40 năm vá xe lề đường

07:09 | 09/04/2014

716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
80 tuổi, 40 năm bám trụ, kiếm sống ở ngã tư này, tài sản quý giá của cụ Nguyễn Thị Giới chỉ là tấm bạt nhựa thỉnh thoảng được căng lên mỗi khi trời mưa gió, chiếc xe đẩy với vài món đồ bơm vá lốp xe, một bình xăng nhỏ, và cuối cùng là chiếc ghế xếp cùng tấm chăn để ngả lưng qua mỗi đêm sương lạnh.

Sống một cuộc sống màn trời chiếu đất như vậy nhưng cụ luôn khiến người ta ngạc nhiên về sự lạc quan, thân thiện, cùng với nụ cười luôn thường trực trên môi ngay trong lần đầu gặp mặt. Kể về cơ duyên đến với công việc vốn dĩ hợp hơn với những người đàn ông, cụ bà cười tươi: “Cái nghề bơm vá xe là ông chồng quá cố của tôi để lại đó”. Với tính bộc trực, hào sảng của người mượn lề đường làm nhà, đường phố làm chốn mưu sinh, cụ chẳng ngại ngần kể về cuộc đời đầy biến cố của mình. Ít ai biết được, đằng sau nụ cười của cụ bà mạnh mẽ ấy là cả một quá khứ đầy đắng cay, vất vả.

Long đong phận nghèo

Cụ sinh ra ở Hà Nội trong ngày đất nước đang chìm trong khói lửa, giặc đói hoành hành. Khi cụ chưa đầy 8 tuổi đã phải chứng kiến cảnh cha qua đời vì nạn đói. Người mẹ đưa bốn anh chị em cụ đi ở đợ cho nhà giàu rồi bỏ đi. Chiến tranh bùng nổ, một người anh của cụ qua đời vì bom đạn, còn lại ba anh chị em mỗi người một ngả. Đến chừng 12 - 13 tuổi, nhà chủ chuyển sang Mỹ sinh sống, cụ trôi dạt vào Sài Gòn đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Cụ Giới ngậm ngùi nhớ lại: “Có khi làm quần quật từ sáng tới tối mà không được trả đồng nào. Mỗi lúc không làm vừa ý chủ là bị đánh đập.” Năm tháng ròng rã trôi qua, gương mặt người mẹ cứ thế phai nhòa trong kí ức, đến cả một cái tên, cụ cũng không nhớ nổi. Có lẽ tuổi thơ đầy khốn khó ấy đã khiến người phụ nữ có được tính cách mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Lên năm 15 tuổi thì cụ lấy chồng. Khi ấy, cụ lấy ông vì nghĩ rằng có chồng sẽ được đỡ đần cuộc sống, lại thêm ủi an phận côi cút lang thang. Theo chồng về sống ở Đà Nẵng được 2 năm, sinh một cô con gái thì cơm không lành canh không ngọt. Khi con gái được 4 tuổi thì cụ bế con bỏ vào Sài Gòn sinh sống. Nhưng chẳng bao lâu sau thì người chồng tìm đến, đem con gái về quê. Và đó cũng là lần cuối cùng cụ được nhìn thấy con. Giọng cụ chùng xuống: “Giờ chắc nó cũng ngoài 60 rồi, không biết giờ này sống chết ra sao…”. Lấy vạt áo chấm nơi khóe mắt, ánh mắt mờ đục vẫn hướng về xa xăm, cụ Giới kể tiếp câu chuyện cuộc đời.

Cụ bà Nguyễn Thị Giới (80 tuổi) vá xe nơi ngã tư Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu

Tiếp tục cuộc sống làm thuê làm mướn, đến năm 20 tuổi, cụ gặp được người chồng thứ hai. Cảm mến vì người phụ nữ tính tình hồn hậu mà cảnh đời trắc trở, người đàn ông bày tỏ nỗi niềm muốn kết nghĩa vợ chồng. Người phụ nữ đã qua một lần đò gật đầu ưng thuận trong sự hân hoan khôn tả. Từ đấy, hai ông bà cùng chung tay làm nghề giặt ủi. Ngày ngày chồng giặt vợ là, 7 người con lần lượt ra đời. Nhờ chăm chỉ làm ăn, ông bà đã mua được căn nhà ở số 337/3 đường Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh.

Thế nhưng niềm vui này cũng chẳng được bao lâu. Trước đây nghề giặt ủi còn kiếm ra tiền, nhưng sau giải phóng, đất nước nghèo nên chẳng ai thuê. Chỉ còn 6.000 đồng bạc, hai ông bà quyết định mua một cái ống bơm xe và cái thùng sắt đựng dụng cụ vá xe. "Lúc đầu, vợ chồng tôi xuống dưới đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Nhưng vì tranh giành chỗ làm ăn với người khác nên bị họ đuổi. Hai vợ chồng quyết định về góc ngã tư này", bà Giới kể. Kể từ đó, góc đường Nguyễn Văn Đậu và Lê Quang Định đã trở thành chứng nhân cho 40 năm đằng đẵng vá xe không mệt mỏi của cụ bà Nguyễn Thị Giới.

Dường như hai chữ truân chuyên đã vận vào bà từ lúc sinh ra cho đến tận lúc tuổi đã xế chiều. Cụ ông chẳng may phát bệnh, nằm liệt giường. Bao nhiêu tiền của, tài sản quý giá cụ bà đều cầm cố để hy vọng chữa chạy được cho chồng. Bệnh của chồng cụ ngày càng trở nặng, ròng rã suốt 10 năm trời một tay cụ thuốc thang, chăm bẵm nhưng rồi cũng hoài công. Cụ ông ra đi trong một cơn bạo bệnh, đến nay cũng đã được 17 năm. Căn nhà hai vợ chồng cần kiệm mới mua được phải rao bán để lấy tiền trả nợ rồi chia cho các con mỗi người một ít để làm ăn. Kể từ đó, góc đường bà vẫn thường vá xe cho khách trở thành nhà...

Những người con của bà cũng lăn lộn với đời để kiếm sống, người thì làm nghề sơn nước, người làm nghề hàn sắt, khoan giếng, tài xế... Lâu lâu, họ lại ghé thăm bà. Hỏi tại sao cụ đông con cháu mà không về cho ai đó nuôi thì cụ lại cười: “Mình còn sức thì còn làm. Tụi nó cũng muốn đón tôi về, nhưng thấy chúng nó khổ cực, giờ phải nuôi thêm tôi còn khổ hơn, tôi không đành lòng. Làm cho đến khi nào hết sức thì tôi mới nghĩ đến việc về nhà cho con cháu nuôi.” Được biết, nhà vợ chồng người con trai thứ tư hiện ở gần ngay nơi cụ sống, "Nhưng do nhà của vợ chồng nó chật quá nên tôi chỉ về tắm giặt vào buổi sáng, thời gian còn lại chủ yếu tôi ở túp lều này, vừa vá xe vừa ngủ qua đêm ở đây", cụ cho biết.

40 năm, nhiều biến cố xảy ra, chồng mất, nhà bán, các con mỗi đứa một nơi nhưng cụ Giới vẫn bám trụ góc phố này như một sự gắn bó định mệnh. 40 năm, việc vá xe đã quá quen thuộc với cụ Nguyễn Thị Giới. Cụ không ước mơ một ngày nào đó mình sẽ đủ sống mà không cần vá xe nữa, cụ chỉ ước có nơi trú ngụ cho tuổi già. Vá xe, không chỉ là mưu sinh mà cũng là cách để cụ giữ những ký ức về người chồng yêu thương, về những tháng ngày ấm nồng bên người đàn ông của cuộc đời mình. Nhìn bà cụ vá xe thành thục và tháo vát trước cái tuổi 80 của mình, ít ai nghĩ rằng để có được sự lành nghề này, cụ rất nhiều lần bị giập tay, chảy máu.

Ban ngày cụ chỉ kiếm được chút đỉnh nhờ một vài miếng vá. Bởi thế, bà cụ phải chong đèn đến khuya, khi các tiệm sửa xe khác đều đóng cửa thì mới mong kiếm thêm chút đỉnh. Cụ cứ ngủ chập chờn trên chiếc ghế bố, hễ có khách ghé lại thì cả chủ lẫn khách... cùng nhau hì hục vá xe. Cụ chỉ lấy đúng 15.000 đồng/miếng vá, tuyệt nhiên không hề có chuyện lợi dụng đêm khuya mà cụ tăng giá hay bắt chẹt khách lỡ độ đường.

Hiệp sĩ giao thông

Tuy cuộc đời gặp nhiều truân chuyên, nhưng cụ Giới chưa bao giờ đầu hàng số phận. Ở cụ lúc nào cũng tràn đầy nghị lực sống. Điều đặc biệt là cụ luôn biết sống vì cộng đồng, nghĩ về cái chung và làm những điều mình cho là đúng.

Chính cái suy nghĩ "sống vì cộng đồng, vì cái chung", đã đưa cụ đến những hành động mà nhiều người cho là bà bao đồng, khi tham gia... điều tiết giao thông. Cụ cho biết, hằng ngày vá xe bên lề đường, cụ phải chứng kiến cảnh người ta kèn cựa nhau từng tí một. Đường chật, xe đông mà không ai chịu nhường ai khiến giao thông tại ngã tư này càng trở nên hỗn loạn, xảy ra không ít vụ tai nạn. Mỗi lúc như vậy, bà cụ lại xông ra đường, giúp điều tiết xe, phụ người dân xung quanh đưa người bị thương đi cấp cứu. Không ít khi bị người đi đường phàn nàn, khó chịu nhưng cụ không để bụng, không buồn vì những câu bực dọc, thậm chí mắng nhiếc của những người thiếu ý thức. Cụ vẫn làm cái việc mình cho là cần làm. “Mưa dầm thấm lâu”, thói quen lâu dần cũng thành hình, mọi người dần ủng hộ và lưu thông theo sự "hướng dẫn" của cụ mỗi lúc kẹt xe. Cụ cũng không nhớ đã làm việc này từ năm nào, chỉ biết lúc đó ở ngã tư này chưa có cột đèn tín hiệu. "Tôi làm không phải để lấy vinh dự hay để người ta thưởng tiền. Tôi làm vì muốn giúp người ta đỡ khổ khi phải chôn chân giữa đường", cụ chia sẻ.

Cụ Giới nâng niu những tấm bằng khen

Cụ Giới cười vui: “Mệt thì tất nhiên là rất mệt, nhưng tôi rất vui vì đã làm được một việc tốt giúp ích cho mọi người. Giờ thì nơi đây đã có trụ đèn giao thông rồi, có cả dân quân tự vệ giúp các anh cảnh sát giao thông nên tôi cũng không thường xuyên ra đường để làm công việc này nữa. Chỉ có lâu lâu các anh cảnh sát bận điều tiết giao thông dưới lòng đường thì tôi phụ các anh bấm nút hộp đèn điều khiển”.

Suốt nhiều năm hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông tại ngã tư đường này, nỗ lực của cụ Giới đã được các ngành chức năng và báo đài ghi nhận. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký bằng khen tặng cụ về những đóng góp cho ngành giao thông, cụ còn được kênh VOV giao thông phối hợp với một doanh nghiệp trao tặng quà và danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”. Đặc biệt, một tấm huy chương và tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch nước gửi tặng bà vì những đóng góp cho cộng đồng… Điều đó đã khích lệ tinh thần bà rất nhiều. Bà luôn xem những phần thưởng cao quý ấy như kỉ vật của cuộc đời mình.

Tuy cuộc đời gặp nhiều truân chuyên, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Giới chưa bao giờ đầu hàng số phận. Ở cụ Giới lúc nào cũng tràn trề một nghị lực sống, một sự mạnh mẽ hơn người. Cụ Giới tâm sự: “Tuy khá vất vả nhưng cũng tạm gọi là có đồng ra đồng vô đắp đổi qua ngày. Vả lại, từ khi tham gia điều khiển giao thông, tôi tự thấy mình vẫn còn có ích cho xã hội. Từ lâu đã gắn bó với góc đường này, nên mọi việc dần quen không có gì là quá khó khăn mệt nhọc nữa, tôi sẽ làm đến khi nào hết sức thì thôi”.

Nguyên Phương