Vì sao giá năng lượng tái tạo vẫn còn cao?

08:59 | 19/11/2017

1,612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá năng lượng tái tạo tiếp tục giảm, nhưng gần đây, tốc độ giảm đã bắt đầu chững lại, theo các dữ liệu từ những nghiên cứu của Lazard được trình bày vào ngày 17/11.
vi sao gia nang luong tai tao van con cao

Chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời đang giảm nhanh chóng, nhưng công nghệ lưu trữ vẫn còn khá đắt. Điều này cản trở rất nhiều đến sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch và kìm hãm lợi thế về giá, khi mà chi phí thực tế tính tổng thể là cao gấp gần 5 lần so với điện truyền thống.

Trong 8 năm qua, tính bình quân, giá điện mặt trời giảm 15,5%/năm và 13%/năm đối với điện gió. Nhưng giá chỉ giảm khá mạnh trong nửa đầu của thời kỳ này và giảm rất ít trong nửa cuối.

Năm 2017, mức độ giảm giá của năng lượng tái tạo được ước tính chỉ còn 9% đối với điện mặt trời và 4% đối với điện gió.

Lợi thế của giá thành thấp của năng lượng tái tạo sẽ không còn khi sản xuất ở mức cao và quy mô lớn cần phải mua sắm thiết bị công nghệ phức tạp để lưu trữ điện.

Cụ thể, với giá năng lượng mặt trời là 46-53 USD cho 1 MWh, nhưng do cần lắp đặt thêm pin và bộ chuyển đổi ngược điện thế, cùng với hệ thống lưu trữ kéo dài 10 giờ, sẽ làm tăng chi phí lên đến 82 USD. Trong khi đó, điện năng thu được từ việc đốt than hoặc khí tự nhiên là 60 USD và 68 USD cho 1 MWh tương ứng. Phân tích của Lazard cho thấy chi phí lưu trữ năng lượng mặt trời có thể lên đến 250 USD cho 1 MWh.

Nhưng, khi được ứng dụng rộng rãi, chi phí của công nghệ sẽ giảm. Dần dần, giá các công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo, từ bình tích điện (ắc-quy) đến bể chứa nước sẽ giảm nhờ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến hơn và nhờ những thay đổi về kinh tế có thể diễn ra. Theo Lazard, giá pin và ắc-quy lithium-ion sẽ giảm khoảng 8,5% mỗi năm trong 5 năm tới.

Nhờ những cải tiến kỹ thuật, các hệ thống lưu trữ điện đang ngày càng trở nên phổ biến khắp toàn cầu.

Tại các thành phố lớn nhất trên thế giới, các dự án đang được thực hiện để xây dựng các hệ thống lưu trữ năng lượng. Một trong số đó là dự án xây dựng một hệ thống lưu trữ năng lượng với tổng công suất 10 MWh ở New York. Đến năm 2025, hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ đạt giá trị khoảng 80 tỷ USD.

Tại Nga, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đang được phát triển theo hướng này. Bộ Năng lượng Nga đã có kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống lưu trữ điện, theo kịch bản lạc quan thì có thể đạt giá trị đến 8 tỷ USD/năm. Hiệu quả kinh tế tổng thể, có tính đến việc xuất khẩu các hệ thống lưu trữ điện và xuất khẩu nhiên liệu hydro, sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD/năm.

Bá Thủy

RT